Ngày 4/11, Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố bản báo cáo về Kinh tế Vĩ mô -
Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 11/2013, trong đó nhận định
nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt.
Báo cáo nhận định, đây là tháng thứ hai liên tiếp số lượng đơn đặt hàng
xuất khẩu mới được ghi nhận tăng và đà tăng trưởng vẫn còn mạnh. Bên
cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định hơn với tiền tệ, lạm phát và các yếu tố
bên ngoài bền vững hơn.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng kỷ lục
Theo HSBC, tuy còn chậm nhưng chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam đang ngày
càng chuyển biến tốt hơn. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) tháng 10
vẫn duy trì ở mức 51,5 điểm, bằng với kết quả của tháng 9/2013 (là tháng
có kết quả tốt nhất kể từ tháng 4/2011 - tháng đầu tiên bắt đầu có dữ
liệu khảo sát).
Tăng trưởng sản lượng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng
10 đã quay trở lại khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng kỷ lục nhờ sự gia
tăng nhu cầu. Trong bối cảnh năng lực sản xuất bị hạn chế xuất hiện ngày
càng rõ nét, số lượng nhân công tiếp tục được tăng, mặc dù với tốc độ
chậm hơn, trong khi các công ty tăng lượng tồn kho hàng hóa đầu vào nhằm
đề phòng sản xuất sẽ còn tăng trưởng thêm.
Các điều kiện sản xuất chung liên tục được cải thiện sau khi đã có bốn
tháng suy giảm. Tăng trưởng sản lượng quay lại là yếu tố hỗ trợ giúp
ngành sản xuất trong tháng 10 tăng lên. Mặc dù chỉ ở mức khá khiêm tốn
nhưng đây là lần đầu tiên tăng trưởng được ghi nhận kể từ tháng 4.
Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết, sản lượng tăng sau khi số
lượng đơn đặt hàng mới tăng. Đây là tháng thứ hai liên tiếp tăng với tốc
độ tăng nhanh nhất trong lịch sử khảo sát.
Nhu cầu cơ bản của khách hàng được nhiều người đánh giá là đã cải thiện
và các công ty cho biết họ cũng đã tận dụng được môi trường kinh tế đang
dần vững mạnh thông qua việc giới thiệu các sản phẩm mới và đồng thời
cũng nâng cao danh tiếng doanh nghiệp.
Doanh thu đơn hàng xuất khẩu mới cũng được báo cáo tăng trong suốt tháng
10, mặc dù mức tăng nhẹ hơn so với tháng 9. Tuy nhiên, đây là tháng thứ
hai liên tiếp số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới được ghi nhận tăng và
đà tăng trưởng vẫn còn mạnh.
Trong tháng 10, trước tình hình đơn đặt hàng mới và sản lượng đều tăng,
các thành viên nhóm khảo sát đã phải tăng số lượng nhân công trong tháng
thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, mức tăng nhân công khá nhẹ và thấp hơn so
với mức mức tăng kỷ lục của tháng 9 vừa qua.
Bà Trịnh Nguyễn, chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC bình luận: "Kết
quả chỉ số PMI tiếp tục được cải thiện cho thấy hoạt động sản xuất ở
trong nước đang dần ổn định. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh tế tiếp
tục được thúc đẩy nhờ vào hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ với sự hỗ trợ của
nguồn vốn FDI ổn định. Điều này sẽ giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn cắt
giảm nợ, với dòng vốn nước ngoài đang đổ vào cân bằng với nhu cầu yếu
kém ở trong nước."
Chuyển dịch về phía trước
Lạm phát trong tháng 10 đã chậm lại ở mức 5,9% so với mức 6,3% trong
tháng 9 do giá xăng dầu đã giảm trong khi giá cả thực phẩm tăng. Nhu cầu
trong nước yếu và giá dầu thuận lợi sẽ giữ mức lạm phát thấp từ nay đến
cuối năm. HSBC dự báo, một trong nhưng nguy cơ đối với lạm phát trong
những tháng tới là do giá cả thực phẩm tăng.
"Chúng tôi hy vọng lạm phát giá cả thực phẩm sẽ tăng từ từ, đặc biệt là
từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, áp lực lạm phát
dường như sẽ được kiềm chế nhờ vào giá cả hàng hoá toàn cầu thấp và từ
đó sẽ giúp chi phí vận chuyển giảm xuống. Kỳ vọng của chúng tôi là giá
dầu thô sẽ vẫn giữ nguyên và chỉ tăng vào cuối quý I/2014," chuyên gia
HSBC nhận định.
Báo cáo cũng đưa ra nhận xét, mặc dù bị quá trình cắt giảm nợ kéo dài,
nền kinh tế vẫn đang vận hành khá tốt. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn với
tiền tệ, lạm phát và các yếu tố bên ngoài bền vững hơn. Việt Nam đang
thực hiện các biện pháp kiểm soát và tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại tệ.
Nguồn FDI mạnh vào Việt Nam cung cấp nguồn vốn đáng kể và bền vững,
giúp Chính phủ có thời gian để tập trung vào những chính sách giải quyết
những khoản nợ xấu đã tích tụ từ lâu. Các hoạt động sản xuất tiếp tục
tăng trong tháng 10 nhờ vào các điều kiện bên ngoài đã được cải thiện
cũng như hoạt động FDI tăng lên.
Việc Chính phủ thúc đẩy thu hút FDI, đặc biệt là vào ngành sản xuất,
được xem là tích cực. Từ tháng Giêng đến nay, dòng vốn FDI đăng ký đã
tăng 95,8% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 13,1 tỷ USD. Dòng vốn FDI
vào ngành sản xuất còn tốt hơn, tăng 136,5% đạt 9,3 tỷ USD. Điều này
giúp tăng nhu cầu lao động và thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu, các yếu tố
cần thiết để bù đắp tình trạng nhu cầu nội địa trì trệ.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, trong khi những điều tồi tệ nhất về một nền
kinh tế trì trệ dường như đã được vượt qua, tăng trưởng trong ngắn hạn
vẫn còn thấp do nhu cầu nội địa còn chậm chạp.
"Tăng trưởng cả năm 2013 đang được kỳ vọng ở mức 5,2%. Mức tăng
trưởng này dù tốt hơn mức 5% được ghi nhận trong nửa đầu năm nhưng
cũng không mấy hào hứng. Mặc dù đà hồi phục hy vọng sẽ tiếp tục trong
năm 2014, nhưng năm 2014 mức tăng trưởng cũng chỉ có thể tăng trưởng
nhẹ ở mức 5,4%. Sự suy giảm là một thực tế nghiêm túc cho thấy khủng
hoảng nợ xấu của Việt Nam đã làm giảm ham muốn tiêu dùng và sức hấp dẫn
của đầu tư," báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng thừa nhận, nhu cầu trong nước vẫn còn bị ảnh
hưởng bởi hệ thống ngân hàng đang bị đóng băng làm giảm nhu cầu tiêu
thụ.
Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng đã tăng rất ít chỉ ở mức 6,6%
so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy vấn đề nợ xấu của Việt Nam
vẫn còn chưa được giải quyết hoàn toàn mặt dù Công ty Quản lý Tài sản
Việt Nam (VAMC) đang rất nỗ lực trong việc mua lại nợ xấu từ các ngân
hàng. Kết quả là dẫn đến việc cho vay yếu và làm ảnh hưởng đến mức độ
lạc quan của khối doanh nghiệp tư nhân.
Báo cáo đưa ra kết luận: Trong tương lai gần, người tiêu dùng có tăng
chi tiêu và các doanh nghiệp có tăng hoạt động đầu tư lên hay không sẽ
phụ thuộc nhiều vào những tín hiệu mà Chính phủ đã cam kết thực hiện
trong thời gian tới. Việc cải tổ diễn ra càng nhanh thì Việt Nam càng có
cơ hội tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn./.
Minh Thúy (Vietnam+)