Đổi mới tư duy lý luận, trước hết là nhận thức lại cho đúng để vận dụng sát hợp, có hiệu quả quy luật khách quan và những đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bài học quan trọng mà Đại hội VI nhấn mạnh là: “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”(1). Trước đó đã có sự nhận thức không đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, dẫn tới cải tạo xã hội chủ nghĩa nóng vội, hình thức và quan hệ sản xuất mới không phát huy được hiệu quả. “Kinh nghiệm thực tế chỉ rõ: lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất phát triển không đồng bộ, có những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất” (2). Quy luật giá trị và sản xuất hàng hóa, quy luật phân phối theo lao động và lợi ích kinh tế cũng chưa được nhận thức và vận dụng đúng đắn.
Những đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là sự tồn tại và phát triển nhiều thành phần kinh tế và phải trải qua nhiều hình thức, bước đi quá độ khác nhau, được Lê-nin đặc biệt coi trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần nêu rõ sự cần thiết khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển, khuyến khích làm giàu và tiến dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội và không thể làm giống như các nước khác, phải tổng kết thực tiễn để tìm ra quy luật riêng của Việt Nam.
Đổi mới chính là nhận thức và vận dụng đúng đắn những vấn đề lý luận, những quy luật khách quan và đặc trưng cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Để tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận để chỉ đạo thực tiễn, ngay sau Đại hội VI, Bộ Chính trị đã thấy rõ sự cần thiết phải soạn thảo Cương lĩnh. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa khi cuối những năm 80, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô lâm vào khủng hoảng, trong đó có những nhận thức không đúng về chủ nghĩa xã hội.
Đại hội VII của Đảng (6-1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là bước phát triển rất quan trọng về nhận thức lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ đấy công cuộc đổi mới gắn liền với thực hiện Cương lĩnh. Trải qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, Đại hội XI của Đảng (1-2011) đã bổ sung, phát triển trong Cương lĩnh 2011 với sự phát triển mới về nhận thức lý luận. Đại hội XII của Đảng tổng kết 30 năm đổi mới, khẳng định rõ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Với sự tổng kết của các Đại hội Đảng, có thể thấy rõ những vấn đề quan trọng trong phát triển nhận thức lý luận.
Một là, nhận thức rõ hơn mục tiêu và mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đại hội VII xác định 6 đặc trưng. Đại hội XI nêu bật 8 đặc trưng. “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” (3).
Hai là, nhận thức rõ những vấn đề của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhất là về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội”(4).
Ba là, nhận thức rõ hơn về những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những đặc trưng đó là quan điểm của Đảng và cũng từ thực tiễn xây dựng và hoạt động của Nhà nước và thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013. Đó là Nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đề cao vai trò thượng tôn pháp luật trong quản lý xã hội, trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Nhà nước bảo đảm quyền của công dân, quyền và lợi ích chính đáng của con người. Nhà nước, công dân, con người đề cao trách nhiệm pháp lý. Nhà nước pháp quyền Việt Nam tôn trọng các văn bản luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Nhà nước pháp quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước không ngừng thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng.
Bốn là, nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn mang tính quy luật của sự phát triển xã hội, đất nước. “Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”(5).
Đại hội XII của Đảng tiếp tục phát triển nhận thức lý luận và cụ thể hóa trong những quyết sách và định hướng quan trọng, bảo đảm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, phát triển đất nước nhanh và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, tập 47, trang 363.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, tập 47, trang 390.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, trang 70. 4. Báo Nhân Dân, ngày 15-9-2015.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, trang 72-73.