Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 12/8/2011 21:13'(GMT+7)

Đoàn kết dân tộc, cùng giúp nhau xây dựng cuộc sống mới

 Khối đại đoàn kết dân tộc ở Gia Lai đang ngày càng được củng cố và gắn chặt bền vững, thông qua Cuộc vận động lớn của Đảng đã được triển khai sâu rộng từ hơn 10 năm nay, đó là "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Bằng các phong trào thi đua yêu nước cụ thể và thiết thực, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã tập trung sức lực và trí tuệ thi đua lao động sản xuất, giữ gìn sự yên bình cho mọi người, mọi nhà. Hầu hết các buôn làng đã có sự chuyển biến và đổi thay rõ nét theo hướng tích cực, cuộc sống của người dân luôn được cải thiện và ấm no, an ninh trật tự trên từng địa bàn luôn được giữ vững. Đặc biệt, ở các vùng đồng bào Bahnar và J'rai đã xóa được nạn đói kinh niên, giảm tình trạng thiếu đói giáp hạt như thời kỳ đầu mới giải phóng; hộ khá và giàu đang ngày càng phát triển mạnh.

Toàn tỉnh đã xuất hiện hơn 300 gương "người tốt - việc tốt", 17.000 tập thể, cá nhân được tuyên dương, hơn 2.000 lượt thôn làng, khu phố được khen thưởng và gần 170.000 gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa các cấp. Cũng thông qua phong trào này, tỉnh đã vận động được 43 tỷ đồng xây dựng hơn 10.000 ngôi nhà "Đại đoàn kết" tặng cho người nghèo, mở 3.500 sổ tiết kiệm tặng cho các gia đình có công còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Xã Ia Lâu thuộc huyện biên giới Chưprông là một trong những "điểm sáng" về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh quốc phòng. Cả xã có khoảng 7.000 dân nhưng có đến cả chục dân tộc anh em cùng chung sống, đó là dân tộc J'rai, Kinh, Mường, Tày, Nùng, Thái, Dao... Ở Ia Lâu gần như không có khoảng cách hộ nghèo - hộ giàu mà tất cả cùng đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất và xây dựng cuộc sống no ấm. Những hộ dân tộc Thái, Tày, Nùng...có kinh nghiệm và biết cách làm ăn đã bày vẽ và hướng dẫn cho những hộ J'rai và Bahnar còn chưa biết ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Từ mô hình nuôi bò với số lượng hơn 200 con của gia đình ông Trần Văn Tiến - dân tộc Tày, các hộ ông Siu Tek, K'pă Klot...ở các làng Đút, làng Tu cũng học hỏi làm theo và phát triển nuôi được vài ba chục con, tạo thu nhập ổn định 5-7 chục triệu đồng mỗi năm. Chị Siu H'Piơ - cán bộ phụ nữ xã cho biết: Từ khi có các dân tộc anh em ở các tỉnh phía Bắc vào xây dựng vùng kinh tế mới tại Ia Lâu, thì "cái đầu" của bà con dân tộc tại chỗ thêm sáng ra bởi học tập được nhiều điều tốt. Ia Lâu từ chỗ là vùng đất hoang hóa, thưa người ở, nay đã phủ xanh bằng các loại cây trái kinh tế và đã làm chủ được nguồn lương thực, không còn phải đói ăn như trước nữa. Cơ sở hạ tầng ở đây cũng đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều tỷ đồng, hoàn thiện hệ thống đường giao thông, điện thắp sáng, trường lớp, trạm xá..., đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân

Ở các xã Krông Năng (huyện Krôngpa), xã Kong Bla (huyện K'Bang)..., mối đoàn kết Kinh - Thượng đã gắn bó máu thịt từ trong thời kỳ chiến tranh chống giặc ngoại xâm, nay lại càng thêm bền chặt. Tinh thần đoàn kết của bà con không chỉ thể hiện trong việc giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, mà còn chung sức, chung lòng chống lại âm mưu của kẻ xấu hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Già làng Ksor Grang - người dân tộc J'rai ở buôn Ji A (xã Krông Năng) tâm sự: Trước đây trong chiến tranh chống Mỹ, người J'rai hay Bahnar giữ được buôn làng yên bình cũng nhờ bộ đội người Kinh anh em. Nay bà con dân làng được no ấm cũng nhờ anh em người Kinh giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật phát triển trồng trọt và chăn nuôi nên bà con đã thu được nhiều sản phẩm, cuộc sống luôn ổn định và nâng cao./.

Văn Thông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất