(TG) - Tại Việt Nam, trong tháng 1/2014 đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong
tại tỉnh Đồng Tháp và Bình Phước. Đến thời điểm này, cả nước chưa có ca
nào mắc cúm A/H7N9 trên gia cầm và trên người. Tuy nhiên, thời gian qua
nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục phát hiện các ổ dịch cúm
A/H5N1 trên các đàn gia cầm và thủy cầm.
Sáng 29/3, tại Cần Thơ, Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ
chức mít tinh phát động chiến dịch truyền thông phòng chống dịch cúm gia
cầm A/H7N9 và cúm H5N1 lây lan sang người. Chiến dịch nhằm nâng cao
nhận thức của các cấp, ngành và người dân trong phòng, chống dịch cúm
lây bằng việc thực hiện rửa tay bằng xà phòng và đảm bảo an toàn thực
phẩm; phát hiện và thông báo sớm các ổ dịch cúm gia cầm cho cơ quan chức
năng.
Tại lễ phát động, PGS. TS. Trần
Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Thành phố Cần
Thơ và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần phải tăng
cường các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của virus cúm A/H7N9 và lây
nhiễm cúm A/H5N1. Đặc biệt, thành phố Cần Thơ và các tỉnh trong vùng cần
thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các
biện pháp phòng chống cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1. Các tỉnh, thành cần
phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, để triển khai thực hiện các biện pháp
phòng chống buôn bán nhập lậu gia cầm qua biên giới; giám sát chặt chẽ
diễn biến tình hình dịch bệnh trên các đàn gia cầm;; đẩy mạnh công tác
thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của cấp ủy chính
quyền và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Cục Y tế dự phòng đặc biệt khuyến cáo người dân cần
chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm A/H7N9, A/H5N1 bằng thường xuyên
rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng;
không vận chuyển, mua bán, giết mổ, sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia
cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm .
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, dịch cúm A/H7N9 xảy ra tại
một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan,
Hồng Kông và Malaysia, đang có diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng
sang một số nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Đến thời
điểm hiện nay, đã ghi nhận 400 trường hợp mắc và 121 trường hợp tử vong.
Chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm 2014, số trường hợp mắc bệnh cúm
tại Trung Quốc đã tăng gấp 1,6 lần so với cả năm 2013.
Tại Việt Nam, trong tháng 1/2014 đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong
tại tỉnh Đồng Tháp và Bình Phước. Đến thời điểm này, cả nước chưa có ca
nào mắc cúm A/H7N9 trên gia cầm và trên người. Tuy nhiên, thời gian qua
nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục phát hiện các ổ dịch cúm
A/H5N1 trên các đàn gia cầm và thủy cầm.
Đặc biệt. tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh,
thành đã ghi nhận xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1. Hiện tại khu vực
đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ dịch cúm gia cầm xảy ra trên diện rộng
do tập quán nuôi vịt chạy đồng phổ biến, nhiều gia cầm chết bị vứt xác
trên các kê rạch vẫn còn tái diễn… là điều kiện cho mầm bệnh phát tán,
lây lan trên diện rộng.
Ngay sau lễ mít tinh, nhiều hoạt
động hưởng ứng chiến dịch đã diễn ra như rửa tay bằng xà phòng, diễu
hành bằng ôtô và môtô cùng băng rôn, khẩu hiệu qua các tuyến đường
chính, đông dân cư trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ../.
TG