Thứ Hai, 9/12/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Ba, 23/8/2022 22:36'(GMT+7)

Đội ngũ trí thức góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển bền vững của Hậu Giang

Tọa đàm truyền hình trực tiếp với chủ đề “Đột phá phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang”

Tọa đàm truyền hình trực tiếp với chủ đề “Đột phá phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang”


TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ 3 NHÓM MỤC TIÊU

Xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng

Trong 15 năm qua, đội ngũ trí thức của Hậu Giang tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ về số lượng, nâng cao về chất lượng và đã có những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của Tỉnh.

Tính đến tháng 6/2022, tổng số đội ngũ trí thức của tỉnh là 18.295 người (trong đó nữ là 6.055 người, chiếm 33,09%), tăng 3.453 người so năm 2008 (14.842 người) trong đó: trình độ Tiến sĩ và tương đương là 71 người, tăng 70 người so năm 2008 (1 người); Thạc sĩ và tương đương là 887 người, tăng 746 người so năm 2008 (141 người); cao cấp và cử nhân chính trị là 2.262 người tăng 1.867 người so năm 2008 (395 người); trung cấp chính trị là 8.793 người, tăng 7.020 người so năm 2008 (1.773 người). Với đội ngũ trí thức (cán bộ, công chức, viên chức) hiện nay, cơ bản thực hiện được yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh.

Đội ngũ trí thức tích cực tham gia công tác quản lý, lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể; phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm; đóng góp tích cực vào việc xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập  quốc tế.

Đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức ở Hậu Giang.

Đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức ở Hậu Giang.

Các cơ sở giáo dục - đào tạo của Trung ương trên địa bàn và của tỉnh đã góp phần rất quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu, ứng dụng nhiều đề tài khoa học góp phần thiết thực nâng cao dân trí, trình độ khoa học và công nghệ. Tỷ lệ đội ngũ trí thức tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng tăng; nhiều cán bộ vừa tham gia công tác quản lý, vừa nghiên cứu khoa học; trong sản xuất và đời sống, đội ngũ trí thức luôn phát huy vai trò quan trọng, kịp thời tiếp cận, làm chủ và ứng dụng có kết quả thành tựu khoa học vào sản xuất và đời sống. Đội ngũ trí thức ngành y tế đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân góp phần cải thiện đáng kể các chỉ số sức khỏe cộng đồng (tỉnh đạt 6,8 bác sỹ/1 vạn dân) nhất là chủ động trong triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài. Đội ngũ trí thức trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các ban, sở, ngành tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của tỉnh; riêng đội ngũ thầy cô giáo, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã có một số công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ có giá trị trong sản xuất và cuộc sống. Đội ngũ trí thức ở các doanh nghiệp cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có hàng trăm công trình cải tiến kỹ thuật, dây chuyền công nghệ được áp dụng vào sản xuất kinh doanh, đem lại lợi ích hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Sự gắn bó giữa trí thức với Đảng và Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí:

Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đều xác định vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp phát triển bền vững của địa phương, từ đó luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của đơn vị, địa phương ngày càng vững mạnh.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật trong xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động tư vấn, phản biện và giám sát xã hội trong đó đội ngũ trí thức là những thành viên tích cực tham gia.

Các hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, trí thức, doanh nghiệp được tổ chức định kỳ và đột xuất theo yêu cầu thực tiễn của từng đơn vị, địa phương trong những năm qua đã tạo được mối gắn kết chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền và công - nông - trí, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực cho thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng bộ tỉnh.

Tăng cường triển khai các cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ trí thức

Tỉnh đã thực hiện đầy đủ các chính sách cho đội ngũ trí thức theo các văn bản chỉ đạo của bộ, ban ngành Trung ương; xây dựng và từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh theo từng giai đoạn: 2010 - 2015, 2015 - 2020, 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Chỉ đạo đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo từng giai đoạn cho phù hợp với tình hình thực tiễn về trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Tỉnh.

Riêng trong năm 2022, Tỉnh ủy đã ban hành 5 văn bản quan trọng để tập trung cho phát triển nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ trí thức: (1) Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 1/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; (2) Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 1/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”; (3) Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 1/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; (4) Quy định số 1120-QĐ/TU, ngày 1/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Quy định bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”; (5) Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 13/7/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tỉnh Hậu Giang có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức tốt; có khát vọng, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ”.

Trong 15 năm qua, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, dạy nghề, khoa học và công nghệ, văn hóa, văn nghệ, thực hiện nghiêm các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài hoạt động trên địa bàn tỉnh. Về cơ bản các lĩnh vực này đều có những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức hoạt động, phát huy tài năng, sáng tạo góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển của đơn vị, địa phương.

Các gian hàng trưng bày các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ

Các gian hàng trưng bày các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ tại Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022

 TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ 5 NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức 

Hậu Giang đã rất quan tâm lãnh đạo việc cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, xây dựng cơ chế hợp lý, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh; quan tâm cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học; áp dụng hình thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thông qua hình thức này, các ban, sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ, yêu cầu phát triển của ngành, địa phương đề xuất đặt hàng các vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực thi quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, sáng kiến khoa học kỹ thuật; chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế quản lý và phương thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tạo được không khí đổi mới và môi trường cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, khách quan đối với các chủ thể tham gia hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Qua đó, đội ngũ trí thức thực hiện nhiều đề án, đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng có giá trị phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với nhiều giải pháp sáng tạo giải quyết được những vấn đề mới phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh mạnh; góp phần tích cực việc  cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định những chủ trương, chính sách ở địa phương.

Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức

Công tác cán bộ của tỉnh được quan tâm đổi mới qua từng nhiệm kỳ, từng thời điểm để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; trách nhiệm của các cơ quan quản lý cán bộ, nhất là cán bộ trí thức được quy định trong chức năng nhiệm vụ của đơn vị rất chặt chẽ; thực hiện đúng chủ trương phân cấp và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ.

Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để thu hút, trọng dụng trí thức đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển địa phương; thực hiện đầy đủ các chính sách bảo đảm để trí thức được hưởng đầy đủ quyền lợi v vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình; động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức có trình độ, năng lực và sức khỏe đã hết tuổi lao động để hoạt động trong các Hội nghề nghiệp.

Nhằm khuyến khích đội ngũ trí thức học tập nâng cao trình độ và thu hút, tập hợp trí thức làm việc tại tỉnh và tham gia hiến kế, nghiên cứu khoa học, Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy định về chế độ đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài; trong tuyển dụng công chức, viên chức, Tỉnh ưu tiên đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi.

Trong quản lý, bố trí công tác cho trí thức, các cấp ủy, chính quyền có nhiều phương thức quản lý phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để trí thức phát huy năng lực, tài năng sáng tạo. Hằng năm cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cấp huyện đã tổ chức họp mặt nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán, để lắng nghe, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của trí thức, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, nhiều nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sỹ được tuyên dương, khen thưởng vì đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 10/2012/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang; Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc Ban hành Quy định về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang; Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học và thu hút nhân lực tỉnh Hậu Giang. Theo đó, mỗi cán bộ, công chức được đào tạo theo quy hoạch thưởng sau khi có bằng Thạc sỹ là 70.000.000đ/1 người, Bác sĩ chuyên khoa I 50.000.000đ/1 người, có Bằng tiến sĩ là 100.000.000đ/người, Bác sĩ chuyên khoa II 80.000.000đ/1 người. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thu hút 321 trường hợp về Tỉnh công tác (trong đó, có 38 trường hợp tốt nghiệp sau đại học về tỉnh công tác theo yêu cầu; 90 trường hợp sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc về công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; 10 trường hợp tốt nghiệp đại học về công tác tại các xã trên địa bàn Tỉnh).

 

Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức

Thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2010 - 2020; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tỉnh đã quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, đổi mới cơ cấu hệ thống, xây dựng chương trình và đổi mới phương pháp đào tạo nhất là trong các cơ sở đào tạo như: Trường Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo, mỗi năm Tỉnh đều dành ngân sách khoảng 30 tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; thực hiện tốt việc đưa cán bộ, học sinh, sinh viên có đạo đức và triển vọng đi đào tạo ở nước ngoài để phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương theo đề án của tỉnh và các chương trình học bổng.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tại buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2021

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tại buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2021



Nhằm tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo bồi dưỡng đội ngũ trí thức của Tỉnh, sau các kỳ đại hội Đảng bộ, Tỉnh đều xây dựng nghị quyết, chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực để phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Tỉnh. Các nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách này đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị,… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm trong tình hình mới; tạo được sự chuyển biến trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ cán bộ quản lý từ cấp tỉnh đến cơ sở, đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã đào tạo được 12.980 trường hợp nâng cao về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị; hằng năm, bồi dưỡng cho khoảng 20.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn, chức danh đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, vị trí việc làm, chức danh quy hoạch, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ...

Nâng cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức

Các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức hội nghị học tập, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy; tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép vào nội dung hoạt động của tổ chức Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp; tuyên truyền qua các nền tảng internet... Qua đó, giúp trí thức kịp thời nắm vững các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của đất nước, của địa phương. Tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao lòng yêu nước, trau đồi đạo đức, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của trí thức Hậu Giang. Tạo điều kiện để trí thức đi đầu trong việc truyền bá những tri thức tiến bộ trong cộng đồng, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ đó vào sản xuất và đời sống, góp phần thiết thực nâng cao dân trí.

Quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Tỉnh quan tâm củng cố, kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Từ đó hoạt động của các Hội này ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng, phát huy tích cực vai trò của trí thức và văn nghệ sĩ trong xây dựng văn hóa đời sống xã hội ngày càng phát triển.

Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với đội ngũ trí thức

 Định kỳ hằng năm và trong các đợt tiếp xúc cử tri, tỉnh tổ chức những cuộc tọa đàm, gặp gỡ trí thức, lắng nghe ý kiến của trí thức về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm, tạo điều kiện để trí thức phát huy tài năng và đánh giá đúng kết quả hoạt động của trí thức cho sự nghiệp phát triển chung của Tỉnh. Trong quản lý, sử dụng trí thức, các cấp ủy, chính quyền có nhiều phương thức quản lý phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để trí thức phát huy năng lực bản thân, nhất là trong việc thảo luận, trao đổi giữa trí thức và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã cởi mở, dân chủ hơn. Các vấn đề quan trọng được bàn bạc, thống nhất, đặc biệt là trong tham mưu, hoạch định chiến lược, xây dựng các đề án, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chính là cầu nối tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng bộ, chính quyền với Nhân dân.

TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC HẬU GIANG

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển đội ngũ trí thức Hậu Giang, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nhân lực chất lượng cao; tỉnh cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ  và giải pháp trọng tâm sau

Trước hết, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với: công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ trí thức

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với phương pháp, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn để nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Hai là, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến đội ngũ trí thức; rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách phát triển, xây dựng thu hút, đãi ngộ đội ngũ trí thức của tỉnh; tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hiện hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và xây dựng đội ngũ trí thức của Tỉnh.

Ba là, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý đội ngũ trí thức để tạo động lực, phát huy năng lực sáng tạo của cán bộ trí thức; giúp cho đội ngũ trí thức được hưởng những chế độ, chính sách phù hợp với năng lực và sở trường công tác; khuyến khích đội ngũ trí thức trong nghiên cứu sáng tạo, tôn vinh đối với đội ngũ trí thức xứng đáng với chất xám mà họ bỏ ra cho các công trình nghiên cứu, cho các sáng kiến đổi mới sáng tạo.

Bốn là, tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền đối với đội ngũ trí thức, xem đây là nhiệm vụ có tính chiến lược trước mắt và lâu dài trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức của các ngành, các cấp, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ quản lý; thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ trí thức gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.

Năm là, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài; chú trọng công tác bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ là trí thức một cách hợp lý; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức phụ trách theo từng vị trí việc làm nhằm phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực công tác.

Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển đội ngũ trí thức. Xây dựng cơ chế, chính sách tăng cường huy động các nguồn đóng góp từ xã hội cho phát triển đội ngũ trí thức; đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế về phát triển đội ngũ trí thức. Tăng cường hợp tác liên kết đào tạo đội ngũ trí thức giữa các Trường Đại học, Cao đẳng của tỉnh với các Trường Đại học, Cao đẳng của các tỉnh, thành.

Bảy là, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, tạo môi trường thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trình độ tri thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, tính tích cực xã hội, cống hiến trí tuệ, khai thác có hiệu quả nguồn chất xám, nhất là đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, phục vụ tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng và thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tiếp tục động viên, phát huy tài năng của những trí thức có trình độ cao, có năng lực cho sự phát triển của tỉnh.

Có chính sách khen thưởng hợp lý, vinh danh đội ngũ trí thức một cách xứng đáng, nhằm động viên, phát huy tài năng, sức sáng tạo và thể hiện tính trách nhiệm của bản thân trong công việc./.

 

Lê Công Lý

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất