Ông Nghiêm Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam: Đổi mới tư duy làm khoa học
* Xin ông cho biết, những đổi mới trong chính sách phát triển khoa học công nghệ của nước ta thời gian gần đây?
Chủ trương, chính sách phát triển khoa học công nghệ (KHCN) chúng ta có tương đối nhiều. Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII ra đời năm 1996 đặc biệt nhấn mạnh vai trò của KHCN. Chúng ta có Luật KHCN, Luật Chuyển giao công nghệ. Gần đây, Nhà nước đã dành một phần ngân sách xứng đáng cho đầu tư phát triển KHCN. Tuy nhiên, tất cả vẫn mang tính chất để giữ cho bộ máy hành chính của KHCN phát triển chứ không phải hướng tới cá nhân cụ thể. Nói tới nhân lực KHCN là nói tới những cá nhân cụ thể. Điều này ngay trong Luật KHCN cũng chưa toát lên được. Vì thế, nhiều địa phương đã trải thảm đỏ thu hút nhân tài về làm việc nhưng kết quả vẫn hạn chế.
* Nhiều nhà khoa học cho rằng, chính sách mà chúng ta đang áp dụng cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học ở đơn vị hành chính sự nghiệp chưa phù hợp với lao động sáng tạo, trong đó có chế độ tuyển dụng, chế độ lương bổng, sắp xếp và bố trí công việc. Ông có bình luận gì về điều này?
Đúng là chúng ta đang quản lý các nhà khoa học theo một cơ chế hành chính cứng nhắc, làm cho tính sáng tạo, tính chủ động của mỗi cá nhân bị thui chột. Các hoạt động nghiên cứu khoa học ở những đơn vị hành chính sự nghiệp mang tính thụ động. Ngân sách cấp bao nhiêu thì giao nhiệm vụ bấy nhiêu. Hoạt động nghiên cứu khoa học xa rời kinh tế thị trường.
* Chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập, khiến các nhà khoa học chưa phát huy hết khả năng và sự sáng tạo của mình. Theo ông, có phải vì điều này mà các nhà khoa học trẻ sau khi học ở nước ngoài không muốn về nước làm việc hay không?
Đấy cũng là một phần nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản nhất là do các bạn trẻ qua quá trình học tập ở nước ngoài thấy môi trường ở bên đó thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Ở đó, các bạn có thể tiếp tục phát triển ý tưởng hoặc hoàn thành những mục tiêu mà các bạn đặt ra trong nghiên cứu. Tuy nhiên, việc tôn vinh giáo sư Ngô Bảo Châu thời gian gần đây là tín hiệu rất đáng mừng. Việc này cho thấy, Đảng và Nhà nước đã cụ thể hóa lời hứa của mình đối với các nhà trí thức bằng việc tôn vinh, khen thưởng, đồng thời có những hành động kịp thời.
Ví dụ Nhà nước quyết định đầu tư trên 600 tỉ đồng phát triển ngành toán học, lập Viện Toán học cao cấp và mời giáo sư Ngô Bảo Châu về giảng dạy, cấp cho giáo sư một căn hộ. Tuy nhiên, đây mới là cách làm có tính chất đơn lẻ chứ chưa đưa vào chế độ, chính sách chung.
* Theo ông, để phát triển KHCN nước nhà, việc cần làm hiện nay là gì?
Chúng ta buộc phải thay đổi cơ chế hiện hành. Nghĩa là phải gắn nghiên cứu, phát triển KHCN với kinh tế thị trường. Cần triển khai tốt nội dung, tư tưởng mà chúng ta đã đề ra trong Nghị định 115/2005/NĐ-CP. Nghị định này quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN. Đây có thể coi là nghị định cởi trói tư duy, trả lại cho các nhà khoa học quyền tự chủ trong sáng tạo, hành động.
Các nhà khoa học phải là những người đưa ra ý kiến về vấn đề KHCN của Việt Nam sẽ phải làm gì, phát triển như thế nào? Trên cơ sở đề nghị của các nhà khoa học, Đảng và Nhà nước có chính sách, thể chế hóa bằng pháp luật để đưa vào thực tiễn cuộc sống.
Nghị định 115 mặc dù ra đời cách đây được 5 năm nhưng chưa thực hiện tốt bởi vì có một số nhà khoa học bị cơ chế bao cấp ăn sâu trong nếp nghĩ, ngại va chạm, ngại thay đổi. Nếu chúng ta không vượt qua được điều này thì KHCN nước nhà rất khó có sự thay đổi. Trước hết phải đổi mới tư duy rồi mới bàn đến những đổi mới khác.
* Xin cảm ơn ông!
Ông Vương Vũ Thắng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam (Vinacomm): Cần đánh giá đúng vai trò, đóng góp của nhà khoa học
Tôi thấy cần thiết có những giải thưởng dành cho các nhà khoa học. Năm 2001, tôi được nhận Giải thưởng Trí tuệ Việt Nam. Khi đó tôi là sinh viên mới ra trường đang đứng trước hai sự lựa chọn. Một là làm việc ở trong nước, hai là đi nước ngoài học tiến sĩ (tôi đã có học bổng). Tuy nhiên, giải thưởng làm cho tôi có niềm tin là đất nước ngày càng quan tâm đến phát triển KHCN. Công trình tôi đang nghiên cứu lúc đó là công nghệ mới cho internet. Giải thưởng đã khuyến khích tôi ở lại trong nước tiếp tục nghiên cứu. Hiện nay, trong công ty của tôi có nhiều bạn là tiến sĩ, thạc sĩ. Các bạn gắn bó với công ty tôi nhiều hơn ở trường các bạn công tác bởi vì ở trường không đánh giá đúng vai trò, đóng góp của các bạn.
Thế hệ chúng tôi là những nhà khoa học trên 30 tuổi. Lớp tôi học có 40 người thì hiện nay hơn 30 người đã có học vị tiến sĩ. Nhưng phần lớn các bạn tôi học tiến sĩ ở nước ngoài và không muốn về nước làm việc. Rõ ràng, việc thu hút người tài về nước chúng ta làm chưa tốt.
Theo tôi, các nhà khoa học trẻ không muốn về nước không phải là vì ở nước ngoài họ được trả lương cao hơn. Điều làm họ ngần ngại là ngoài chế độ chính sách còn là môi trường làm việc. Phải tạo ra môi trường làm việc như thế nào để những nhà khoa học trở về phát huy hết được khả năng là bài toán cần được đặt ra.
Thêm nữa, việc đào tạo trong nước chúng ta cũng cần phải xem xét lại. Đào tạo phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội chứ không đưa ra mục tiêu duy ý chí được. Doanh nghiệp là nơi gần với nhu cầu xã hội nhất. Nên chăng, Nhà nước có những chính sách không chỉ đầu tư vào những trung tâm, cơ sở đào tạo mà có thể đầu tư cho DN nghiên cứu khoa học. Khoa học cần phục vụ cho những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra. Đây là mô hình tốt trong hoàn cảnh hiện nay.
GS. Đào Tiến Khoa, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam): Mong có sự đột phá
Trong 3 yếu tố chính để phát triển KHCN là nhân lực, hạ tầng cơ sở và hiệu quả nghiên cứu, theo tôi nhân lực là yếu tố quan trọng nhất. Thời gian qua chúng ta đã có nhiều chính sách thu nạp, đào tạo nhân tài nhưng đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là giải thưởng thường niên vinh danh các nhà khoa học tự nhiên. Là người vừa đoạt giải nhất Nhân tài Đất Việt năm 2010, tôi thấy giải thưởng không những động viên, khích lệ các nhà khoa học mà còn cho các bạn trẻ thấy sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước và của cả cộng đồng đối với KHCN đang ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, những giải thưởng như vậy cũng chỉ là bề nổi của vấn đề. Quan trọng hơn là qua các giải thưởng phải thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự phát triển KHCN nước nhà.
Thời gian gần đây, sự đầu tư của Nhà nước dành cho KHCN có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, những chính sách đang áp dụng cho các nhà khoa học trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, đặc biệt chế độ tuyển dụng, chế độ lương, chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập. Sự bất cập đó đã diễn ra trong nhiều năm ở nhiều cấp nhưng sự cứng nhắc của cơ chế rất khó thay đổi. Ngoài những cán bộ khoa học đang làm quản lý, số còn lại làm nghiên cứu, chế độ đãi ngộ gần như không có. Tiêu chí nâng ngạch công chức của các nhà khoa học vẫn là dựa vào thâm niên công tác.
Chúng ta chưa thu hút được nhiều nhà khoa học về nước làm việc, theo tôi, chính là nằm ở chế độ đãi ngộ và sự coi trọng tri thức. Cộng đồng những nhà khoa học rất mong có sự đột phá trong những năm tới./.
(Theo: Thu Hà/Báo TNVN)