Những điểm mới trong tuyển sinh 2012 được hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng đánh giá tích cực, tăng quyền tự chủ cho các trường, tăng cơ hội cho các thí sinh. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến thể hiện sự băn khoăn trước những thay đổi này, có thể dẫn đến phải tiếp tục có những bổ sung, điều chỉnh.
Về việc mở rộng khối thi
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bổ sung thêm khối thi A1 với các môn thi Toán, Vật lý, tiếng Anh. Bộ yêu cầu các trường vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung khối A1 nếu thấy cần thiết và phù hợp với từng ngành đào tạo.
Đồng tình với việc mở rộng khối thi này nhưng Hiệu trưởng trường ĐH Vinh, PGS. TS Đinh Xuân Khoa kiến nghị nên đặt tên bằng một chữ cái khác cho khối thi này, chẳng hạn như khối E. Sở dĩ như vậy vì khối này thi vào đợt 1 trùng với khối A nên dễ gây nhầm lẫn trong quá trình làm hồ sơ đăng ký dự thi, lên danh sách, vào điểm thi… sau này.
Cũng liên quan đến việc mở rộng khối thi, PGS. TS. Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội lại đề xuất bổ sung thêm khối S1 trong đợt thi vào các trường năng khiếu, cụ thể khối này không thi Ngữ văn, thí sinh chỉ thi một môn năng khiếu.
Ông nêu một ví dụ: năm 2003, trong kỳ thi tuyển sinh vào trường, có một nữ nghệ sĩ nổi tiếng bị trượt đại học vì kết quả thi môn Ngữ văn kém. Nhưng cũng thật trớ trêu là ngay trong năm đó, chị đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Kể ra trường hợp này để thấy rằng có thể có những thí sinh hạn chế trong môn Ngữ văn nhưng lại rất có năng khiếu, có tài năng nghệ thuật. Chỉ vì điểm Ngữ văn kém mà các em không có cơ hội học tập, phát triển năng khiếu của mình thì chính là một sự lãng phí tài năng. Trong khi đó, có những thí sinh đỗ vào trường với điểm Ngữ văn cao nhưng điểm thi năng khiếu thấp thì trong quá trình học tập cũng có thể bị đào thải, không theo được.
- Nếu bỏ môn thi Ngữ văn, nhiều thí sinh có năng khiếu có cơ hội vào các trường đặc thù như trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Bộ đã bổ sung thêm khối A1 thì có lẽ cũng nên bổ sung thêm khối S1- TS Trần Thanh Hiệp nói.
Về thời gian xét tuyển
Với quy định mới, thời gian để các trường xét tuyển có thể kéo dài cho đến hết ngày 31- 12. Trong hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định sẽ không kéo dài đến ngày này mà kết thúc sớm hơn nhưng vẫn chưa quyết định một mốc thời gian cụ thể.
Về điểm này, PGS. TS Đinh Xuân Khoa nêu ý kiến Bộ cần quy định hạn chót các trường phải hoàn thành công tác công tác tuyển sinh, không nên kéo quá dài, ví dụ như tối đa đến hết tháng 10 là các trường phải hoàn thành. Nếu như cứ kéo dài đến hết năm như thế, các trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc lên kế hoạch niên học, phân lớp. Về phía sinh viên, cũng sẽ gặp nhiều trở ngại so với các bạn cùng khóa đã nhập học trước đó đến cả một học kỳ.
PGS.TS Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng trường ĐH Quy Nhơn cũng cho rằng, thời gian xét tuyển nếu đến 31- 12 là quá dài. Đã thế việc xét tuyển lại không theo đợt chung mà tùy từng trường (có thể tổ chức nhiều đợt) thì hồ sơ ảo sẽ gia tăng. Khi đó, chi phí tuyển sinh của các trường tăng lên, trong khi đó, khả năng không tuyển đủ chỉ tiêu vẫn có thể xảy ra.
Cũng cùng quan điểm trên, PGS. TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng cần quy định một mốc thời gian cụ thể cho việc kết thúc tuyển sinh. Tăng thời gian xét tuyển tạo điều kiện cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu, tăng cơ hội cho thí sinh nhưng kéo dài quá lại tác động đến việc sắp xếp năm học, gây nên sự lộn xộn. Ông đề nghị không để kéo dài đến tận 31- 12 vì ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của nhà trường, kể cả các trường đào tạo theo tín chỉ.
Về quy định các trường ĐH không đào tạo hệ trung cấp
Quy định trường đại học không đào tạo hệ trung cấp được hầu hết các trường tán thành, đặc biệt là các trường cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, vẫn có một số trường đại học ở các tỉnh, các trường đại học mới thành lập và có tính đặc thù tỏ ra băn khoăn về thay đổi này.
GS.TS Nguyễn Văn Đính, Hiệu trưởng trường ĐH Hà Tĩnh cho rằng không cho các trường đại học đào tạo hệ trung cấp là một sự bất hợp lý. Điều này có thể đúng khi áp dụng ở các trường đại học lớn nhưng đối với các trường đại học địa phương thì bất cập.
Ví dụ như trường đại học Hà Tĩnh vốn được thành lập trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp ba đơn vị: trường Cao đẳng sư phạm Hà Tĩnh, trường Trung học Kinh tế Hà Tĩnh và Phân hiệu trường ĐH Vinh tại Hà Tĩnh. Đang là trường đào tạo đa cấp, giờ không được đào tạo hệ trung cấp nữa, những con em trong tỉnh nếu có nhu cầu thì lại phải đi tỉnh khác học trong khi năng lực nhà trường đáp ứng được. Điều đó gây khó cho cả nhà trường cũng như thí sinh và là một sự lãng phí!
TS Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Học viện Âm nhạc TP Hồ Chí Minh cũng cho là không hợp lý khi quy định bỏ hệ đào tạo trung cấp ở các trường ĐH. Có lẽ Bộ chưa tính đến đặc thù của các trường khối nghệ thuật. Khối văn hóa nghệ thuật có nhiều trường đào tạo hệ trung cấp, trước đây là 11 năm, giờ chỉ còn 9 năm. Hệ trung cấp chính là nguồn tuyển sinh đại học của trường. Bỏ hệ trung cấp thì Nhạc viện Âm nhạc TP Hồ Chí Minh không có nguồn thi đại học.
Bên cạnh những hệ lụy về nguồn tuyển sinh, về sự lãng phí trong năng lực đào tạo thì một số trường đại học có đào tạo trung cấp cũng gặp phải một vấn đề nan giải là bố trí việc làm cho những giảng viên là cử nhân đang giảng dạy các lớp trung cấp.
Quan điểm của TS Hương nhận được sự đồng tình của PGS. TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế. Ông cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định riêng về vấn đề này cho các trường khối ngành năng khiếu.
Về việc mở thêm cụm thi
Hoan nghênh việc Bộ quyết định cho phép thí sinh dự thi tại cụm thi Vinh (Nghệ An) đăng ký học các trường đại học đóng tại TP Hồ Chí Minh nhưng PGS. TS Đinh Xuân Khoa cũng kiến nghị Bộ có quy định về trách nhiệm của các trường có thí sinh thi tại cụm thi này. Ông cho rằng, các trường tại TP Hồ Chí Minh hoặc ủy quyền cho trường ĐH Vinh hoặc phải cử người ra làm công tác tổ chức coi thi.
Đồng quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng trường ĐH Quy Nhơn, trưởng cụm thi Quy Nhơn (Bình Định) cũng nhấn mạnh đến ý thức chia sẻ trách nhiệm của các trường có thí sinh thi tại các cụm thi trong việc phối hợp thực hiện kỳ thi tuyển sinh.
Theo Nhân dân