(TG)-Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức nhằm thống nhất một số đánh giá, nhận định về tình hình công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền viên trong 10 năm qua kể từ khi Chỉ thị số 17-CT/TƯ "Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới" được ban hành.
Ngày 14/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên trong tình hình hiện nay”. Đồng chí Lâm Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, đồng chí Phạm Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo cho biết, ngày 15/10/2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TƯ "Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới". Năm 2017 là dấu mốc thời gian 10 năm cấp ủy đảng các cấp tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 và cũng là thời điểm để chúng ta tiến hành tổng kết đánh giá về kết quả đã đạt được; Chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục của công tác tuyên truyền miệng trong 10 năm qua. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới, cũng như tinh thần Nghị quyết XII của Đảng.
Để việc tổng kết được thực hiện một cách bài bản, thiết thực và hiệu quả, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành kế hoạch về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 17. Từ cuối quý I năm 2017 đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành ủy đã nghiêm túc tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch tổng kết. Tính đến thời điểm này, về cơ bản tổng kết đã hoàn thành cấp xã, phường, thị trấn và cấp quận, huyện. Riêng các tỉnh, thành ủy đã có 39 tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương hoàn thành kế hoạch tổng kết. Đây là cơ sở rất quan trọng cho việc xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 17 ở cấp Trung ương; để bảo đảm tính khoa học, khách quan và sát thực trong đánh giá, nhận định về các kết quả đã đạt được, cũng như chỉ ra những yếu kém bất cập trong tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 17. Trên cơ sở đó, dự báo sát tình hình, xác định quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới.
Buổi tọa đàm hôm nay nhằm thống nhất một số đánh giá, nhận định về tình hình công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền viên trong 10 năm qua. Làm rõ nhận thức trách nhiệm, vai trò của cấp ủy đảng các cấp từ khâu ban hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận ... đến khâu lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan được giao nhiệm vụ làm đầu mối giúp cấp ủy thực hiện công tác tuyên truyền miệng. Đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Qua đó nhận diện những khó khăn, bất cập của công tác tuyên truyền việc trước bối cảnh tình hình mới, khi mà kỷ nguyên kỹ thuật công nghệ số, cuộc cách mạng công nghiệp (4.0) và mạng xã hội phát triển; Xác định các nhóm giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong thời gian tới.
Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã tập trung đánh giá sâu về thực trạng, trong đó làm rõ các nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân chủ quan, nêu lên kinh nghiệm sáng tạo và bài học trong chỉ đạo thực tiễn, thực hiện chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền miệng. Đặc biệt, đã nêu bật những vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền miệng khi chúng ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, với sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ; khi mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá quyết liệt sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Các đại biểu cũng đã bàn và hiến kế các giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Lâm Phương Thanh đã hoan nghênh 11 ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm cũng như các tham luận, ý kiến gửi tới buổi tọa đàm. Đồng chí Lâm Phương Thanh cũng nhấn mạnh, trước bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế như hiện nay với rất thuận lợi và tiềm ẩn những khó khăn, thách thức; điều quan trọng nhất là công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng tạo được sự nhất trí và đồng thuận trong xã hội. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng, làm thế nào để trả lời tốt nhất ba câu hỏi: Nói điều gì; nói cho ai và nói như thế nào?
Trên cơ sở buổi tọa đàm hôm nay, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến thảo luận tại buổi tọa đàm được tổ chức ở khu vực phía Nam. Từ đó, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các yêu cầu, kiến nghị để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới, trong đó, nhấn mạnh hai yêu cầu là đúng và kịp thời.
Thu Hằng