Thứ Sáu, 27/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 18/12/2010 12:1'(GMT+7)

Nhận Huy chương Vàng về nhím giống

Rời quân ngũ phục viên năm 1995, ông Hậu đưa gia đình từ Tuyên Quang lên Vĩnh Tuy lập nghiệp. Dồn hết vốn liếng, ông mua được 3 ha đất đồi và mua 1.200 cành cam giống về trồng. Thỏa sức với khát vọng làm giàu, ngày và đêm cả gia đình ông cuốc đất, lật cỏ chăm bón vườn cam. Đến năm thứ 4, vườn cam cho thu hoạch 50 tấn quả, bán được 287 triệu đồng. Có tiền, ông mua thêm 5 ha đất đồi, trồng thêm 2.000 gốc cam.

Đến năm 2004, trang trại cam của ông thu 200 tấn quả, bán được 700 triệu đồng. Có tiền, ông quyết định phát huy đồng vốn, mở mang ngành nghề. Nghe tin ở Sơn La có mô hình nuôi nhím sinh sản hiệu quả cao, ông đến tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư 84 triệu đồng mua 12 đôi nhím giống về nuôi. Sau 2 tháng, đàn nhím phát triển tốt, ông tiếp tục đầu tư 7 triệu đồng xây thêm chuồng trại và mua thêm 20 đôi (140 triệu đồng) về nuôi. Sau 1 năm, đàn nhím sinh sản lứa đầu tiên, ông xuất bán 45 đôi, thu 405 triệu đồng, năm tiếp theo bán tới 100 đôi nhím giống.

Tiền thu được từ bán nhím giống, ông Hậu tiếp tục xây thêm chuồng trại và mua thêm 10 ha đất trồng cây nguyên liệu giấy. Năm 2009, trang trại của ông Hậu có tổng thu nhập đạt 2 tỷ 630 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 1 tỷ 950 triệu đồng. Năm nay, ông đã bán được 200 đôi nhím giống với giá 15 triệu đồng/đôi, thu trên 2 tỷ đồng. Trong trại hiện vẫn còn tới 300 con nhím bố mẹ và nhím con.

Đánh giá về mô hình nuôi nhím của gia đình ông Cao Xuân Hậu, ông Hoàng Quang Phùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: Đây là mô hình điển hình trong phát triển sản xuất, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi của huyện. Thời gian tới, UBND huyện Bắc Quang sẽ có chính sách ưu đãi, khuyến khích các hộ gia đình, các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đầu tư phát triển mô hình nuôi nhím. Đồng thời tổ chức trao đổi kinh nghiệm trong các hộ nuôi nhím, cũng như tiến hành trao đổi con nhím giống bố, mẹ để tránh hiện tượng cận huyết làm thoái hóa giống.

Không chỉ biết làm giàu cho mình, ông còn cưu mang, giúp 8 hộ nghèo vay 125 triệu đồng vốn để nuôi nhím không tính lãi; giúp 3 hộ nuôi rẽ 6 đôi nhím giống trị giá 69 triệu đồng. Ông Hậu còn đóng góp 12 triệu đồng để xây dựng công trình văn hóa, mở đường thôn... Nhờ được ông giúp vốn và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nên nhiều hộ dân nơi đây đã và đang thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất