Nhiều chuyên gia cho rằng, khung chương trình tổng thể của Bộ GD-ĐT nên
làm rõ hơn vấn đề phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Đóng
góp ý kiến cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ
Giáo dục và Đào tạo, nhiều chuyên gia cho rằng, khung chương trình tổng
thể của Bộ nên làm rõ hơn vấn đề phân luồng học sinh sau trung học cơ
sở, theo định hướng của Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản,
toàn diện giáo dục đào tạo.
Theo
các chuyên gia, nhà giáo, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng
thể được xây dựng công phu, trên cơ sở tổng kết đánh giá các ưu, nhược
điểm của chương trình hiện hành, có tham khảo và học tập kinh nghiệm xây
dựng chương trình giáo dục phổ thông của nhiều quốc gia.
Quan
điểm xây dựng chương trình rõ ràng, thể hiện tính logic. Các khái niệm,
đặc biệt là các khái niệm mới như: chương trình định hướng năng lực,
các năng lực chung của học sinh, dạy học tích hợp, dạy học phân hóa...
tương đối rõ ràng. Dự kiến lộ trình triển khai hợp lý.
Tuy
nhiên, dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào
tạo chưa đề cập rõ ràng việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở như
thế nào. Ông Hồ Quang Diệu, Ủy viên Trung tâm sáng tạo Việt (thuộc Hội
Khuyến học Việt Nam) cho biết, xu hướng chung của thế giới là chương
trình cấp trung học phổ thông được phân luồng mạnh thành trung học nghề,
trung học phổ thông kỹ thuật và trung học phổ thông.
Thế
nhưng, dự thảo của Bộ lại chưa làm rõ sẽ phân luồng học sinh như thế
nào, để tránh tình trạng học sinh học hết trung học cơ sở lại học tiếp
lên trung học phổ thông, rồi đại học như hiện nay.
Ông
Hồ Quang Diệu nói: “Chương trình được hoạch định phải trên cơ sở thấm
nhuần Nghị quyết 29 của Trung ương. Đối với nước ta hiện nay, để phát
triển và hội nhập, không phải chỉ cần những chuyên viên, cán bộ kỹ
thuật, những nhà nghiên cứu cao cấp giỏi; mà cần có những thợ, công nhân
lành nghề. Do đó, việc phân luồng là hết sức cần thiết. Không phải tất
cả học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở thì đều lên trung học phổ
thông, lên đại học, mà cần có sự phân luồng sang những trường dạy
nghề”.
Theo
Tiến sỹ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học,
(thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), Dự thảo này chỉ
đề cập tới định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông, trong khi các
trình độ sơ học và trung học ở bậc giáo dục nghề nghiệp, theo Luật Giáo
dục nghề nghiệp lại không phải là một luồng khác sau trung học cơ sở,
mà cùng luồng với trung học phổ thông.
“Kinh
nghiệm ở các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, thì phân luồng
học sinh sau trung học cơ sở thì phân thành hai hoặc 3 luồng. Một luồng
rất phổ biến đó là luồng trung học nghề, đáp ứng yêu cầu là sau trung
học nghề thì người học có trình độ tương đương trung học phổ thông,
nhưng lại có tay nghề để có thể phục vụ phát triển kinh tế đất nước thì
đề án này lại không đề cập tới chuyện đó. Vừa rồi Luật Giáo dục nghề
nghiệp ra đời không đề cập sự phân luồng này. Chúng tôi rất băn khoăn,
không hiểu cơ quan quản lý nhà nước nào sẽ làm nhiệm vụ phân luồng này” -
Tiến sỹ Lê Viết Khuyến nói.
Về
mục tiêu của chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông là giúp học
sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhiều ý kiến
cho rằng không phù hợp, chỉ nên đặt mục tiêu chương trình ở cấp độ này
là giúp học sinh phát triển tối đa điều kiện và tiềm năng của từng cá
nhân.
Ngoài
ra, việc cho rằng sau trung học phổ thông, học sinh có khả năng lựa
chọn nghề nghiệp phù hợp để học lên hoặc bước vào cuộc sống lao động
cũng không chính xác, đặc biệt nếu bỏ qua khâu phân luồng.
Phó
Giáo sư Văn Như Cương, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, Đề
án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chỉ là một
bộ phận trong những đề án lớn hơn của ngành Giáo dục - Đào tạo để đổi
mới căn bản toàn diện. Bộ cần nêu rõ mối quan hệ giữa các đề án này với
các đề án khác có liên quan để có thể triển khai đồng bộ.
Một
trong những tiêu chí phải bàn đến là vấn đề đồng bộ. Đồng bộ ở cuộc
thay đổi, về chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất, nhưng quan
trọng nhất là đào tạo giáo viên để phục vụ được cải cách. Ít ra giáo
viên phải hiểu được điều đó để làm mũi nhọn, nhưng chưa thấy bàn đến
trường đại học sư phạm sẽ thay đổi như thế nào, rồi đào tạo như thế nào.
Các
chuyên gia của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng kiến
nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai danh tính “kiến trúc sư”
của toàn chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cũng như môn học cụ
thể để xã hội biết, không nên gắn với một tập thể, hoặc người đứng đầu
ngành như trước đây./.
Theo VOVnews