Thứ Ba, 24/12/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 21/10/2015 21:47'(GMT+7)

Bộ Giáo dục: Chương trình mới đã khắc phục hạn chế của người Việt

Giáo viên kiểm tra năng lực thể chất của học sinh tại trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Giáo viên kiểm tra năng lực thể chất của học sinh tại trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khắc phục hạn chế của người Việt

Trong số các ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục tổng thể được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới cần đặt ra những mục tiêu khả thi, giải quyết những hạn chế của một bộ phận người Việt Nam.

Các hạn chế cụ thể như chưa am hiểu luật pháp quốc gia và quốc tế; sống và làm việc theo cảm tính, duy tình hơn duy lý, tính kỷ luật chưa cao; năng lực tự học, sáng tạo, làm việc công nghiệp và năng lực ngoại ngữ còn hạn chế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các mục tiêu trong chương trình dự thảo đã đề cập đến những vấn đề lớn, cốt lõi với tính khả thi cao mà giáo dục phổ thông có trách nhiệm giải quyết. Đó là phát huy tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân, giúp học sinh hình thành tính cách và thói quen tốt, phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, có những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cốt lõi cần thiết để trở thành công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức, sáng tạo.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc khắc phục những hạn chế của người Việt Nam hiện nay đã được thể hiện trong hệ thống phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đặt ra trong chương trình tổng thể.

Chẳng hạn phẩm chất sống trách nhiệm có yêu cầu cần đạt về tự nguyện, chấp hành kỷ luật, tuân tủ pháp luật và bảo vệ nội quy, pháp luật. Điều này nhằm khắc phục nhược điểm thiếu am hiểu pháp luật của người Việt.

Hạn chế và năng lực tự học, sáng tạo, tác phong công nghiệp sẽ được khắc phục thông qua việc hình thành và phát triển cho học sinh các năng lực tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, công nghệ thông tin và truyền thông. Để giải quyết hạn chế về ngoại ngữ, ở cuối mỗi cấp học, năng lực ngoại ngữ được tham chiếu với khung năng lực ngoại ngữ châu Âu.


Điều chỉnh, bổ sung các nội hàm phẩm chất, năng lực

Hệ thống các năng lực, phẩm chất của học sinh cần đạt được của học sinh cũng là một trong những nội dung rất được các tổ chức, cá nhân quan tâm góp ý trong dự thảo chương trình tổng thể.

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ phải bổ sung các phẩm chất chăm sóc, bảo vệ môi trường; lao động; sống trung thực, tự tin, tự trọng; sống có niềm tin và ước mơ; sống hoà bình; sống bản lĩnh…

Giải trình về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng dự thảo chương trình tổng thể đề xuất ba phẩm chất thuộc ba khía cạnh khác nhau. Phẩm chất sống yêu thương là phẩm chất của con người trong mối quan hệ với bên ngoài.

Phẩm chất sống tự chủ là phẩm chất của con người trong mối quan hệ với chủ thể. Phẩm chất sống trách nhiệm là phẩm chất của con người trong mối quan hệ với trách nhiệm xã hội. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, phẩm chất chăm sóc, bảo vệ môi trường là thuộc nội hàm của sống yêu thương. Sống trung thực, tự tin, tự trọng, có niềm tin và ước mơ, sống bản lĩnh là thuộc nội hàm sống tự chủ.

Về ý kiến đề nghị bổ sung các năng lực tư duy, phê phán, phản biện và năng lực thích ứng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng tư duy phê phán hay năng lực phản biện, tư duy độc lập đã được nêu trong năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Cụ thể, ở năng lực sáng tạo, yêu cầu đặt ra với học sinh là phải có tư duy độc lập với các biểu hiện như biết đặt các câu hỏi khác nhau về một sự vật, hiện tượng, chú ý lắng nghe và tiếp nhận thông tin, ý tưởng với sự cân nhắc, chọn lọc…

Về năng lực thích ứng, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi học sinh được hình và phát triển các năng lực chung và các năng lực đặc thù môn học thì tất yếu sẽ có được nền tảng để thích ứng tốt nhất. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý về việc nhập, tách các năng lực phẩm chất, bổ sung các biểu hiện của năng lực, phẩm chất học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội hàm và biểu hiện của học sinh đối với từng phẩm chất đã nêu trong dự thảo chương trình tổng thể./.

Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất