Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 6/11/2013 8:45'(GMT+7)

Doanh nhân kín tiếng của dự án cáp treo Fansipan 4.400 tỷ

Ông Lê Viết Lam từng giữ chức chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine.

Ông Lê Viết Lam từng giữ chức chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine.

Trước khi được biết đến là ông chủ tập đoàn xây dựng tuyến cáp treo 4.400 tỷ đồng lên "nóc nhà của Đông Dương - Fansipan", doanh nhân Lê Viết Lam đã nổi như cồn với dự án cáp treo Bà Nà Hills, khách sạn InterContinental Đà Nẵng... Thế nhưng, ngoài khối tài sản khủng tại Việt Nam và tỉnh Kharkov, Ukraine, ông chủ Sun Group lại rất kín tiếng trong những câu chuyện ngoài kinh doanh.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Viết Lam được xem là một trong những doanh nhân giàu có bậc nhất của Việt Nam, xếp trong doanh sách những người Việt nổi tiếng tại Ukraine. Năm 1987, khi vừa tròn 18 tuổi, Lê Viết Lam, khi đó còn là một sinh viên, được sang Nga học tập theo chương trình đào tạo của Nhà nước và lấy bằng thạc sĩ tại Moscow.

Thời gian này, cùng với những người bạn học Việt Nam tại Liên Xô như ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thu Hương (hiện là vợ của ông Vượng), bà Nguyễn Thu Hằng (em vợ ông Vượng), ông Trần Minh Sơn (ông chủ Euro Window), ông Lê Viết Lam lập một doanh nghiệp nhỏ ở Kharkov, Ukraine, lấy tên là Technocom. Khi đó, ông chủ Vingroup làm chủ tịch. Trải qua 20 năm hoạt động, từ một nhà máy chuyên chế biến mì gói với thương hiệu Mivina (mì Việt Nam) - đứng đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm ăn nhanh ở Ukraine, Technocom đã trở thành một tập đoàn đa ngành với hơn 4.000 công nhân, doanh thu 10 triệu USD/tháng, và được định giá lên tới 1 tỷ USD trước khi bị bán lại cho Nestle.

Trong khi ông Phạm Nhật Vượng còn gắn bó với Technocom một thời gian nữa trước khi trở về Việt Nam để xây dựng tập đoàn Vingroup, thì doanh nhân Lê Viết Lam cùng một vài đồng sự lại sớm ra riêng để thành lập tập đoàn Sun Group. Ngay khi ra đời không lâu, SunGroup đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều công trình, dịch vụ lớn tại Ukraine tại thời điểm đó, như siêu thị thực phẩm đầu tiên của người Việt - SunMart, công viên nước trong nhà lớn nhất - Jungle hay khách sạn 4 sao đầu tiên của người Việt - SunLight.

Tuy nhiên, nổi bật nhất trong số các dự án tại Ukraine của tập đoàn nói chung và người Việt nói riêng là Làng Thời Đại, công trình do Vinamex - một đơn vị thành viên của Sun Group xây dựng, đảm bảo cho 300 gia đình người Việt sinh sống. Với kiến trúc độc đáo, đây cũng là một trong những tòa nhà đẹp nhất tại Kharkov, Ukraine.

Bức tượng Thánh Gióng trong khuôn viên Làng Thời Đại tại Kharkov, Ukraine.

Ông chủ Sun Group từng chia sẻ, những căn hộ trong Làng Thời đại do người Việt giàu có tự bỏ tiền mua đất xây dựng, và giá bán cho người Việt chỉ bằng một phần ba giá thị trường. "Tôi biết đã từng có những khu phố Trung Hoa, Nhật Bản sầm uất tại Hoa Kỳ, Pháp và các nước Âu- Mỹ. Và bây giờ hiển hiện thêm những khu phố Việt Nam sầm uất giữa lòng châu Âu, cho chúng ta một cách nhìn mới về tiềm lực Việt Nam nơi xứ người”.

Thời điểm năm 2007, khi kinh tế Ukraine rơi vào suy thoái, Sun Group lên kế hoạch quay trở lại đầu tư về Việt Nam, với dự án đầu tiên là khu cao ốc văn phòng tại phố Hai Bà Trưng Hà Nội (tòa nhà SunCity). Tháng 1/2008, công ty cổ phần Cáp treo Bà Nà (một doanh nghiệp thành viên của Sun Group) đã được cấp phép xây dựng tuyến cáp treo dài hơn 5km, theo tiêu chuẩn châu Âu, với mức đầu tư lên tới 300 tỷ đồng. Trong vòng 5 năm sau đó, 2 tuyến cáp treo khác lần lượt được khánh thành, và Bà Nà Hills trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất ở Việt Nam của Sun Group cũng như ông chủ Lê Viết Lam.

InterContinental Danang là một trong những tài sản nổi bật nhất của ông chủ Sun Group.

Sun Group hiện còn là chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng InterContinental đầu tiên tại Việt Nam, tòa nhà cao nhất miền Trung, ngôi làng Pháp tại Việt Nam và nhiều công trình đình đám khác. Mới đây, Sun Group và đại gia Lê Viết Lam một lần nữa lại gây rúng động giới doanh nhân, khi mở dự án trị giá 4.400 tỷ đồng để xây dựng tuyến cáp treo được đánh giá là phức tạp nhất thế giới, nối lên "nóc nhà của Đông Dương - Fansipan".

Theo Tri Thức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất