Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý 2/2016 do Hiệp
hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cho thấy
các doanh nghiệp châu Âu vẫn phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh
tại Việt Nam. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tiếp tục gia
tăng đầu tư.
Phần lớn các doanh nghiệp châu Âu đều cho rằng kinh tế vĩ mô của Việt
Nam sẽ tiếp tục ổn định, với 56,3% số doanh nghiệp phản hồi "ổn định và
cải thiện” và chỉ có 9,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán kinh tế
vĩ mô sẽ suy giảm.
Cũng theo EuroCham, khoảng 49% doanh nghiệp được khảo sát dự đoán số
lượng đơn đặt hàng hoặc doanh thu của họ sẽ tăng nhẹ trong quý tiếp
theo. 15,6% trong số họ thậm chí còn lạc quan hơn, mong đợi một sự gia
tăng đáng kể trong doanh thu của quý tiếp theo. Do đó, khi được hỏi về
kế hoạch đầu tư và phát triển số lượng nhân sự, phản hồi của các doanh
nghiệp châu Âu cũng rất tích cực, nhất quán với phản hồi về doanh thu và
số lượng đơn hàng.
Đây là một dấu hiệu tốt cho việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do
Việt Nam-EU. Hiệp định được mong đợi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh
doanh và đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho thấy tính đến đầu
tháng Bảy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và EU đã đạt
21,2 tỷ USD, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu từ
Việt Nam là 16,2 tỷ USD, tăng 8,68% so với cùng kỳ và nhập khẩu vào
Việt Nam đạt trên 4,97 tỷ USD, tăng 10,28%, tập trung chủ yếu vào các
mặt hàng có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép các loại, càphê, hải
sản, máy vi tính.
Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ hầu hết các nước thành viên EU
những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được hoặc còn thiếu như máy
móc-thiết bị-dụng cụ, dược phẩm, sữa và sản phẩm từ sữa.
Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu nhận định trong
hơn một thập kỷ qua, quan hệ thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và EU đã có
bước phát triển vượt bậc. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cần trực tiếp tiếp
cận hệ thống phân phối, tiếp cận khách hàng cũng như lắng nghe phản hồi
để có điều kiện cải thiện sản phẩm giúp đẩy mạnh xuất khẩu.
EU là thị trường tương đối đồng nhất đòi hỏi cao hơn thị trường khác về
chất lượng từ trung bình trở lên. Do đó, muốn xâm nhập thị trường EU
luôn phải đảm bảo chất lượng trong thời gian dài. Cùng đó, người tiêu
dùng khu vực này luôn quan tâm đến môi trường, bảo đảm quyền lợi người
tiêu dùng nên doanh nghiệp cần nắm vững những quy tắc và tâm lý người
dân bản địa để đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn khi xuất khẩu sang thị
trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.
Cũng theo ông Trần Ngọc Quân, hiện tại trong chiến lược xuất khẩu của
Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì EU được coi là một trong những
đối tác trọng tâm phát triển kinh tế thương mại.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt các ưu đãi từ Hiệp định Việt Nam-EU mang lại,
cộng đồng doanh nghiệp cần phải nắm vững thông tin để phân tích tác
động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình.
Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch hành động chủ
động và tích cực trên các phương diện: định hướng thị trường, đối tác,
đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách
nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh./.
(TTXVN)