Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 29/2/2012 21:15'(GMT+7)

Đổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam

Hội thảo về đổi mới giáo dục NCL lần này tập trung vào các nội dung chủ yếu là xem xét các cơ sở lý luận và thực tiễn, tính tất yếu khách quan, thành tựu và yếu kém, đánh giá các chủ trương chính sách đã được triển khai, xem xét kinh nghiệm quốc tế, mối quan hệ công và tư trong phát triển giáo dục đào tạo, yêu cầu đổi mới, nâng cao năng lực, những kiến nghị, giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục NCL. Với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, các chuyên gia, các nhà giáo dục đều mong muốn đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục của Việt Nam.

Kể từ năm 1988, thời điểm Trung tâm đại học dân lập Thăng Long ra đời, cho đến năm 2011, cả nước có 639 trường mẫu giáo, 4.097 trường mầm non, 94 trường tiểu học, 16 trường THCS, 334 trường THPT, 91 trường TH chuyên nghiệp, 30 trường Cao đẳng và 50 trường đại học ngoài công lập. Bên cạnh hệ thống trường công lập, các trường ngoài công lập đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp xã hội hóa giáo dục, phát triển nền giáo dục Việt Nam.

Khu vực giáo dục ngoài công lập (NCL) đảm nhận giáo dục và đào tạo cho ½ số trẻ mẫu giáo, 1/3 số trẻ mầm non, 1/20 học sinh tiểu học, 1/200 học sinh trung học cơ sở, 1/10 học sinh trung học phổ thông, gần 1/3 học sinh trung cấp chuyên nghiệp, 1/5 sinh viên cao đẳng và 1/7 sinh viên đại học. Nhiều trường hoạt động tốt, có được uy tín và thương hiệu trong xã hội. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục NCL cũng đã bộc lộ những yếu kém, bất cập, “thậm chí có cả những tiêu cực” (GS. Trần Quốc Toản).

Chỉ ra những thách thức đối với hệ thống giáo dục NCL, GS.TSKH Đặng Ứng Vận, Trường ĐH Hòa Bình, cho rằng: “Nhận thức của xã hội và các cấp quản lý chưa rõ ràng, đầy đủ về vai trò, vị trí và tính chất của các trường NCL; nguồn lực và điều kiện để thực hiện mục tiêu giáo dục của hệ thống trường NCL còn hạn chế; nhiều vướng mắc trong quản lý nhà nước”.

GS. Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng Trường Đại học Thăng Long cũng cho rằng, khó khăn của hệ thống đại học NCL hiện nay là chịu sức ép từ thành kiến của xã hội đối với trường tư khiến việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn; tài chính hạn hẹp; ngân sách dành cho sinh viên mỗi năm quá ít ỏi; việc khoanh vùng, định vị cho các trường đại học NCL chưa hợp lý.

Nhiều kiến nghị, giải pháp tìm ra hướng đi mới cho giáo dục NCL đã được nêu lên tại Hội nghị. Bàn về mối quan hệ công – tư trong phát triển giáo dục – đào tạo, GS Trần Quốc Toản trình bày những quan điểm dựa trên sự nghiên cứu mô hình giáo dục của một số nước trên thế giới. GS nhận định  sự kết hợp công – tư trong tài trợ nguồn lực và trong cơ chế vận hành là một đòi hỏi thực tế khách quan làm cho hệ thống giáo dục năng động hơn, hiệu quả hơn. GS. Trần Quốc Toản nêu 3 loại hình trường NCL là: trường NCL hoạt động vì lợi nhuận, trường NCL phi lợi nhuận và NCL bán lợi nhuận. Ý kiến này nhận được sự đồng tình và tham gia thảo luận của nhiều nhà nghiên cứu giáo dục khác. GS. Phạm Phụ đồng tình và nhấn mạnh: Cần đẩy nhanh hơn, mạnh hơn giáo dục đại học và giáo dục phổ thông ở cấp 3 loại hình tư thục có sự hỗ trợ hợp lý của nhà nước. Ông cho rằng, do chính sách chưa rõ ràng trong đó có vấn đề vì lợi nhuận, không lợi nhuận, bán lợi nhuận; cũng chưa có chính sách đối với sinh viên khu vực tư thục.

GS. Lâm Quang Thiệp đặt vấn đề cần làm rõ định nghĩa loại hình Trường tư thục không vì lợi nhuận, phải đảm bảo các nội dung không chia lời; tài sản ko thuộc cá nhân ai; trong hội đồng phải có đại diện của các bên có lợi ích liên quan.

Nhiều ý kiến cho rằng, khung khổ pháp lý và cơ chế hoạt động là quyết định cho sự phát triển các trường NCL. GS. Đặng Ứng Vận, Đại học Hòa Bình và Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng NCL thì nêu khía cạnh, các trường NCL cần có mô hình quản lý mềm dẻo để đạt tới sự bình đẳng xã hội về cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Đồng thời, các trường phải tự hoàn thiện theo hướng một nhà trường xuất sắc, khẳng định thương hiệu và uy tín trong xã hội. TS. Trần Thị Bích Liễu, Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục cũng cho rằng cần chú trọng đầu tư cho nguồn nhân lực người học và đội ngũ lãnh đạo, giảng dạy của nhà trường bằng nhiều cách thức  khác nhau để tạo ra sức hấp dẫn của ngôi trường tư thục.

Một số ý kiến cho rằng, có sự phân biệt, chưa bình đẳng giữa trường công lập và ngoài công lập.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định quan điểm của Bộ GD-ĐT là không có sự phân biệt nào giữa trường công và trường tư. Trong Dự thảo Luật giáo dục đại học cũng thể hiện theo hướng như vậy.
Ông Bùi Văn Ga cho hay: Hệ thống giáo dục NCL đóng góp khoảng 20% số trường và số học sinh trên toàn quốc. Hiện nay Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học, trong đó có đề cập đến những vấn đề “nóng” của trường NCL như hoạt động vì lợi nhuận, không vì lợi nhuận, trường công và trường tư…Ông Ga cũng cho rằng, trường NCL hiện nay gặp nhiều khó khăn là do chưa có hệ thống luật hoàn chỉnh. Vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận dẫn đến hai cơ chế chính sách đầu tư khác nhau. Lâu nay chưa có sự xác định rạch ròi nên chưa có cơ chế đầu tư phù hợp. Còn có sự khác biệt về đầu tư của Nhà nước, của tư nhân, nên về lâu dài, cần có sự giải quyết cho thỏa đáng để đảm bảo sự công bằng cho người học. Ông bày tỏ tin tưởng, Luật ban hành sẽ là cơ sở, hành lang pháp lý để các trường NCL phát triển.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cảm ơn những đóng góp quý báu của các nhà nghiên cứu giáo dục, các chuyên gia trong lĩnh vực này, những người đang trực tiếp hoạt động trong khu vực giáo dục NCL. Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng khẳng định vị trí, vai trò của khối giáo dục NCL là một trong hai cánh của hệ thống giáo dục quốc dân, có tầm quan trọng như phân hệ công lập trong việc xã hội hóa giáo dục. Đặc biệt là khu vực đại học, cao đẳng rất cần sự chung vai gánh vác của hệ thống giáo dục NCL để phát triển, đảm bảo quyền lợi cho người học. Do đó, vấn đề tự chủ đại học, quyền về tự chủ phải bình đẳng giữa công lập với NCL.


''Không có “con đẻ”, "con nuôi", cơ quan nhà nước cần quản lý trên tinh thần đều là con, giúp cho giáo dục NCL mạnh lên.''

(Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng)

Thảo Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất