(TCTG)- Hóa ra anh Hồng Vinh đã lặng lẽ làm thơ từ lâu. Đó là thu hoạch kép sau những trải nghiệm, sau mỗi chuyến đi. Nó chứng minh, thế giới rộng lớn thế kia, dù là người thông minh đến mấy, chỉ nhận thức lý tính thôi là không bao giờ đủ. Cuộc sống muốn phát đi những thông tin dành riêng cho những kênh của tâm hồn.
Làm thơ là gõ vào những tâm hồn để tạo nên sức sống của ngôn ngữ. Trong tập thơ đầu tay ''Từ những nẻo đường'' ra mắt quý 2 năm 2010, dấu ấn của những thảng thốt khá rõ. Vẫn biết thơ thường gắn với kỷ niệm. Nhưng chỉ kỷ niệm thôi, không đủ. Cao hơn kỷ niệm là sự chuyển hóa. Cao hơn chuyển hóa là tâm hồn.
Đầy vơi những dòng sông
Giống tình đời, thời thế
Phù sa ơi, dâu bể
Vẫn lặng thầm xây hương
(Lời nhắn qua mưa - 2007)
Phát hiện tuy không thật mới, nhưng tâm tình và nhắn gửi có độ sâu. Cũng vẫn dòng chảy tâm tình ấy, tác giả gây xúc động khi gợi lại những kỷ niệm về Mẹ.
Rau lang luộc với cơm độn sắn
Rét tháng Giêng, bếp lạnh, mẹ thức chờ
Vừa chợp mắt canh ba, mẹ đã vùng thức giấc
Lo cơm nắm muối vừng cho con học đường xa.
(Trên máy bay nhớ mẹ - 18/4/2010)
Dấu ấn của thời đoạn, dư vị của vùng quê làm nền cho tình mẹ. Người làm thơ, nói chung, giữ trong tay nhiều phù phép. Nhưng không có phù phép nào thay thế được sự chân thực. Sự chân thực là cái vốn nuôi thơ lâu dài. Sau này va đập với đời sống nhiều hơn, lại còn gặp gỡ với thiên hạ, người muôn đấng của muôn loài, tình cảm thăng hoa biến tấu đi nhiều lắm, nhưng giữ được cái tình thực thì sẽ tạo ra những giao cảm bất ngờ.
Thao thức dòng đời là tập thơ thứ hai, là phần chìm của một cán bộ tư tưởng. Tôi nói phần chìm mà không nói phần khuất, là muốn nói đến cái đế, cái trục của cảm xúc. Là bạn đọc, ta thấy hành trình của anh với một không gian khá rộng, đó là thông tin cấp một. Thông tin cấp hai, quan trọng quyết định là nhịp đập của hồn anh. Xem ra, những gì mà anh kể lại với chúng ta đều bình dị, dễ thương, dễ gặp, dễ thấy hằng ngày. Người vô tình có thể dễ để trôi qua, tuột mất. Còn Hồng Vinh, con người có vẻ đa sự này thì đã kịp buộc giữ chúng lại bằng một thứ ngôn ngữ cũng bình dị như việc đời, như sự sống. Vẫn biết, biến cái bình thường thành cái bất thường, biến cái nhất thời thành cái bền vững là vô cùng khó. Nó là chuyện bí mật của tài năng. Nhưng dẫu sao, giữa một thế giới đầy những vô tình, vô cảm, thì sự lưu giữ một cảm tình, một ấn tượng là rất đáng quý. Chẳng hạn như việc đi tìm mộ người anh liệt sĩ.
Cả đời anh chưa một ngày thanh thản
Luống cày nối nhau lấp hết tuổi xuân
Một hơi ấm bàn tay, một nụ hôn chưa trải
Bức thư về nhà đầu tiên cũng là bức cuối cùng.
Người ta đã từng biết Hồng Vinh với những bài viết, bài nói sắc sảo của một cán bộ tư tưởng giàu kinh nghiệm. Bây giờ là thơ. Những câu thơ như thế dễ đi vào lòng người. Tôi tự hỏi, sức mạnh của nó ở đâu? Ở tình người. Ở cảm xúc chân mộc, không trang trí, không ''diễn''. Một vẻ đẹp, không chói gắt, mà đượm tình. Lối viết này ta còn bắt gặp trong bài “Khoảng lặng” nói cái thắt lòng của xóm vạn chài chờ đoàn tàu tránh bão.
Những người vợ ôm con đau đáu nhìn ra biển
Nuớc mắt lăn trên má mẹ nhăn nheo
Khăn tay thiếu nữ âm thầm ướt
Thầm nguyện cầu phép lạ mong manh.
Anh Hồng Vinh đang độ say thơ. Say thơ cũng bởi say đời. Tôi đọc anh, nhiều lúc dừng lại ở những điểm nhấn. Đó là khi tác giả có ý mà đủ tình, gợi nhiều hơn kể, để sự sống nhân lên. Rồi đây, với bề dày của chiêm nghiệm, thơ anh sẽ đằm thắm hơn, rất đời và rất thơ.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam