Thứ Ba, 24/9/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 6/4/2014 8:27'(GMT+7)

Đổi mới nhận thức về y nghiệp, y đức hiện nay




Ngay từ khi ra đời, trong y học người ta đã nói đến đạo đức nghề nghiệp y. Gần 500 năm trước Công nguyên, Hypocrate - người được cả nhân loại coi là ông tổ ngành Y - đã viết: “Tôi sẽ tránh không làm tổn hại đến họ. Khi đến bất cứ gia đình nào tôi sẽ đến với mục đích giúp đỡ những kẻ đau ốm. Tôi sẽ giữ bí mật bất cứ điều gì tôi nhìn thấy hoặc nghe được… Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”. Ở Việt Nam, vào thế kỷ XVII, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông cũng đã dạy: "Suy cho cùng, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết trong một tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ, thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đạo đức không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám học đòi làm cái nghề cao quý đó chăng”.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe (CSSK), Người luôn luôn nhấn mạnh đến tài và đức. Người đã dạy: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần của những người ốm yếu” (thư gửi hội nghị Quân y tháng 3-1948). Vì thế, trong thực tế ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với với người làm công tác y tế. Bởi vì nó là một nghề đặc biệt, không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng mà còn đòi hỏi tấm lòng nhân ái, cao thượng, từng trải và giàu có kinh nghiệm nghề nghiệp. Mọi công việc dù nhỏ đến đâu của ngành y đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình. Như vậy trong lịch sử từ cổ chí kim, người ta luôn luôn đề cao đạo đức y tế mà trong nội hàm của khái niệm ấy, tài và đức luôn gắn bó với nhau.

1.  Tại sao lại phải đề cao đạo đức nghề nghiệp trong thực hành y học?

Thứ nhất, CSSK nói chung và khám chữa bệnh nói riêng có một vai trò và vị trí đặc biệt trong xã hội: (1) Liên quan đến việc bảo vệ tính mạng con người trước bệnh tật; (2) Bệnh tật là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến nghèo đói; (3) Bệnh tật là một sự rủi ro xảy ra bất cứ với ai, bất kỳ nơi nào và khi nào; (4) Mang tính nhạy cảm cao nhất trong các ngành văn hóa, xã hội, là một yếu tố liên quan mật thiết và không thể thiếu trong an sinh xã hội và an ninh chính trị; (5) Những nhà hoạch định chính sách ít am hiểu tường tận và rất dễ coi nhẹ công tác CSSK, vì nghĩ rằng sức khỏe là của trời cho, không cần đầu tư cho CSSK; (6) Cho đến nay trên thế giới chưa có mô hình y tế nào phù hợp với mọi giai tầng xã hội.

Thứ hai, xuất phát từ đặc điểm của nghề thầy thuốc: (1) Hành vi thầy thuốc ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh; (2) Tác động đến mọi người trong xã hội, từ người dân bình thường đến các nguyên thủ quốc gia, ai cũng ra đời nhờ bàn tay khéo léo của bà đỡ và đại đa số chết vì bệnh tật; (3) Có nhiều quyền lực, dễ lạm dụng, dễ có thời cơ lạm dụng (thậm chí lợi dụng để lừa bịp đối tác); (4) Biết nhiều bí mật về cuộc sống, bệnh tật kể cả chuyện thầm kín (như quan hệ tình dục) của người bệnh; (5) Dễ gây ra hay làm lây bệnh cho người khác; (6) Kỹ năng hành nghề không dễ kiểm soát và không có mẫu hình tốt duy nhất của y đức, đôi lúc khó diễn tả và dễ ngụy biện, chỉ có lương tâm và người cùng hành nghề mới có thể kiểm soát được y đức; (7) Có nhiều áp lực, lao động vất vả, môi trường độc hại, nguy hiểm; (8) Nghề thầy thuốc là sự tích hợp của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật, thậm chí cả khoa học tâm linh (tâm linh được hiểu là làm phúc cho người nhưng không được đòi hỏi người mà mình làm phúc trả ơn trực tiếp cho mình. Cái ơn ấy đến lúc nào không hay, ai sẽ trả không cần biết và to nhỏ thế nào chớ có bàn).

Thứ ba, những đặc thù đối tác chính của thầy thuốc, đó là người bệnh có các đặc điểm sau: (1) Họ thường rơi vào tính mạng lâm nguy, ở ranh giới giữa sống và chết; (2) Đau đớn thể xác, khủng hoảng tinh thần, thường kèm theo khủng hoảng cả kinh tế; (3) Người bệnh không hiểu biết, không có kiến thức về cách chữa bệnh, có bệnh thì vái tứ phương, nghe thầy thuốc một cách tuyệt đối; (4) Nỗi lo sợ nhất của người sắp chết là nỗi cô đơn.

Thứ tư, chúng ta đang xây dựng một nền y tế trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo tinh thần của Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng cơ chế thị trường định hướng XHCN có nghĩa là phát huy mặt mạnh của cơ chế thị trường, nhưng đồng thời phải giữ vững nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Vậy chúng ta cần nhận dạng những đặc điểm của y tế trong cơ chế thị trường là gì, hiểu mặt nào là mặt mạnh và mặt nào là mặt trái. Ví dụ, trong thời kỳ bao cấp, CSSK chỉ nổi lên hai thành phần chính, đó là thầy thuốc và bệnh nhân. Mục đích duy nhất của CSSK và khám chữa bệnh trong thời kỳ bao cấp là đảm bảo tính mạng cho người bệnh và sức khỏe cho mọi người. Nay trong kinh tế thị trường, có nhiều thành phần tham gia vào CSSK, đó là: Thầy thuốc, bệnh nhân, doanh nhân sản xuất thuốc & trang thiết bị y tế, nhà quản lý, tầng lớp môi giới…

Ngoài lợi ích cứu chữa tính mạng của bệnh nhân và đảm bảo sức khỏe nhân dân, còn phải nghĩ đến lợi ích của các thành phần tham gia vào CSSK, đặc biệt của thầy thuốc và các doanh nhân. Nếu như thời bao cấp người thầy thuốc chỉ có 2 động lực chính (động lực tinh thần là cứu chữa người bệnh, phục vụ CSSK của nhân dân và động lực khoa học), thì nay còn nổi lên động lực lợi ích (lợi ích chính đáng trong mưu sinh và làm giàu).

Trong thời kỳ bao cấp, trình độ công nghệ cao chậm phát triển, nhưng trong kinh tế thị trường công nghệ cao được ứng dụng và phát triển nhanh, vì đầu tư vào công nghệ cao mang lại hiệu quả chữa bệnh cao, nhưng đồng thời cũng mang lại lợi nhuận nhanh hơn và cao hơn so với những giải pháp CSSK ban đầu. Khi công nghệ cao phát triển nhanh, có mặt lợi là hiệu quả chẩn đoán và khám chữa bệnh tăng lên rõ rệt. Nhưng cũng có mặt trái cần phải tránh, đó là dễ lạm dụng để thu hồi vốn nhanh, thậm chí còn dùng công nghệ cao để “lừa bịp” người bệnh và làm cho người bệnh tốn rất nhiều tiền khi sử dụng các dịch vụ y tế. Trong trường hợp này, chính các chỉ định y tế không phù hợp và lạm dụng của người thầy thuốc đã làm cho người dân rơi vào nghèo đói. Một xu thế phổ biến trong thời đại kinh tế thị trường và khoa học phát triển nhanh là  quan hệ giữa thầy thuốc với người bệnh ngày một doãng cách mà không gắn bó và gần gũi như trước kia. Có lý do khách quan, đó là do công nghệ cao phát triển, độ chuyên khoa ngày càng sâu nên không thể mỗi bệnh nhân chỉ quan hệ với một thầy thuốc như trước kia, nay mỗi bệnh nhân được nhiều thầy thuốc thuộc nhiều chuyên khoa cùng chẩn đoán và chữa chạy; ngoài ra có lý do chủ quan, đó là người thầy thuốc ỷ lại vào công nghệ mà coi nhẹ các biện pháp kinh nghiệm lâm sàng kinh điển (nhìn, sờ, gõ, nghe), chưa nói tới sự lạm dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị hiện nay để chạy theo mục đích lợi nhuận. Nói tóm lại nếu không nhận dạng được đầy đủ những đặc điểm của y tế trong cơ chế thị trường thì ta không thể phát huy mặt mạnh cùng với việc khắc phục các mặt trái của nó, nhiều khi phải trái lẫn lộn và có lúc sẽ vận dụng việc áp dụng cơ chế thị trường để ngụy biện cho các việc làm trái với đạo đức y tế.

Có thể kết luận rằng: Trong nghề y thời nào cũng cần được đề cao đạo đức nghề nghiệp, nhưng ngày nay khi xây dựng cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thì việc đề cao đó lại càng cần thiết.

2. Vậy hiện nay nên quan niệm về nội dung y đức và y nghiệp như thế nào?

Nói y đức là nghĩ ngay đến đạo đức với nhiều yếu tố nội hàm: thái độ ứng xử, lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm… Nhưng có một số người quan niệm rằng nói đến y đúc là chỉ đơn thuần nói tới đạo đức mà tách rời với tài năng và trí tuệ. Có những cán bộ y tế hiểu đơn giản là chỉ cần cười nói, không gắt gỏng với người bệnh, chỉ cần không vòi vĩnh quà cáp từ bệnh nhân… thế là mình có y đức tốt, trong khi trình độ chuyên môn thì dốt, kỹ năng hành nghề không cao, không chịu học tập vươn lên về chuyên môn. Những trường hợp như vậy chắc chắn không ai cho rằng có y đức tốt.

Để làm rõ hơn nội hàm của y đức, nhất là để phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay, Tổ chức y tế thế giới và một số nước đã đề cập đến một khái niệm mới, đó là gắn việc giáo dục y đức với  việc  nâng cao  tính chuyên nghiệp y học hay còn gọi là y nghiệp.  Như vậy là y đức phải đi đôi với y nghiệp. Việc gắn giáo dục y đức với y nghiệp là một biểu hiện đổi mới trong nhận thức và giáo dục về y đức cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Trong tiếng Anh có hai từ đều nói về nghề: (1) Từ occupation được hiểu là nghề, nhưng nghề nói ở đây là những công việc mang tính thường quy, ít đòi hỏi kỹ năng, ít có tính trách nhiệm đối với mọi người, và ít ảnh hưởng đến mọi người; (2) Từ profession được hiểu là nghề nghiệp, đó là công việc đòi hỏi những quy trình đặc biệt (phải được đào tạo cẩn thận và dài lâu), kỹ năng cao, có trách nhiệm và ảnh hưởng với nhiều người. Cũng từ đó, từ professional là tính chuyên nghiệp và professionalism là sự chuyên nghiệp. Mediacal professionalim là sự chuyên nghiệp trong y học. Ở Việt Nam nhiều người gọi tắt là y nghiệp.

Y đức gắn với y nghiệp  được thể hiện cụ thể bằng 4 nội dung:

Thứ nhất, người thầy thuốc phải có lòng vị tha: phải có lòng nhân ái, phải sẵn lòng cứu chữa người bệnh và quan trọng nhất là phải đặt quyền lợi, tính mạng của người bệnh lên trên quyền lợi của bản thân mình.  Đành rằng trong cơ chế thị trường, chúng ta phải nói tới lợi ích của người thầy thuốc và người thầy thuốc  phải chăm lo đến việc  mưu sinh  của mình, nhưng trong mối quan hệ giữa việc hy sinh, cống hiến để cứu chữa tính mạng người bệnh  với việc lo toan mưu sinh, kiếm sống thì người thầy thuốc bao giờ cũng phải đặt tính mạng của người bệnh lên trên lợi ích cá nhân mình. Nhận thức này chẳng những là mục đích nghề nghiệp của người thầy thuốc mà lại là điều kiện để hành nghề của thầy thuốc. Thử hỏi nếu thầy thuốc không coi trọng tính mạng của người bệnh, không toàn tâm toàn ý cứu chữa người bệnh, để người bệnh không khỏi bệnh hoặc gây tai biến cho người bệnh thì còn ai dám đến yêu cầu thầy thuốc đó chữa bệnh cho họ? Và lúc đó liệu thầy thuốc còn cơ hội để hành nghề và mưu sinh thông qua hành nghề được không? Chắc chắn là không. Do đó, một điểm nữa cần đổi mới trong giáo dục y đức hiện nay  là phải  phân tích một cách phù hợp mối quan hệ giữa việc hy sinh, cống  hiến của thầy thuốc dành cho người bệnh với việc lo toan "mưu sinh" kiếm sống của thầy thuốc, thay cho việc kêu gọi thầy thuốc chỉ biết hy sinh như kiểu giáo dục trước đây trong thời kỳ bao cấp. Phần lớn những biểu hiện sai lầm của thầy thuốc về y đức  xuất hiện trong thời gian qua  đều là do thầy thuốc không quán triệt và nhận thức đầy đủ về mối quan hệ biện chứng  mang tính nhân quả này.

Thứ hai, người thầy thuốc phải luôn trau dồi học vấn và kỹ năng nghề nghiệp, phải thực sự có tay nghề giỏi, điêu luyện. Thầy thuốc phải luôn luôn nhớ một câu nói liên quan đến nghề nghiệp của mình, đó là nghề y không phải là nghề chữa bệnh mà là nghề chữa người bệnh (con bệnh). Ví dụ, nhiều người cùng bị bệnh cao huyết áp, nhưng khi chẩn bệnh và điều trị thầy thuốc ngoài phát hiện ra bệnh còn phải xem cơ thể người bệnh có đặc điểm gì và tìm thuốc hợp với người bệnh đó. Như vậy là thầy thuốc chữa bệnh cho một con người cụ thể chứ không phải chữa một thứ bệnh chung chung. Vì vậy, muốn trở thành thầy thuốc giỏi không có cách nào khác là phải từng trải và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp trong thế giới người bệnh muôn hình muôn vẻ. Hơn thế nữa, ngày nay khoa học phát triển như vũ bão trong đó có nhiều thành tựu liên quan và ứng dụng cho y học như chẩn đoán hình ảnh, nội soi, tế bào gốc… và cả các phương thuốc mới ngày càng mang tính đặc trị cao. Ngoài kinh nghiệm lâm sàng, ngày nay các phương tiện hiện đại đã và đang mang lại cho thầy thuốc các thông tin rất chính xác về cơ thể người bệnh. Nếu không nắm được những kiến thức và kỹ thuật này thì chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng lạc hậu và không thể cứu chữa được người bệnh. Hải Thượng Lãn Ông đã chỉ ra rằng: “Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát”.

Thứ ba, thầy thuốc phải có lòng tự trọng và biết kiểm soát bản thân mình, đồng thời phải biết hợp tác với đồng nghiệp. Trước hết phải có lòng tự trọng và tự biết kiểm soát bản thân: ở mọi nơi mọi lúc phải luôn biết mình ở vào hoàn cảnh nào, cương vị nào, mối quan hệ với người xung quanh ra sao, từ đó mà có cách ứng xử thích hợp để thể hiện sự tôn trọng của mình với mọi người và tiếp nhận sự tôn trọng của mọi người với mình. Bên cạnh lòng tự trọng và tự kiểm soát mình, người thầy thuốc còn phải biết hợp tác với đồng nghiệp. Hợp tác được hiểu là học hỏi từ đồng nghiệp, không giấu dốt; giúp đỡ và chia sẻ với đồng nghiệp những kinh nghiệm tốt của bản thân; nhưng đồng thời cũng gồm kể cả việc giúp đỡ đồng nghiệp nhận ra các sai lầm trong nghề nghiệp, kịp thời phát hiện cái sai của đồng nghiệp để giúp họ không gây ra tổn thất cho người bệnh, tuyệt đối không được chờ đợi hoặc lợi dụng cái sai của đồng nghiệp để có cơ hội hạ uy danh của đồng nghiệp.

Thứ tư, cam kết trách nhiệm với xã hội được thể hiện: (1) Đồng thuận với các giải pháp y tế, mang chủ trương của Nhà nước đến với dân, mỗi thầy thuốc phải trở thành một tuyên truyền viên về chính sách và kiến thức y tế cho nhân dân; (2) Tham gia các hoạt động cộng đồng (hoạt động vì người nghèo, hiến máu nhân đạo, BHYT…) và tham gia phong trào trong y tế; (3) Gương mẫu trước cộng đồng và được cộng đồng tin tưởng.

Như vậy  việc gắn y đức với y nghiệp biểu hiện  cả tiêu chí đức lẫn tài, mang tính chắt lọc, tích lũy dài lâu, suốt cuộc đời, gắn với vận mệnh, vừa mang tính quyết đoán, dấn thân vừa tự nguyện và hiến dâng (hy sinh). Phát động việc rèn luyện và nâng cao y đức và y nghiệp  trong bối cảnh xây dựng nền y tế phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là một việc làm cần thiết và rất phù hợp. Đây là một giải pháp quan trọng để chúng ta nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, đồng thời lấy lại niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế./.

 GS.TS. PHẠM MẠNH HÙNG 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất