Thứ Ba, 24/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 18/7/2013 21:53'(GMT+7)

Đổi mới công tác vận động quần chúng thông qua tuyên truyền miệng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhằm tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tổ chức thực hiện và động viên quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác vận động quần chúng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” và theo phương châm “tất cả hướng đến quần chúng nhân dân, phục vụ quần chúng nhân dân”.  

Trong quá trình hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã tiến hành công tác vận động quần chúng bằng nhiều phương thức khác nhau: hoạt động trực tiếp của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội, các phong trào thi đua yêu nước,v.v.. Trong đó, vận động quần chúng nhân dân bằng phương thức tuyên truyền miệng thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên ở cơ sở là một trong những phương thức vận động quần chúng phổ biến nhất, hiệu quả nhất.

Tuyên truyền miệng có vai trò quan trọng trong công tác tư tưởng, công tác vận động quần chúng của Đảng, có thể thực hiện được ở mọi lúc, mọi nơi, đối với mọi đối tượng trong xã hội, đưa thông tin đến quần chúng nhân dân trong mọi hoàn cảnh, điều kiện, không phụ thuộc vào công cụ, phương tiện, không gian, thời gian.

Tuyên truyền miệng là một kênh thông tin chủ yếu và chính thống nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin kịp thời, có định hướng các vấn đề thời sự quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nước và trên thế giới được dư luận xã hội quan tâm; nhờ có sự giao tiếp trực tiếp giữa người làm công tác tuyên truyền miệng với quần chúng nhân dân trong quá trình tuyên truyền nên tuyên truyền miệng có vai trò như là “sợi dây” nối liền giữa Đảng, Nhà nước với quần chúng nhân dân.

Tuyên truyền miệng còn có khả năng đưa những thông tin nội bộ đến quần chúng nhân dân, mà vì những lý do nào đó không thể đưa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, trong điều kiện “bùng nổ” thông tin hiện nay, tuyên truyền miệng có nhiệm vụ định hướng thông tin, giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu rõ đâu là thông tin chính thống, và hiểu đúng bản chất của vấn đề, vụ việc, sự kiện diễn ra, trên cơ sở đó định hướng dư luận xã hội, góp phần tạo ra sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân.

2. Công tác vận động quần chúng hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới và phải tiến hành trong hoàn cảnh, điều kiện mới: toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, “xã hội thông tin”, phát triển kinh tế tri thức, trình độ dân trí được nâng lên, dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng… Những đặc điểm đó đòi hỏi cần phải đổi mới mạnh mẽ cả nội dung, hình thức, phương thức tiến hành công tác vận động quần chúng, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, củng cố mối quan hệ gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với quần chúng nhân dân.

Để thực hiện công tác vận động quần chúng trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các cấp uỷ đảng, các ngành, các cấp cần thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Thực hiện tốt quan điểm: "Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hoà các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh; phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo"...(1).

Để đổi mới, nâng cao tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác vận động quần chúng của Đảng thông qua phương thức tuyên truyền miệng, cần thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, thực hiện phương châm “nói dân tin”. So với những thời kỳ cách mạng trước đây, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ đang giảm sút nghiêm trọng. Thực tế hiện nay, ở một số nơi, người dân không tin vào tổ chức đảng, chính quyền, không tin vào đảng viên, cán bộ, công chức. Việc thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở một số nơi còn bất cập, chưa thực sự đảm bảo lợi ích của nhân dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư… dẫn đến tình trạng người dân tập trung khiếu kiện đông người và kéo dài. Tình trạng quan liêu, xa dân, cửa quyền, hạch sách, nhũng nhiễu dân; tình trạng tham nhũng, lãng phí, coi thường luật pháp, kỷ cương xã hội; những biểu hiện thiếu gương mẫu, đạo đức, lối sống không lành mạnh ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đang gây bức xúc trong nhân dân, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tình hình để tuyên truyền, kích động, lôi kéo, tập hợp quần chúng chống phá Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong tình hình hiện nay, công tác tuyên truyền miệng, vận động quần chúng nhân dân cần phải nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật với nhân dân, tuyên truyền đúng thực trạng tình hình kinh tế - xã hội đất nước, tình hình trong Đảng và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, không tô hồng thành tích, không giấu giếm khuyết điểm và hạn chế, không né tránh những vấn đề bức xúc, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Niềm tin của người dân đối với Đảng, với chế độ không chỉ dựa vào lời nói của đảng viên, cán bộ, công chức, mà còn dựa vào những việc làm, hành động thực tế của đảng viên, cán bộ, công chức đối với nhân dân, đối với đất nước, mang lại lợi ích thiết thực của nhân dân, của đất nước. Trong tuyên truyền, vận động quần chúng, người làm công tác tuyên truyền miệng không được giáo điều, xa rời thực tế, phải có dũng khí để nói lên sự thật của cuộc sống “người thật, việc thật”, có như vậy mới thuyết phục được quần chúng nhân dân tin tưởng, ủng hộ, đi theo Đảng, theo chế độ. 

Hai là, thực hiện phương châm “nghe dân nói”. Ngày nay, trình độ nhận thức của nhân dân đã được nâng lên rất nhiều, được tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Người dân quan tâm đến những vấn đề quốc kế, dân sinh, cả những vấn đề thời sự quan trọng, phức tạp, nhạy cảm diễn ra trong nước và trên thế giới. Tâm lý, tư tưởng, ý thức chính trị của người dân cũng có những biến đổi khác trước do quá trình dân chủ hóa xã hội ngày càng phát triển.  

Công tác vận động quần chúng thông qua tuyên truyền miệng cần phải kiên quyết khắc phục cho được lối tuyên truyền độc thoại, áp đặt trên từ xuống, chỉ nói mà không nghe, chỉ truyền đạt mà không tiếp nhận, trao đổi, đối thoại; thực hiện thông tin hai chiều, lắng nghe những băn khoăn, thắc mắc, bức xúc của người dân, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, tăng cường trao đổi, đối thoại thực sự với người dân.

Kết quả vận động quần chúng của người làm công tác tuyên truyền miệng hiện nay phải bao hàm đồng thời hai nội dung: (1) truyền đạt như thế nào để dân hiểu, dân tin và dân thực hiện; (2) lắng nghe, tiếp nhận, trao đổi, đối thoại thực sự với người dân. Đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa nói và nghe, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tiếp nhận, trao đổi và đối thoại với người dân, không né tránh vấn đề, không đùn đẩy trách nhiệm; phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề nảy sinh trong nhân dân đối với cơ quan Đảng, Nhà nước để xem xét, giải quyết là trách nhiệm hàng đầu của người làm công tác tuyên truyền miệng hiện nay.

Ba là, công tác tuyên truyền miệng, vận động quần chúng ở cơ sở cần phải kết hợp lồng ghép những nội dung tuyên truyền chính trị, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tuyên truyền những nội dung chuyên đề được nhân dân quan tâm, gắn bó thiết thực với đời sống hằng ngày của người dân (việc làm, thu nhập; thu hồi đất đai, giải tỏa mặt bằng, giá cả đền bù; khuyến nông, khuyến lâm; bảo vệ môi trường; vệ sinh phòng bệnh; phòng, chống các tệ nạn xã hội…); kết hợp giữa thông tin, tuyên truyền miệng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống và cách mạng, các sinh hoạt cộng đồng khác ở khu dân cư, tổ dân phố; thông qua đó để nâng cao trình độ dân trí, văn hóa và ý thức chính trị của người dân, giúp người dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức và trách nhiệm xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền miệng phù hợp với đặc điểm nhận thức, tâm lý, tư tưởng, điều kiện sinh sống, làm việc, học tập của từng nhóm đối tượng tuyên truyền, vận động. Đặc biệt chú trọng các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với những nhóm đối tượng có tính đặc thù và đang có dấu hiệu nằm ngoài sự tác động của công tác tư tưởng, công tác vận động quần chúng, như: công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; học sinh, sinh viên du học ở nước ngoài; người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài… Tăng cường phối hợp hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động quần chúng của đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền miệng với các hoạt động sinh hoạt định kỳ của các tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Năm là, xây dựng, kiện toàn đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền miệng (báo cáo viên, tuyên truyền viên) có trình độ chuyên môn giỏi, lý luận sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm sống phong phú để có đủ năng lực trao đổi, đối thoại, giải đáp có sức thuyết phục những băn khoăn, thắc mắc, bức xúc của người dân. Trong xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cần chú ý sử dụng những người có kinh nghiệm, uy tín trong cộng đồng, những già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng họ đạo, những người thông thạo tiếng dân tộc (đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số)…, có khả năng hiểu biết phong tục, tập quán, nắm bắt được đặc điểm tâm lý, diễn biến tư tưởng của từng nhóm đối tượng tuyên truyền, vận động./.

----------------------

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, H, 2013, tr.40-41.

 TS. Trương Minh Tuấn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất