(TCTG) Hưởng ứng Chương trình “Đối thoại trực tuyến 1000 năm Thăng Long – Hà Nội – Những giá trị truyền thống” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, trong tuần qua, hơn 200 câu hỏi đã được bạn đọc trong và ngoài nước gửi tới Ban tổ chức.
Buổi “Đối thoại trực tuyến 1000 năm Thăng Long – Hà Nội – Những giá trị truyền thống” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng nay,18/10/2009. Tham gia cuộc đối thoại có , Nhà sử học, PGS Lê Văn Lan; GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; đại diện một số cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội.
Chương trình “Đối thoại” nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội trong quá trình phát triển với tư cách là Thủ đô – Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa …của cả nước.
Trong quá trình giao lưu trực tuyến, nhiều câu hỏi tiếp tục được gửi về cho Ban tổ chức. Sau hơn 3 giờ đồng hồ giao lưu, nhiều câu hỏi được đặt ra rất cụ thể, sâu sắc và sinh động về :
- Nguyên nhân Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra kinh Thành Thăng Long?
- Lý Thái Tổ, Vương Triều Lý và nhân dân Đại Việt đã củng cố, xây dựng Hoàng Thành Thăng Long cho sự phát triển của đất nước như thế nào?
- Về dấu tích của 3 vòng Hoàng Thành Thăng Long; sự ra đời và tồn tại của Chùa Một Cột; sự hình thành của “Thăng Long tứ trấn”; sự ra đời và phát triển của các tên “Hà Nội” trong lịch sử dân tộc ? …
- Những tài năng, nhân kiệt đã giúp Lý Công Uẩn định Đô ở Thăng Long và những nhân tài nổi bật đã có công lớn trong công cuộc kháng chiến của Thăng Long – Hà Nội?
- Sự phát lộ và giá trị kiến trúc – lịch sử của Hoàng Thành Thăng Long…
Các nhà sử học, nhà khoa học tham gia buổi giao lưu trực tuyến rất cảm kích, xúc động trước các câu hỏi được đặt ra; đồng thời với tình cảm, sự trân trọng, các ông đã phân tích, giải đáp khá cặn kẽ, dễ hiểu sự hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội trên nhiều lĩnh vực về cấu trúc; về truyền thống văn hóa, truyền thống oanh liệt trong dựng nước và giữ nước qua các triều đại; và cả về những di tích cụ thể mang đậm dấu ấn của Thăng Long – Hà Nội trong tiến trình lịch sử của dân tộc...Mặc dù đã sắp 12 giờ trưa, nhưng một số bạn trẻ vẫn say sưa xin được hỏi những vấn đề mình quan tâm và được các Nhà khoa học nhiệt tình giải đáp một cách thỏa đáng.
Cũng như các hoạt động tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội, qua buổi Đối thoại trực tuyến “Thăng Long - Hà Nội -Những giá trị truyền thống”, của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, một lần nữa chúng ta thấy nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ ngày càng quan tâm tới lịch sử hào hùng của dân tộc và hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ngọc Lê