Nhạc sĩ Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928, quê quán Hải Lăng, Quảng Trị. Cái tên Trần Hoàn là bút danh gắn với cảm xúc mê bài hát “Thiên Thai’ của nhạc sĩ Văn Cao trong câu “Đào nguyên xưa Lưu Nguyễn quên trần hoàn” của nhạc sĩ. Tham gia hoạt động âm nhạc từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông đã thành lập đoàn nghệ thuật đi biểu diễn từ Bình Trị Thiên đến Thanh Nghệ Tĩnh trong những ngày chiến tranh chống Pháp.
Sau ngày hòa bình lập lại (1954), ông đã trải qua nhiều cương vị công tác, như: Giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng, Trưởng ban Tuyên huấn Bình Trị Thiên - Huế, Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (1987 - 1996). Đại hội VII của Đảng, ông được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; là đại biểu Quốc hội khóa VIII. Từ 7/1996 -11/2003, nhạc sĩ Trần Hoàn giữ chức Phó Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Nhạc sĩ Trần Hoàn là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (năm 1957). Ông tự học nhạc và bắt đầu sáng tác từ năm 16 tuổi. Suốt 75 năm mùa xuân cuộc đời, trong đó gần 60 năm sáng tác, nhạc sĩ Trần Hoàn đã để lại gần 1.000 ca khúc trong đó nhiều tác phẩm mãi mãi đi cùng năm tháng, tạo nên sức sống lâu bền trong lòng người yêu nhạc, từ những ca khúc thời kỳ đầu mang tính trữ tình như “Sơn nữ ca’, “Lời người ra đi’... cho tới những bài hát “Lời ru trên nương”, “Tình ca mùa xuân’, “Nắng tháng Ba”, “Một mùa xuân nho nhỏ”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”, “Một mùa xuân nho nhỏ”, “Chào mùa xuân”, “Đêm Hồ Gươm”, “Mưa rơi”… Đặc biệt, ông còn viết nhiều ca khúc về Bác Hồ xúc động lòng người, như: “Cảm xúc từ Làng Sen”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu ví dặm”, “Thăm bến Nhà Rồng”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”…
Nhạc sĩ Trần Hoàn là một trong những hiện tượng đặc biệt mang trách nhiệm “kép” - nghệ sĩ – chiến sĩ. Ông vừa là nhà lãnh đạo sâu sắc, nhân văn, vừa là người sáng tác sung sức. Những sáng tác của ông ở từng giai đoạn đều có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc người nghệ sĩ và kiến thức của nhà lãnh đạo; sự gần gũi quần chúng nhân dân và nguồn cảm hứng nhân văn để xây dựng tác phẩm với những giai điệu khó quên.
Với những đóng góp đó, nhạc sĩ Trần Hoàn đã được vinh dự nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, năm 2000, nhạc sĩ đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật…
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trần Hoàn, một số hoạt động tri ân được diễn ra. Ngày 13/11/2013, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của ông trong không khí ấm áp, xúc động. Nhiều bài phát biểu đã đánh giá công lao, sự đóng góp của ông đối với âm nhạc nói riêng và với văn học nghệ thuật nói chung.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đánh giá: “Nhạc sĩ Trần Hoàn là người từng giữ nhiều chức vụ cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Ông sống rất giản dị. Phong thái, tình cảm, tấm lòng của nhạc sĩ Trần Hoàn luôn tỏa sáng và ấm áp. Với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Trần Hoàn đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, dân chủ, kết tinh của tài năng và đức độ. Trần Hoàn là người anh lớn trong giới văn học nghệ thuật. Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cùng với gia đình tự hào khi có anh trong cuộc sống”. Với tư cách Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ đã đề xuất hỗ trợ hoạt động văn học nghệ thuật cho 10 tổ chức hội ở Trung ương và các hội địa phương.
Để ghi nhận những đóng góp của nhạc sĩ Trần Hoàn, sau khi ông mất, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã biên soạn, xuất bản cuốn sách “Trần Hoàn-Cuộc đời và sự nghiệp”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Chương trình nghệ thuật “Những mùa xuân còn mãi” kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trần Hoàn. Chương trình do Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam dàn dựng, biểu diễn vào đêm 17/11/2013 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã tạo dấu ấn đặc biệt cho khán giả Thủ đô. Những ca khúc đặc sắc biểu diễn trong Đêm nhạc tưởng niệm được chọn lọc trong gần 1000 tác phẩm âm nhạc của ông, như: Lời ru trên nương, Lời Người ra đi, Mùa xuân nho nhỏ, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Hoàng hôn đêm trăng...với sự thể hiện của những ca sĩ Việt Hoàn, Thái Bảo, Tùng Dương, Đức Long… Đặc biệt, trong dịp này, đề xuất của Hải Phòng có một đường phố mang tên Trần Hoàn đã được chấp thuận. Tháng 12 tới, tại thành phố Hoa phượng đỏ - nơi ông từng giữ cương vị Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, sẽ có một con đường mang tên ông.
Sáng tác của nhạc sĩ Trần Hoàn rất phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, thể loại. Ông để lại cho nền âm nhạc nước nhà một tài sản vô cùng qúy báu của một nhạc sĩ tài ba. Những sang tác ấy đã và mãi đi cùng năm tháng, tạo nên sức sống lâu bền trong lòng người yêu âm nhạc và tôn vinh xứng đáng những đóng góp của nhạc sĩ Trần Hoàn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Lê Thu Nguyệt