Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 26/6/2019 15:53'(GMT+7)

“Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0”

Hội thảo “Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0”.

Hội thảo “Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0”.

Nhằm mang đến các giải pháp giúp doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam giảm thiểu những tác động tiêu cực và tận dụng tốt nhất cơ hội, ứng dụng cộng nghệ 4.0 thành công vào sản xuất kinh doanh, mới đây, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0”.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới được đánh giá là mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia. Theo các chuyên gia kinh tế, CMCN 4.0 giúp các doanh nghiệp (DN) có cơ hội mở rộng thị trường phát triển; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm; có sự thay đổi lớn từ phía cung hàng hóa thông qua việc tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Cùng với đó, chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí thương mại được giảm bớt.... Từ đó, thị trường của DN sẽ được mở rộng...

Theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương, hiện nay, có 61% DN Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 và 21% DN mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị. Còn theo thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, năm 2018, trong 10.994 DN sản xuất: có 879 doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến (8%); có 5.501 doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình, trung bình tiến tiến (50%); có 4.614 doanh nghiệp còn lại sử dụng công nghệ lạc hậu (42%).

Nhìn nhận tác động của CMCN 4.0, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, CMCN 4.0 làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và cách làm việc của con người. Tuy nhiên thách thức từ CMCN 4.0 đối với DN cũng nhiều nhưng cơ hội kinh doanh tạo ra từ cuộc cách mạng này cũng rất lớn.

Rất nhiều công nghệ mới có thể giúp DN thay đổi hoạt động kinh doanh. Do đó, DN phải có tư duy thay đổi, thay đổi để “sống”. Khi DN chuyển đổi số mà tư duy không có sự thay đổi thì hệ thống số đó cũng sẽ không có giá trị.

Ông Hiếu đề nghị DN nên tự chủ động tìm hiểu nghiên cứu về cuộc cách mạng này và những tác động của cuộc cách mạng đến DN. Bởi hiện nay rất ít các DN vừa và nhỏ biết và chủ động tìm hiểu về CMCN 4.0.

Nói về chính sách và giải pháp hỗ trợ về khoa học và công nghệ để doanh nghiệp tiếp cận và thích ứng với CMCN 4.0, ông Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, mặc dù hiện nay Chính phủ có nhiều chính sách để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0, tuy nhiên, thực tế chúng ta vẫn có những độ trễ nhất định. Vì vậy, doanh nghiệp phải là trung tâm để đổi mới, để ứng phó với cuộc cách mạng 4.0 nhằm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Hữu Xuyên cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức về cách thức sản xuất và môi trường kinh doanh, phải thay đổi từ cạnh tranh tĩnh sang cạnh tranh động để có thể bắt kịp xu hướng…

“Để làm được điều đó, chúng ta phải đánh thức tiềm năng của chính mình để phát triển công nghệ trong tương lai. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ đang tăng rất mạnh, nhưng doanh nghiệp lớn có bộ phận tự nghiên cứu, triển khai công nghệ chỉ chiếm chưa đến 3% - quá thấp trong cuộc cách mạng 4.0”, ông Nguyễn Hữu Xuyên cho nêu.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh cho rằng, để phát triển CMCN 4.0, cần đề cao vai trò của thể chế và người lãnh đạo. Thể chế phải tốt, lãnh đạo phải nhanh, mạnh và quyết đoán, sâu sát, nhạy cảm với tình hình để có quyết sách đúng đắn. Tiếp theo là phải có một hệ thống giáo dục đào tạo kỹ năng tốt để cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực số có chất lượng cao. Bên cạnh đó phải tiếp tục coi doanh nghiệp sáng tạo là trung tâm, đồng thời thúc đẩy an ninh mạng kết nối./.

Hương Lan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất