Thứ Sáu, 4/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 23/12/2009 16:16'(GMT+7)

Đọc chép!

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo nghĩa đen: Đọcchép là 2động từ diễn tả hoạt động của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học, hiểu nôm na là thầy đọc, trò chép. Nhưng chỉ có thể hiểu phương pháp dạy theo kiểu Đọc chép khi 2 hoạt động này đồng thời diễn ra trong cùng một thời điểm: nghĩa là thầy đọc, trò chép lại lời thầy. Còn nếu thầy đọc bài (trong lúc giảng), trò chép bài (theo ý hiểu) thì không thể gọi là đọc chép. Như vậy, vấn đề đặt ra là đọc, chép như thế nào để vẫn tạo được mối liên hệ gắn kết, giao lưu giữa thầy và trò trong quá trình dạy học mà học sinh vẫn hiểu bài, không bị tiếp thu thụ động.

Từ những năm 60 - 70 cuả thế kỷ trước, nền giáo dục nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Thầy cô giáo còn thiếu về số lượng và việc đào tạo người đứng lớp cũng chưa được bài bản, chủ yếu là những người học hết cấp 2, đi học sư phạm 3 năm (7+3) để dạy cấp 2; 2 năm (7+2) để dạy cấp 1. Đội ngũ các nhà giáo thế hệ này đã đóng góp công sức rất lớn cho nền giáo dục nước nhà. Các thầy cô giáo rất nhiệt tình truyền thụ cho các em kiến thức đã học trong trường sư phạm (và cả kiến thức thực tế ngoài đời sống). Nhưng do đất nước còn chiến tranh, đội ngũ giáo viên thiếu nhiều về số lượng trong khi nhu cầu lại rất lớn, vì vậy phải đào tạo ghép nhiều môn là bình thường (có khi đào tạo theo 2 ban: Tự nhiên và xã hội). Mỗi thầy cô giáo đứng lớp thường phải đảm bảo dạy nhiều môn cuả cả ban (và chéo ban cũng có). Vì thế, trong 1 tiết học chỉ có thể đảm bảo truyền thụ đủ kiến thức SGK. Mặt khác, thời đó, SGK, sách tham khảo rất thiếu (cả trường có 1 tủ sách dùng chung, mỗi lớp chỉ được khoảng 7-8 bộ SGK đã cũ, có những cuốn mất đến trang thứ 8 thứ 9) nên học sinh không thể tự nghiên cứu ở nhà, giáo viên soạn giáo án chỉ tóm lược được những ý chính, khi lên lớp giảng bài cho học sinh xong, thầy đọc, trò chép vào vở. Có những giáo viên đọc cẩn thận đến mức “Chấm xuống dòng; gạch đầu dòng thứ nhất...” cho đến hết phần ghi. Học sịnh về nhà cứ theo vở ghi mà học. Vậy mới có những câu chuyện “tiếu lâm” kiểu như: Có học trò học bài “Ông già bèn thủng...” “... thẳng ra đi”; hoặc “... Rắn là một loài bò...” “ ...sát không chân.”.v.v… Đó là cách học vẹt, thụ động, cần phải khắc phục.

Sau khi đất nước thống nhất, nền giáo dục nước nhà đã có bước chuyển biến đáng kể. Nhất là từ khi chương trình cải cách giáo dục được triển khai đến tất cả các cấp học thì ngành giáo dục đã quyết tâm khắc phục hiện tượng đọc chép trong giảng dạy. Bắt đầu từ việc đội ngũ. Thực tế còn một số giáo viên đào tạo theo lối cũ, đến nay chưa đạt “chuẩn” nhưng vẫn… chưa đủ tuổi về hưu. Với đội ngũ giáo viên này, để ghi nhận những đóng góp cuả họ cho ngành giáo dục, có nơi đã giải quyết chế độ 132 nghỉ hưu trước thời hạn, hưởng nguyên lương. Những đồng chí nào còn đủ 10 năm cống hiến cho ngành, nhà trường sẽ bố trí cho đi học thêm, chủ yếu là nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và tiếp thu các phương pháp mới. Trong những năm đầu áp dụng chương trình cải cách giáo dục, vào dịp hè, các giáo viên đều được đi tiếp thu chương trình cải cách cũng như vịệc thay SGK ở các cấp học. Mặt khác, việc mở rộng sinh hoạt chuyên đề đã có quy mô từ cấp trường lên cấp quận huyện và thành phố , đều đặn hàng tháng đã giúp cho các giáo viên có thể rút ra những phương pháp dạy chung nhất, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, sự gia tăng về số lượng và ổn định về chất lượng cuả đội ngũ giáo viên trẻ, tâm huyết với nghề, việc tuyển đầu vào của ngươì đứng lớp (qua thi công chức) trong đó có thêm yêu cầu phải dạy một tiết (thay vì chỉ trả lời lý thuyết về luật và soạn giáo án như trước đây) đã giúp cho đội ngũ giáo viên đang ngày càng đông đảo về số lượng lại được đảm bảo mọi yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ.

Hiện nay, dự một giờ học, chúng ta ít thấy giáo viên đọc cho học sinh chép như đã nói ở trên. Phương pháp dạy mới cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học khác như đồ dùng trực quan, máy chiếu, SGK, sách tham khảo đã giúp cho giáo viên hoàn thành tốt bài giảng. Mặt khác, với việc phát huy tính tích cực học tập cuả học sinh, lấy học sinh làm trung tâm yêu cầu học sinh phải tìm hiểu bài học trước ở nhà. Khi đến lớp, giáo viên chỉ là người tổ chức cho lớp tìm hiểu bài sâu hơn qua hoạt động nhóm, qua phát vấn câu hỏi và đàm thoại. Giáo viên có thể dùng nhiều hình thức giúp học sinh tiếp thu nhẹ nhàng mà hiệu quả bài học như sắm vai (với các môn xã hội) và tổ chức trò chơi (ở tất cả các môn học) đều phát huy tốt khả năng tư duy cuả học sinh.

Ngày nay, hoạt động đọc cuả thầy và chép cuả trò vẫn có, nhưng 2 hoạt động này không song song cùng lúc nên không thể gọi là phương pháp đọc chép (như đã nói ở trên). Ta vẫn thấy thấy “đọc” bài trước lớp nhưng là đọc những đoạn cần minh hoạ, những tư liệu tham khảo giúp học sinh mở rộng thêm kiến thức. Ta vẫn thấy trò “chép” bài trong giờ học nhưng không phải chép lại lời thầy mà là tự ghi nội dung bài sau khi đã được thảo luận nhóm, được giáo viên giảng giải và cùng đi đến một kết luận chung.

Tin tưởng và hy vọng rằng với chương trình cải cách giáo dục, với việc vận dụng những phương pháp giảng dạy tiên tiến (có những chỉnh sửa phù hợp với thực tế của Việt Nam), nền giáo dục nước ta sẽ ngày càng đi lên, khởi sắc./.

NGUYỄN THỊ DIỆP
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cát Quế B, Hoài Đức-Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất