Sẽ là
công bằng hơn, minh bạch hơn, thuyết phục hơn nếu những sự kiện tiêu
biểu được nhiều người tham gia bình chọn thay vì số ít những người trong
cuộc và một số khách mời chớp nhoáng đưa ra một danh sách.
Năm hết Tết đến, ngành nghề nào, lĩnh vực nào cũng muốn ngoái nhìn những điều đã qua suốt một năm dài, lựa chọn những sự kiện nổi bật nhất mang tính tổng kết cho những gì đã làm được và chưa làm được; từ đó phát huy mặt tốt, hạn chế những tiêu cực trong công việc năm mới. Với mục đích ấy, việc bình chọn các sự kiện cuối năm là cần thiết, nên làm.
Mục đích tốt đẹp là vậy, nhưng các cơ quan, tổ chức đưa ra một danh sách sự kiện nổi bật lại thường chịu không ít lời ra tiếng vào từ phía dư luận. Kết quả bình chọn đưa ra thường được hồi đáp bởi sự phân vân của nhiều người, chẳng hạn: Tại sao lại chọn sự kiện này mà bỏ qua sự kiện kia? Thắc mắc kể trên rất chính đáng nhưng cũng cần thấu hiểu và thông cảm, biết hướng đến cái toàn cục, chớ "bới lông tìm vết" làm gì...
Và thực tế đã có những danh sách sự kiện nổi bật của một vài lĩnh vực khi đưa ra khiến người ta cảm thấy gờn gợn. Có những sự kiện tầm vĩ mô liên quan đến nhiều lĩnh vực lại đưa vào ngành nghề hẹp của mình, khi được xướng lên ai cũng cảm thấy lạc nhịp. Mấu chốt của vấn đề là tiêu chí không rõ ràng, đôi khi chỉ là ý kiến chủ quan của một số ít cá nhân, khiến chất lượng bản danh sách sự kiện tiêu biểu bỗng dưng... kém tiêu biểu, không thuyết phục được dư luận.
Nhưng dù sao đó cũng là chuyện nhỏ, chuyện lớn hơn cần nói là hầu như các bản danh sách sự kiện nổi bật bao gồm toàn sự kiện, công việc tốt đẹp, trong khi ngay cả người ngoại đạo cũng thấy rõ lĩnh vực đó còn có nhiều mặt hạn chế cần khắc phục, những sự kiện kém vui in đậm dấu ấn trong lòng người lại không có mặt trong bản danh sách bình chọn. Vậy nên, bản danh sách sự kiện nổi bật đó chẳng khác gì một bản báo cáo thành tích ngắn gọn! “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại” là tâm lý phổ biến, đáng cảm thông, song công chúng vẫn thấy cái sự "khoe" này không đúng lúc, đúng chỗ. Các sự kiện tiêu biểu đã bị đánh đồng với bản báo cáo trong hội nghị mừng công. Mà ngay hội nghị mừng công cũng rất cần nhìn thẳng vào sự thật, cần dũng cảm nhận về phần mình những điều chưa làm được, rồi chân thành tìm cách khắc phục một cách quyết liệt. Chỉ khi nào biết nhìn thẳng, dám nhìn thẳng vào sự thật thì mới mong có tiến bộ; chỉ khi nào thấy ngành mình, lĩnh vực mình còn nhiều yếu kém, còn gây nhiều phiền toái cho dân, còn nhiều rào cản cho phát triển, còn bình bình đều đều như năm ngoái... thì khi ấy xã hội mới có một nhận thức, quyết tâm, chuyển động. Nếu cứ hài lòng với mình quá, vo tròn mọi góc cạnh, nhấn mạnh mặt tốt, lướt qua khiếm khuyết thì xã hội thêm nhiều bức bối, sự vụ phát sinh.
Sẽ là công bằng hơn, minh bạch hơn, thuyết phục hơn nếu những sự kiện tiêu biểu được nhiều người tham gia bình chọn thay vì số ít những người trong cuộc và một số khách mời chớp nhoáng đưa ra một danh sách. Việc này càng đơn giản khi công nghệ thông tin phát triển, chẳng có điều tốt hay xấu gì mà nhân dân không biết; nhân dân cũng luôn luôn công bằng, nhân ái, độ lượng, sự hài lòng của nhân dân cũng là mục tiêu hướng đến của tất thảy mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi tổ chức xã hội. Phát huy được dân chủ rộng rãi trong bình chọn các sự kiện cuối năm là một lần tổng kiểm tra "sức khỏe" của ngành mình, lĩnh vực mình. Những người đứng đầu không nên bỏ lỡ cơ hội này./.
Trần Hoàng Hoàng (QĐND)