TĂNG TỐC SẢN XUẤT TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
Hiện nay, các doanh nghiệp bước vào tháng cao điểm sản xuất để bảo đảm đơn hàng, cũng như đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm của người dân. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chủ động tìm kiếm đơn hàng, thay đổi phương thức sản xuất, tìm nguồn nguyên liệu sản xuất để tăng tốc cho những tháng cuối năm.
Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (TP. Sông Công) là đơn vị chuyên gia công, chế tạo linh kiện, chi tiết máy cho các thương hiệu nổi tiếng như Honda, Yamaha, Atsumitec... 10 tháng qua, doanh thu của Công ty ước đạt 865 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt hơn 98% kế hoạch năm 2022. Trong đó, riêng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 60 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ.
Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân, từ đầu năm đến nay, doanh thu của doanh nghiệp ước đạt 40 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt 5% so với kế hoạch 10 tháng đầu năm. Nhờ doanh thu tăng trưởng nên Công ty đã tăng thu nhập cho người lao động từ 7 đến 8% so với cùng kỳ, tương đương thu nhập bình quân đạt 10,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, Công ty cũng đang tiến hành đàm phán ký kết đơn hàng mới cho năm 2023.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trang Minh Đức là doanh nghiệp làm trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, sản xuất máy nên nguồn nguyên vật liệu phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, nhiều cấu kiện máy, sắt, thép trong nước không đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc nhập khẩu không phải dễ dàng trong thời gian qua đã khiến công ty thay đổi chiến lược. Hiện nay, doanh nghiệp đang tích trữ nguyên vật liệu để sản xuất cho những tháng cuối năm, thậm chí là cả năm sau. Hiện nay, công ty đang có nhu cầu mua số lượng lớn vật liệu sắt thép chuyên dụng và tích trữ dần, phòng tình hình có những biến động hay giá nguyên vật liệu tăng nóng trở lại. Trước mắt, để hoàn thành kế hoạch, doanh nghiệp sẽ cần nỗ lực gấp 200%, thậm chí là cần tăng cường thêm thu nhập để giữ chân lao động.
TẠO ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRONG NƯỚC
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chủ động quy trình sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khá khả quan. Đặc biệt, cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo.
Chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2022 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 31,5%; sản xuất trang phục tăng 19,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 17,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5,4%; sản xuất kim loại giảm 1,5%.
Các sản phẩm công nghiệp chủ lực 10 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước như: ô tô tăng 16,4%; xe máy tăng 7,9%; quần áo mặc thường tăng 10,7%; giầy dép da tăng 9,3%; thuốc lá bao các loại tăng 9%. Ngược lại, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 10 tháng năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước như: quặng aptit giảm 14,4%; sắt thép thô giảm 15,3%; điện thoại di động giảm 5,1%; ti vi giảm 1,4%; giày dép da giảm.
Với những kết quả nêu trên, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh xung đột quốc tế, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới diễn biến khó lường.
Trong những tháng cuối năm 2022, nhằm ổn định và phát triển công nghiệp trong nước, Bộ Công Thương đã giao các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện cho các đơn vị thuộc Bộ. Cụ thể, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Bộ Công Thương cũng tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp; rà soát, cải cách cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương.
Song song đó, triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo các định hướng ưu tiên đã được xác lập: Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, thép, thiết bị điện...; một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử... công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng; công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông lâm, thủy sản; công nghiệp khai khoáng theo hướng chỉ cho phép áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu; chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.
Bảo Châu