Thứ Ba, 26/11/2024
Đảng trong cuộc sống hôm nay
Thứ Năm, 17/3/2016 14:30'(GMT+7)

Đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức thực hiện

Tại cuộc Tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài Quân đội đã tập trung làm rõ 3 vấn đề trọng tâm: khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam được thể hiện trong các văn kiện, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương; trách nhiệm chính trị của cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tổ chức thực hiện Nghị quyết và nhận diện, đấu tranh có hiệu quả đối với các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Niềm tin vững bước trên con đường đổi mới và phát triển

Các đại biểu phân tích, làm rõ những nội dung căn bản, cốt lõi được xác định trong văn kiện và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác xây dựng Đảng; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về quốc phòng; công tác dân vận; phát triển khoa học công nghệ; công tác giáo dục, đào tạo... Trên cơ sở đó, các đại biểu đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam được thể hiện trong các văn kiện, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Từ mục tiêu tổng quát, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định hệ thống các chủ trương, giải pháp, chỉ tiêu mang tính đồng bộ và khoa học trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các tham luận nhấn mạnh: Từ đánh giá thực tiễn sau 30 năm đổi mới, những dự báo về tình hình thế giới, yêu cầu phát triển đất nước hiện nay, Nghị quyết Đại hội XII thể hiện rõ tính cách mạng, khoa học về xác định mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ phát triển đất nước nhiệm kỳ 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Nội dung các văn kiện và Nghị quyết Đại hội XII phong phú, sâu sắc với nhiều điểm mới có tính đột phá, đem đến niềm tin cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vững bước trên con đường đổi mới và phát triển, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả


Để sớm đưa nghị quyết của Đảng và cuộc sống, nhiều ý kiến tại cuộc tọa đàm cho rằng cần phải có hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả, trước hết phải làm thật tốt công tác học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đồng thời cần thể chế hóa nghị quyết, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của địa phương, tổ chức mình.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thứ ký Hội đồng Lý luận Trung ương, để đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống cần phải xác định rõ ba vấn đề: Làm gì? Làm như thế nào? Ai làm?. Các cấp, các ngành cần tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết để cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, hiểu sâu, nắm vững Nghị quyết. Công tác tuyên truyền quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết cần chú ý tuyên truyền những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, những điển hình tiên tiến. Hình thức tuyên truyền cần được đa dạng hóa: Mở các hội nghị quán triệt Nghị quyết cho các đối tượng, chú trọng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Không nên quá lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng mà truyền hình trực tiếp cho mọi đối tượng. Các phương tiện thông tin đại chúng cần lựa chọn nội dung tuyên truyền cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích của mình.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông đề nghị cần sớm thể chế hóa nghị quyết, xây dựng chương trình hành động (đề án) thực hiện Nghị quyết. Việc xây dựng chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội cần phân công rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả.

Nhiều đại biểu cho rằng khâu yếu lâu nay là tổ chức thực hiện nghị quyết. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ cách làm theo hướng sau: Đảng làm trước; Cấp trên làm trước; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả 6 nhiệm vụ trung tâm Đại hội đã nêu; Làm kiên quyết, kiên trì, tránh đầu voi đuôi chuột; Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Nếu cấp ủy nào cũng vào cuộc, làm sát sao, chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông tin tưởng.

Cùng chung quan điểm trên, đồng chí Nguyễn Thế Trung, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương đề xuất: Tùy tình hình cụ thể của từng đảng bộ, từng đối tượng, cấp ủy quyết định hình thức, biện pháp học tập, quán triệt nghị quyết phù hợp, hiệu quả. Sau khi quán triệt, cần tổ chức thảo luận, trao đổi, hỏi đáp để cán bộ, đảng viên, nhân dân có nhận thức đầy đủ, đúng đắn nội dung nghị quyết; đồng thời xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của địa phương, tổ chức mình. Chương trình hành động phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khả thi nhất để tổ chức đưa nghị quyết vào cuộc sống, trong đó quan tâm các nguồn lực (bao gồm nhân lực, vật lực, tài lực) để có cơ sở, điều kiện thực hiện.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, để phấn đấu thực hiện các mục tiêu công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới, trước hết phải làm thật tốt công tác học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đối với công tác dân vận, cần quán triệt quan điểm “Dân là gốc”; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu dân cử phải thường xuyên sâu sát cơ sở, sâu sát nhân dân, lắng nghe ý kiến góp ý, phản ảnh của các tầng lớp nhân, để nắm được những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân. Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo Nhà nước kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tiếp tục lãnh đạo, tăng cường và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận.

Nhiều tham luận nêu bật phương hướng, mục tiêu, giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; chia sẻ kinh nghiệm bước đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết tại địa phương, đơn vị. Các tham luận nhấn mạnh việc triển khai đưa nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống và thực hiện thắng lợi các nội dung Nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự phấn đấu và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận cả về ý chí và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.

Những nội dung thảo luận tại buổi tọa đàm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ quyết định đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; giữ vững vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng; mà còn là những định hướng, là con đường để xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, các ý kiến tham luận còn là cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn để phản bác những âm mưu, luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đối với Đảng ta, đất nước ta, Quân đội Nhân dân Việt Nam Những ý kiến trao đổi, các tham luận cung cấp nhiều thông tin quan trọng để các cơ quan truyền thông thực hiện tốt đợt tuyên truyền có ý nghĩa chính trị -xã hội sâu rộng này.

Kết quả của buổi tọa đàm sẽ góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chủ trương, giải pháp mà Đại hội XII của Đảng đã quyết nghị, thông qua, phấn đấu đạt được mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội./.


Hương Thủy/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất