Trong 4 ngày tại tỉnh Vân
Nam và thành phố Trùng Khánh, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chương trình
công tác hết sức phong phú, đa dạng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, cả
đa phương và song phương; đạt mục tiêu kép, vừa khẳng định sự chủ động,
tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong xây dựng tiểu vùng Mekong; vừa
thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc.
Tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam yên bình và hiện đại - nơi diễn
ra cả 3 hội nghị GMS 8, ACMECS 10 và CLMV 11, cùng với Lãnh đạo, Trưởng
đoàn các nước dự các hội nghị gồm Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan,
Myanmar và lãnh đạo các tổ chức quốc tế, tại các Hội nghị, Thủ tướng
Phạm Minh Chính đã đề xuất nhiều ý tưởng để các cơ chế hợp tác này phát
huy hiệu quả hơn trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến đổi.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh GMS 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính
chia sẻ nhận định của mình về 5 bài học quý giá từ thành công của GMS;
đồng thời đề xuất các hành lang kinh tế thế hệ mới với ba nội hàm chính;
khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành
viên và các đối tác phát triển để cùng xây dựng một tiểu vùng Mekong mở
rộng đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển bền vững, thịnh vượng.
Tại Hội nghị ACMECS 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hợp tác
ACMECS giai đoạn tới cần hội tụ tinh thần “05 chung” là khát vọng chung,
tầm nhìn chung, quyết tâm chung, tiếng nói chung và hành động chung;
đồng thời Thủ tướng đề xuất 6 nội dung để hợp tác ACMECS bứt phá trong
giai đoạn tới.
Dự Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn
mạnh yêu cầu tạo đột phá cho hợp tác CLMV để bắt kịp, tiến cùng và vươn
lên; đồng thời đề xuất phương châm “03 cùng” trong định hướng hợp tác
CLMV trong thời gian tới, gồm: Cùng quyết tâm để hợp tác CLMV ngày càng
hiệu quả, thực chất; Cùng xây dựng trọng tâm hợp tác phù hợp với xu thế
mới và bổ trợ hiệu quả cho các cơ chế tiểu vùng Mekong khác; Cùng huy
động nguồn lực với nội lực là cơ bản, lâu dài, quyết định và ngoại lực
là quan trọng, đột phá cho phát triển.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại các hội nghị, đã chuyển
tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế
GMS, ACMECS, CLMV cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mekong tạo bứt phá
trong giai đoạn phát triển mới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho biết, những tổng kết,
nhận định và đề xuất sâu sắc của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được sự
hưởng ứng và tán thưởng của các nhà lãnh đạo, của các đại biểu; đồng
thời được thể hiện trong các văn kiện của Hội nghị. Đặc biệt các
đại biểu rất tâm đắc về quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về
việc coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ, đổi mới để bứt phá, sáng
tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên, đoàn kết để có thêm sức mạnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có các cuộc tiếp xúc song
phương với lãnh đạo các nước tham dự các Hội nghị gồm Thủ tướng Lào, Thủ
tướng Campuchia để rà soát hợp tác song phương thời gian và đưa ra các
nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước nhấn mạnh ý nghĩa, giá
trị lịch sử của quan hệ Việt Nam - Campuchia - Lào; khẳng định tiếp tục
duy trì các cơ chế hợp tác giữa ba nước ở tất cả các kênh, vì lợi ích
của nhân dân ba nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và
trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có các các hoạt động song phương
với Trung Quốc tại tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh, trong đó Thủ
tướng Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường
và các cuộc làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, tại các cuộc hội đàm,
trao đổi của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường
và lãnh đạo của các địa phương Vân Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây của
Trung Quốc, hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc
tiếp xúc triển khai cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, thúc đẩy quan
hệ Việt Nam với Trung Quốc, trong đó có các địa phương Trung Quốc phát
triển ngày càng hiệu quả, thực chất, bền vững.
Trong đó, hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị để phát huy
vai trò, định hướng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song
phương; tiếp tục làm sâu sắc hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, củng
cố nền tảng vật chất cho quan hệ giữa hai bên; nhất trí phát huy thế
mạnh bổ trợ lẫn nhau.
Đặc biệt, nhất trí triển khai các dự án lớn, biểu tượng hợp tác mới
của quan hệ Việt - Trung, trong đó có đẩy nhanh hợp tác triển khai 3
tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn -
Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Trước đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phía Trung Quốc khẳng
định sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa chất lượng cao của Việt
Nam; nhất trị tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy hợp tác
xây dựng và duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định ở khu vực.
Đặc biệt, hai bên nhất trí kiểm soát tốt bất đồng, không để ảnh hưởng
đến quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước, đồng thời phối hợp chặt chẽ
phát triển biên giới hoà bình, hợp tác, phát triển.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian đến tham
quan các di tích - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có thời gian sinh
sống, hoạt động cách mạng.
Tham quan Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh thành phố Côn
Minh, tỉnh Vân Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động và khẳng
định đây mãi là "Địa chỉ đỏ" để người dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước
học tập, qua đó đồng góp tích cực cho việc vun đắp tình hữu nghị "vừa là
đồng chị, vừa là anh em" Việt Nam - Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời
đời bền vững.
Còn ở Khu Di tích lịch sử Hồng Nham tại thành phố Trùng Khánh - nơi
trưng bày và lưu trữ nhiều hiện vật về hoạt động cách mạng trước đây của
các nhà lãnh đạo Cộng sản như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai của Trung Quốc
và đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam, Thủ tướng Phạm
Minh Chính cho rằng Di tích lịch sử quý báu này là minh chứng sinh động
cho tình hữu nghị gắn bó keo sơn, giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam -
Trung Quốc trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc của mỗi
nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dự các hoạt
động quảng bá văn hoá - du lịch Việt Nam tại Vân Nam và Trung Khánh làm
cho nhân dân hai nước hiểu nhau hơn, thúc đẩy du lịch, giao lưu văn hoá,
giao lưu nhân dân, củng cố tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất
nước, nhân dân hai nước.
Gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, kinh doanh, lao động,
học tập tại Vân Nam và Trung Khánh, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh
Chính chia sẻ và bày tỏ niềm tự hào về sự đoàn kết, phát triển lớn mạnh
của cộng đồng; mong muốn bà con phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó,
đổi mới, sáng tạo; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; thực hiện tốt pháp
luật và hoà nhập cuộc sống sở tại; luôn hướng về quê hương đất nước; lập
thân, lập nghiệp; đồng thời luôn coi trọng, gìn giữ, củng cố, phát huy,
tăng cường thật tốt mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Xác định, kinh tế, thương mại, đầu tư là một trụ cột trong quan hệ
hai nước, trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Toạ đàm
doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc;cho rằng hợp tác kinh tế Việt Nam -
Trung Quốc chưa tương xứng với nền tảng quan hệ hết sức tốt đẹp giữa hai
nước, cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn; Việt Nam
cam kết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, Thủ tướng đề
nghị doanh nghiệp hai nước cần thúc đẩy hợp tác, đầu tư trên tinh thần
“lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”.
Ngay sau các toạ đàm, hội nghị doanh nghiệp hai nước đã ký kết và
trao 14 thoả thuận hợp tác trên các lĩnh vực vận tải đường sắt, hàng
không, logistics, năng lượng, du lịch, dịch vụ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tiếp nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung
Quốc, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, hàng không như: Tập
đoàn xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC), Tập đoàn Hoa Điện
Trung Quốc, Tập đoàn Energy China, Tập đoàn tàu bay thương mại Trung
Quốc (COMAC)… để thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực này.
Ông Triệu Điện Long, Phó Chủ tịch CRCC nhận định, gần đây các cuộc
trao đổi các cấp lãnh đạo giữa Trung Quốc và Việt Nam trở nên thường
xuyên hơn. Kết nối hạ tầng, đặc biệt là liên thông đường sắt là một
trong những nội dung quan trọng được hai bên quan tâm nhằm tạo nền tảng,
không gian trao đổi, giao lưu và hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn của
hai nước. Hy vọng Trung Quốc, đặc biệt là bên doanh nghiệp Trung Quốc có
thể nhanh chóng tham gia các dự án hạ tầng ở Việt Nam; đồng thời chuyển
giao công nghệ cho Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển hạ tầng, nhất
là đường sắt của Việt Nam.
Kết thúc chuyến công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã
thăm Trung tâm logistics Trùng Khánh và đón tuyến tàu nhanh ASEAN xuất
phát từ Hà Nội tới đây. Thủ tướng đề nghị coi trọng thời gian, trí tuệ
và kết nối, nâng cấp, kết nối tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam -
Trung Quốc - Châu Âu, kiến tạo tương lai, hợp tác cùng có lợi; mở lại
“con đường tơ lụa” trong thời đại mới, mở ra hành lang thương mại mới,
không chỉ Việt Nam - Trung Quốc mà cả ASEAN và Trung Á và châu Âu.
Chuyến công tác của Thủ tướng để lại dấu ấn đậm nét, với những đóng
góp quan trọng nhằm xây dựng khối đoàn kết, triển khai thực chất các ưu
tiên hợp tác, hướng tới khu vực phát triển nhanh và bền vững; đồng thời
tiếp tục cụ thể hoá các thoả thuận, củng cố, thúc đẩy quan hệ láng giềng
hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và “Cộng đồng chia sẻ
tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” ngày càng phát
triển, sâu sắc, toàn diện và bền vững./.
TTXVN