* Bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Ngay từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam đã đề cao nhiệm vụ bảo đảm quyền con người. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, xét về bản chất, quyền con người gắn liền với chế độ XHCN, là bản chất, mục tiêu và động lực của CNXH. Quyền con người gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, và đó cũng chính là sự nghiệp xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công, bất bình đẳng xã hội, đem lại cuộc sống trong nhân phẩm, quyền tự do đích thực và sự phát triển toàn diện mọi năng lực vốn có của tất cả mọi người.
Trên tinh thần đó, các quyền con người đã được khẳng định rõ trong các bản Hiến pháp từ khi lập nước đến nay. Đặc biệt, Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của công cuộc đổi mới, đã khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân..." (Điều 2); “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật” (Điều 50).
Và Hiến pháp 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, đã dành tới 36 trong tổng số 120 điều để quy định các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Việt Nam quy định “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.” Quy định này phù hợp với tiêu chuẩn luật nhân quyền quốc tế, xuất phát từ bản chất của quyền con người và bản chất của chế độ XHCN ở nước ta. Mục tiêu quan trọng nhất của Hiến pháp 2013 là tiếp tục phát huy dân chủ, bảo đảm chủ quyền nhân dân, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước phát triển mới mạnh mẽ trong tư duy lý luận của Đảng và Nhà nước ta về một loạt vấn đề cơ bản của thời đại và sự nghiệp đổi mới đất nước, trong đó có vấn đề quyền con người, quyền công dân.
Đảng ta luôn xác định quyền con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển, là bản chất của chế độ ta. Chính vì vậy, Chỉ thị số 12/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 1992 đã xác định: “Đối với chúng ta, vấn đề quyền con người được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của Chủ nghĩa xã hội, từ bản chất của chế độ ta và bao quát rộng rãi nhiều lĩnh vực, từ chính trị, tư tưởng, văn hóa đến kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, pháp chế...” Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) cũng chỉ rõ: “Quan tâm hơn nữa việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết”.
* Mở rộng dân chủ XHCN
Khẳng định mạnh mẽ bản chất Nhà nước ta là Nhà nước thực hiện chủ quyền nhân dân, thực hành dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và bảo đảm quyền lực của nhân dân, Điều 2 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân….”.
Nếu Hiến pháp 1992 (Điều 6) quy định nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nghĩa là chỉ thông qua hình thức dân chủ đại diện thì Hiến pháp 2013 (Điều 6) quy định rõ những cách thức để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Quy định này của Hiến pháp 2013 đặt nền tảng cho việc hoàn thiện một hình thức dân chủ cao nhất là chế định bầu cử, qua đó thực hiện đầy đủ hơn, thực chất hơn quyền bầu cử của công dân và trách nhiệm của đại biểu dân cử. Hiến pháp 2013 quy định Hội đồng bầu cử quốc gia như một thiết chế hiến định độc lập để thực hiện quyền công dân quan trọng này.
Hiến pháp 2013 mở rộng dân chủ XHCN, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân (hay chủ quyền nhân dân) đã được ghi nhận ngay từ Hiến pháp 1946 và đến Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân. Trong Lời nói đầu Hiến pháp 2013 nêu rõ chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp là nhân dân; Điều 2 khẳng định nước CHXHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân… Những nội dung này tạo nền tảng vững chắc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân ở nước ta…
* Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Nhà nước pháp quyền là nhà nước thực thi quyền lực của mình dựa trên nền tảng pháp luật được ban hành theo thủ tục hiến định, nhằm bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân và công lý. Trong những năm Đổi mới, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền luôn là vấn đề được quan tâm, hoàn thiện. Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN không chỉ chú trọng bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, bảo đảm công lý, mà còn đặc biệt chú trọng đến sự bình đẳng, công bằng xã hội.
Nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48 -NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đây là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng, xác định các quan điểm chỉ đạo, đề ra 6 định hướng lớn và 2 nhóm giải pháp cơ bản cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Việc thực hiện Chiến lược đã tạo ra những chuyển biến tích cực, thể hiện tư duy lập pháp mới trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tại Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 11 - sự kiện thường niên quan trọng thu hút sự tham gia của đại diện Chính phủ Việt Nam và các đối tác nước ngoài vừa được tổ chức, Việt Nam đã công bố những kết quả, tiến bộ vượt bậc cả về lượng và chất; số lượng các văn bản luật, pháp lệnh được ban hành trong 10 năm qua liên quan đến nhiều lĩnh vực, điều chỉnh được phần lớn các quan hệ cơ bản của đời sống xã hội.
Theo thống kê, trong tổng số 241 luật, pháp lệnh đã ban hành có 59 văn bản (chiếm 24%) thuộc lĩnh vực pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị, về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; 66 văn bản (chiếm 27%) thuộc lĩnh vực pháp luật kinh tế, tài chính, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; 74 văn bản (chiếm 31%) trong lĩnh vực pháp luật về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa - thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; 42 văn bản (chiếm 18%) thuộc lĩnh vực pháp luật về quốc phòng và an ninh quốc gia. Nếu so với con số 7 bộ luật, 133 luật, 151 pháp lệnh được ban hành trong 20 năm năm đầu của sự nghiệp đổi mới (1986-2005) thì đây là con số quan trọng phản ánh bước tiến về số lượng và tốc độ làm luật. Số lượng các pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã giảm cơ bản so với trước đây. Trong tổng số 241 văn bản đã ban hành 10 năm qua chỉ có 37 pháp lệnh chiếm 14% tổng số luật, pháp lệnh so với 48 pháp lệnh chiếm 49% tổng số luật, pháp lệnh ở giai đoạn 2000-2004.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh nhận xét, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua không chỉ chú trọng đến ban hành các văn bản pháp luật về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN mà đã tập trung nhiều hơn cho các lĩnh vực khác, đặc biệt là các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ. Một số đạo luật có nội dung phức tạp như Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật tiếp công dân, Luật thanh tra, Luật khiếu nại, Luật tố cáo... đã được ban hành trong giai đoạn gần đây, góp phần thúc đẩy hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước theo hướng ngày càng năng động, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ và trách nhiệm trước nhân dân.
Đến thời điểm này, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, thi hành án và bổ trợ tư pháp đã được hoàn thiện, cơ bản xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm pháp lý của các cơ quan, chức danh tư pháp; cải cách các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng thuận tiện, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp; bảo đảm tranh tụng và chất lượng tranh tụng trong xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ quan trọng để đưa ra phán quyết.
Pháp luật về hội nhập quốc tế cũng được tăng cường, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Luật tương trợ tư pháp, Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế được ban hành, đã hình thành khung pháp luật thống nhất cho việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế và hoạt động tương trợ tư pháp, cũng như tạo cơ chế đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chỉ tính trong giai đoạn 2005-2015, Việt Nam đã ký kết trên 600 điều ước quốc tế về thương mại và công nghiệp, đồng thời là đối tác chiến lược, thành viên của nhiều diễn đàn, tổ chức kinh tế - quốc tế. Cùng với việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cơ bản đã theo kịp và tương thích với hầu hết các nguyên tắc, tập quán quốc tế, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, tương trợ tư pháp, chống khủng bố, chống tội phạm, chống rửa tiền, tham nhũng...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, những kết quả đạt được trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đã thiết thực góp phần vào những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đạt được sau 30 năm Đổi mới, trên các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh, củng cố, tăng cường môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước. Nhờ đó, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, với vị thế, uy tín trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao./.
Giao Tuyến (tổng hợp)