Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 27/11/2013 14:19'(GMT+7)

Đoàn Văn Cừ - Nhà thơ đưa hồn việt vào phiên “Chợ tết”

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Đoàn Văn Cừ (25/11/1913 - 25/11/2013), Hội nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm sinh thi nhân của hồn quê Việt Đoàn Văn Cừ. Trước đó, tại quê hương Nam Định của ông, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định đã tổ chức Lễ kỷ niệm tri ân nhà thơ cùng vào dịp Ngày Thơ Việt Nam 2013. Tới đây, tại thành phố Nam Định quê ông sẽ có một con đường mang tên Đoàn Văn Cừ.

Các bản tham luận tại Lễ kỷ niệm đều nhất trí đánh giá tài năng văn chương, nhân cách văn hóa và những đóng góp xứng đáng của nhà thơ Đoàn Văn Cừ cho nền văn học nước nhà. Các tham luận trình bày tại Lễ Kỷ niệm rất ấn tượng là: “Đoàn Văn Cừ, người lưu giữ hồn quê” (nhà thơ Vũ Quần Phương), “Đoàn Văn Cừ với hội xuân và những phiên chợ Tết” (Giáo sư Phong Lê), “Những kỷ niệm với thi sĩ họ Đoàn” (Thúy Toàn), “Đoàn Văn Cừ, thi sĩ của thảo Lư – sông Ngọc” (Lê Hoài Nam), “Ấn tượng về người và thơ Đoàn Văn Cừ” (Hồng Diệu)…


Nhà thơ Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25/3/1913 ở Hà Nội trong một gia đình thuần nông. Năm 14 tuổi, ông trở về sống và gắn bó với quê hương - thôn Đô Đò, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Trước Cách mạng tháng Tám, Đoàn Văn Cừ làm nghề dạy học ở quê nhà, có thơ đăng chủ yếu trên báo “Ngày nay”. Những năm 1936-1937, ông tham gia phong trào công nhân Nhà máy sợi Nam Định chống bọn chủ ngược đãi, đàn áp thợ thuyền Việt Nam; đòi tăng lương và thực hiện chế độ làm việc 8 tiếng/ngày. Trong những ngày tháng “ba cùng” với công nhân, ông đã dịch 8 điều yêu sách của công nhân sang tiếng Pháp để gửi cho phái đoàn Mặt trận bình dân Pháp. Sau Cách mạng tháng Tám, Đoàn Văn Cừ tham gia Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định. Năm 1946, gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Năm 1948 ông tòng quân, tham gia kháng chiến chống Pháp (làm công tác văn nghệ, phiên dịch, công tác địch vận Liên khu III). Từ 1959, ông là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Phổ thông (Bộ Văn hóa) tiếp tục sáng tác về sự đổi mới ở nông thôn. Mỗi bài thơ của ông là một bức tranh đời sinh động, phản ánh chân thực những đổi thay trên quê hương, đất nước. Từ năm 1971, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1974 công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nam Ninh (Hà Nam Ninh). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã làm thơ gửi bạn văn nghệ sĩ miền Nam đang chiến đấu, động viên con cháu lên đường, khẳng định niềm tin vào thắng lợi tất yếu của dân tộc:


Nam Bắc ngày mai chung bầu trời đỏ

Tung bồ câu lên đỗ cánh trăng sao


Tốt nghiệp Đại học ngành Văn - Sử - Địa. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957), sống trên mảnh đất văn nhân nổi tiếng, ông được kế thừa truyền thống văn chương của nhà thơ thế hệ trước và sau mình như: Tú Xương, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Bính Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Vũ Khiêu, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Huy, Trần Dần, Văn Cao, Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Chu Văn, Hải Như, Nguyễn Khắc Phục, Vũ Quần Phương, Trần Lê Văn, Nguyễn Đức Mậu,  Nguyễn Ngọc Ký, Bế Kiến Quốc…

Ngoài cái tên chính Đoàn Văn Cừ, ông còn có các bút danh khác, như: Kẻ Sĩ, Cư sĩ Nam Hà, Cư Sĩ Sông Ngọc. Hơn 60 năm cầm bút, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã để lại 9 tập thơ, văn. Thơ là thế mạnh trong sự nghiệp sáng tác của ông với số tác phẩm đã xuất bản đồ sộ, gồm: “Thôn ca I” (1944), “Thơ lửa” (in chung, 1947), “Việt Nam huy hoàng” (1948), “Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc” (1958); “Thôn ca II” (1960); “Dọc đường xuân” (1979), “Đường về quê mẹ” (1987), “Tuyển tập Đoàn Văn Cừ” (1992), “Đoàn Văn Cừ - Thơ với tuổi thơ” (2001) và “Đoàn Văn Cừ  toàn tập” mới xuất bản gần đây (quý III năm 2013, dày 775 trang). Ngoài thơ, ông còn có sáng tác văn xuôi, như: Phóng sự Quân dân Nam Định anh dũng chiến đấu” (1953)…

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ xuất hiện trong Phong trào Thơ mới với bút pháp viết về thôn quê rất riêng: tả chân. Khi đưa bốn bài thơ của Đoàn Văn Cừ vào “Thi nhân Việt Nam” (in lần thứ hai, 10/1941, bằng với Anh Thơ và hơn Bàng Bá Lân 2 bài) mặc dù Hoài Thanh - Hoài Chân vẫn “chưa biết gì thêm về con người ấy” ngoài 6-7 bài thơ đăng trên “Ngày Nay”. Song qua những bài thấm đẫm hồn quê, tình quê ở nông thôn Bắc Bộ như: “Đám hội”,“Chợ Tết”, “Trăng hè”, Đám cưới mùa xuân”, “Đường về quê mẹ”... và đặc biệt là phiên “Chợ Tết” dung dị, đặc sắc, Hoài Thanh và Hoài Chân đã có lời nhận xét tinh tế và chính xác: “Những bức tranh trong thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như những bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là một thế giới linh hoạt…Những câu thơ ấy đều khép lại một thế giới…"Mắt ta không thấy gì nữa nhưng lòng ta bỗng bâng khuâng". Đoàn Văn Cừ được tác giả “Thi nhân Việt Nam” khu biệt ra là nhà thơ của thành Nam (Nam Định), ông là người lưu giữ hồn Việt qua hội xuân và những phiên chợ Tết và “cứ nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng…” (Hoài Thanh – Hoài Chân). Thơ Đoàn Văn Cừ mang chất “Thôn ca”, là bức tranh thơ sống động về con người và cảnh vật của dân quê thời xưa và cũng là nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của không gian văn hóa Sơn Nam – Bắc Bộ. Đặt trong tương quan đối sánh, Hoài Thanh và Hoài Chân đã khẳng định “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào và rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”…


Sinh thời, sống giản dị, mực thước, gắn bó với thôn quê, là một nhà thơ cách mạng, ông luôn tâm nguyện làm “con tằm rút ruột nhả tơ” trả ân nghĩa cuộc đời: “Ngót 60 năm cầm bút, tôi chỉ có một ước mơ khiêm tốn: Trong thơ góp một đường cày- Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa”.

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định “nhà thơ Đoàn Văn Cừ có nhiều đóng góp, cống hiến to lớn đối với nền văn học Việt Nam. Di sản của Đoàn Văn Cừ để lại là những bài học quý báu cho các thế hệ nhà văn, nhà thơ lớp sau, tư tưởng của ông vẫn luôn mới cho đến ngày hôm nay. Đoàn Văn Cừ là nhà thơ, nhà giáo, chiến sỹ cách mạng. Nhân cách Đoàn Văn Cừ thể hiện với cách mạng, với nhân dân, với đất nước và các thế hệ nhà văn Việt Nam rất cao quý. Với những cống hiến quan trọng đó, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật ngay đợt đầu tiên (năm 2001). Hội Nhà văn Việt Nam dành một khu trưng bày trang trọng tôn vinh nhà thơ Đoàn Văn Cừ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Trong buổi lễ kỷ niệm thiêng liêng này, thay mặt các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin trân trọng gửi tới nhà thơ tiền bối Đoàn Văn Cừ lòng ngưỡng mộ trước tài năng và nhân cách của ông…”

Trên thi đàn dân tộc nửa đầu thế kỷ XX, nhà thơ Đoàn Văn Cừ vẫn mãi là một gương mặt độc đáo của phong trào Thơ mới và rộng hơn là thơ Việt Nam hiện đại. Thơ Đoàn Văn Cừ tràn trề một tấm lòng yêu quê hương, đất nước, không chỉ bó hẹp trong vùng quê bé nhỏ mà trải ra một diện rộng với những vấn đề lớn của quốc gia, dân tộc chống ngoại xâm, giành độc lập, hoà bình và xây dựng đất nước.


TS. Lê Thị Bích Hồng


 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất