Chủ Nhật, 29/12/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 22/3/2009 20:16'(GMT+7)

Doanh nghiệp vẫn khát vốn

Thanh niên tìm kiếm việc làm tại Hội chợ Việc làm Hà Nội, 20-3. (Ảnh: TTXVN)

Thanh niên tìm kiếm việc làm tại Hội chợ Việc làm Hà Nội, 20-3. (Ảnh: TTXVN)

Một phác thảo khá toàn diện về “sức khỏe” các doanh nghiệp VN hiện nay cũng như những khó khăn họ đang và sẽ gặp phải trong thời gian tới đã được các chuyên gia đưa ra

Sau một cuộc khảo sát hơn 300 doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội và TPHCM kéo dài tới cuối tháng 2 vừa qua, VDF khuyến cáo, mặc dù đến giai đoạn hiện nay, khi chính sách tiền tệ đã được nới lỏng và nhiều chính sách thực hiện kích cầu đã được thực hiện nhưng vẫn có tới 20,8% DN được điều tra phàn nàn gặp khó khăn trong giao dịch vay vốn với hệ thống ngân hàng (NH).

Doanh nghiệp “khỏe” mới tiếp cận được vốn

Mặc dù giảm mạnh so với giai đoạn thắt chặt tiền tệ, nhưng VDF vẫn cho rằng việc đưa vốn đến với DN vẫn có vấn đề, khi có đến 42,9% DN lo lắng, tiếp cận vốn sẽ vẫn là một khó khăn trong thời gian tới. Lo lắng này chỉ xếp sau lo lắng về sự giảm sút nhu cầu thị trường trong nước (81,6%).

Thực tế điều tra từ các DN cho thấy, với diễn biến chính sách từ thắt chặt đến nới lỏng khiến những trở ngại trong tiếp cận vốn cũng thay đổi. Nếu như trước kia là lãi suất quá cao mà đến tận bây giờ vẫn còn nhiều DN phải gánh chịu, thì đến nay những khó khăn về điều kiện thế chấp và xét duyệt cho vay được DN đặt lên hàng đầu. Các NH hiện nay quá chú trọng đến mức độ an toàn và tuân thủ cứng nhắc các thủ tục nên thủ tục cho vay vốn đã chưa minh bạch nay trở nên rất phức tạp đối với DN. Lo ngại và thận trọng! Đó là tâm lý chung. Chiều 20-3, khi trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những khó khăn khi tiếp cận nguồn hỗ trợ lãi suất 4%, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết trước khi ban hành giải pháp này, câu hỏi làm sao giám sát được hiệu quả việc cho vay cũng đã được đặt ra, “Đồng chí thống đốc ngại nhận trách nhiệm nên đưa ra yêu cầu rườm rà hơn, nhưng để bảo đảm hiệu quả, Chính phủ giao thống đốc trực tiếp chịu trách nhiệm”.

Thậm chí trong bối cảnh có nhiều tiềm ẩn rủi ro, các NH càng thẩm định kỹ hơn, xem xét kỹ lưỡng báo cáo tài chính, báo cáo chu chuyển tiền tệ, lịch sử thanh toán, khả năng tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, thu nhập tương lai...

Trong khi đó, NH cũng “thủ thế”, vì họ chỉ được hoàn trả 80% tiền hỗ trợ lãi suất khi hết năm 2009; 20% còn lại phải chờ thanh tra, nếu có sai phạm sẽ bị trừ luôn 20% vào các khoản thuế phải nộp nên ngân hàng không mặn lắm với gói cho vay.

Bên cạnh đó, sau khi khảo sát thực tế cho thấy vốn hỗ trợ lãi suất có thể gặp khó khăn về giải ngân, vì đầu ra của rất nhiều ngành sản xuất bị sụt giảm nên không ít DN cũng không mặn mà vay vốn, vốn không muốn mang thêm nợ trong bối cảnh kinh tế suy giảm chưa có lối thoát.

Chính vì thế, nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô và tài chính của VDF, gói kích cầu mới chỉ chú trọng đến hỗ trợ sản xuất là chưa đủ. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất, cần phải có giải pháp hỗ trợ thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, kích thích tiêu dùng. Đồng thời với cho vay DN trực tiếp sản xuất cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, kinh doanh bất động sản hay chứng khoán.

Các ngân hàng vẫn làm "vua"

Huy động vốn của DN hiện nay chủ yếu thông qua hai hình thức là vay thương mại từ các NH và huy động trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quang Thuân (Công ty Stoxplus), trong tình hình hiện nay, DN đang có xu hướng chuyển từ huy động vốn chứng khoán trở lại với vốn NH như truyền thống và vai trò của hệ thống NH vẫn chi phối. TS Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng vay NH vẫn tiếp tục là kênh chính của DN trong thời gian tới.

Cơ sở của việc này là việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hiện nay rất ảm đạm và thường là không khả thi. Từ đầu năm 2009 đến nay, mới có 8 DN được cấp phép phát hành 36 triệu cổ phiếu, nhưng số lượng thực tế phát hành thành công tính trên đầu ngón tay, với 2 DN cùng khoảng 5,5 triệu cổ phiếu, huy động được khoảng 80 tỉ đồng. Vì thế, tăng vốn qua chứng khoán sẽ rất khó khăn và không thuận lợi trong tương lại gần. Những "chiêu bài" như cổ phiếu thưởng, quyền ưu đãi vốn được ứng dụng thành công trong năm 2007 - 2008 sẽ không còn phù hợp nữa. DN sẽ quay trở lại với nguồn vốn truyền thống và vay NH - TS Thuân phân tích.

Kiến nghị mở rộng tín dụng

Trong hoàn cảnh đó, TS Đặng Ngọc Đức (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng DN VN sẽ khó có cơ hội tồn tại nếu không có sự mở rộng tín dụng của các NH như một giải pháp tiếp sức cho DN.

Ông Đức đề nghị các NH thương mại cần củng cố, tăng cường nguồn vốn và coi đây như điều kiện tiên quyết. Cần hợp lý hóa định mức tồn quỹ nghiệp vụ để gia tăng lượng vốn khả dụng, tăng khả năng cho DN vay. Thâm nhập sâu hơn vào các tầng lớp dân cư với các sản phẩm huy động vốn mới và hấp dẫn. Đây là những sản phẩm mang lại cho NH thương mại nguồn vốn khá ổn định, chi phí thấp. Tận dụng cơ hội thu hút các nguồn vốn ủy thác, đặc biệt là nguồn vốn khi NH được chỉ định làm trung gian giải ngân hoặc cung cấp dịch vụ bảo lãnh cho khách hàng.

Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp mở rộng cho vay. Tinh giản hóa các điều kiện cho vay để tạo ra các sản phẩm tín dụng mới bảo đảm 2 yêu cầu tiện ích và an toàn. Tinh giản không có nghĩa là đơn giản hóa hay hạ thấp các điều kiện mà là sự thanh lọc các điều kiện cho vay của NH. Tăng cường sự thâm nhập của các NH vào các DN thông qua việc tăng cường sự hỗ trợ các DN. Mua lại các khoản nợ khó đòi của khách hàng và thực hiện chứng khoán hóa làm tăng tính thanh khoản của các khoản nợ khó đòi, kể cả việc sử dụng nguồn vốn từ quỹ dự phòng rủi ro tín dụng.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy:

Nên tính tới gói kích cầu tiếp theo

Ủy ban Giám sát tài chính cũng đã từng kiến nghị với Chính phủ và Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ là ở các nước kích cầu không chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Ví dụ như chúng ta hỗ trợ lãi suất để cho vay chỉ tối đa 8 tháng là không đủ. Các nước như Trung Quốc, những gói kích cầu lớn của họ định là 2 năm. Một số nước cũng vậy. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ nên nghĩ đến những gói kích cầu tiếp theo thì mới có thể ngăn chặn được tốt hơn sự suy giảm và tăng trưởng, phục hồi sớm hơn tăng trưởng kinh tế.

Đương nhiên chúng ta không có được những nguồn lực lớn như Trung Quốc, chúng ta cũng không ở vào vị thế kinh tế, tài chính mạnh như một số nước khác, nhưng chúng ta cũng vẫn có những nguồn lực và nếu nhìn vào nền kinh tế trong nước, trong dân cư thì chúng ta còn có nhiều khả năng có thể huy động nếu biết sử dụng và huy động tốt.

Chúng tôi ủng hộ việc Chính phủ phát hành trái phiếu bằng nội và ngoại tệ để huy động nguồn lực cho đầu tư. Ngân sách hiện nay ít khả năng dự toán, khả năng bội chi lại lớn thì nhất định phải đi vay bằng con đường trái phiếu Chính phủ. Nếu có bình luận thì chỉ có một điều là phải có lãi suất thích hợp để có thể huy động được và đừng quá “so kè” việc phải vay với lãi suất thấp hơn của NH. Vì trong bối cảnh đặc thù này, chấp nhận trả lãi suất có thể hơi cao một chút, vay được lúc này còn tốt hơn là không vay được (làm chậm trễ tác động kích cầu).

(Theo: Người lao động)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất