Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông Nguyễn Sinh Hùng,
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng Huân chương Hồ Chí
Minh cho ngành tài chính vì những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng trong
suốt thời gian qua.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh với
nhiều cơ hội và thách thức trong thời kỳ hội nhập, là ngành tổng hợp,
đa ngành, đa lĩnh vực, ngành tài chính có sứ mệnh to lớn trong việc góp
phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề
ra. Vì vậy, thời gian tới, ngành cần nhanh chóng khắc phục những hạn
chế, tiếp tục đổi mới nền tài chính quốc gia phù hợp với đổi mới phát
triển đất nước. Tiếp tục là đơn vị tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ
thống chính sách pháp luật nhằm huy động phân bổ sử dụng có hiệu quả cao
nhất các nguồn lực trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng cho rằng để đáp ứng với hội nhập, ngành tài chính phải đi
đầu trong hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian làm
thủ tục thuế, hải quan ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực,
góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
quốc gia. Cùng với đó, ngành tiếp tục đề cao kỷ cương, kỷ luật hành
chính, xử lý nghiêm những sai phạm đảm bảo chính sách tài chính được
thực hiện công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đồng
thời tăng cường đoàn kết nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tài chính vững
mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong giai đoạn 2016-2020,
ngành Tài chính sẽ chủ động thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ
giải pháp và các nhiệm vụ tài chính như đẩy mạnh hoàn thiện thể chế,
chính sách tài chính nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội; huy
động hợp lý đảm bảo nguồn lực ngân sách nhà nước; đảm bảo tính đồng bộ,
công khai, minh bạch, phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường
và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý ngân sách nhà nước;
tăng cường quản lý giám sát nợ công, nợ nước ngoài quốc gia; phát triển
đồng bộ các loại hình thị trường tài chính, dịch vụ tài chính; đẩy mạnh
tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước. Đồng
thời, thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, tăng
cường phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ với các chính sách
khác để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh
tế.
Ngành sẽ đổi mới, hiện đại hóa phương thức quản lý thu thuế; xây dựng
giải pháp, chính sách phù hợp để hạn chế tác động do giảm thu từ các
nguồn tài nguyên, khoáng sản và từ thực hiện các cam kết quốc tế về thuế
quan; đồng thời, khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất kinh
doanh.
Cùng với đó, ngành thực hiện điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách nhà nước
hiệu quả, ưu tiên đầu tư cho con người, kết cấu hạ tầng trọng. Tiếp tục
ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực giáo dục đào tạo,
khoa học và công nghệ, y tế theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội;
tăng tỷ trọng vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến
khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển nông nghiệp
nông thôn.
Đến năm 2020, ngành tài chính phấn đấu cơ bản hoàn thành việc giao quyền
tự chủ toàn diện cho khu vực sự nghiệp công lập; thực hiện tính đúng,
tính đủ giá dịch vụ công theo lộ trình, đảm bảo công khai, minh bạch; cơ
bản hoàn thành quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp
nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển gắn với đổi mới cơ chế tài
chính doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và nâng cao năng lực cạnh
tranh của doanh nghiệp Việt Nam./.
Theo TTXVN