Làm gì để “gỡ rối” cho hơn 350.000 doanh nghiệp này chính là chủ đề mà các nhà lãnh đạo và chuyên gia kinh tế trong nước ngồi lại thảo luận và đưa ra giải pháp vào sáng 18/12 tại Đà Nẵng.
“Bơi” trong “bão”
Theo ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Cục Phát triển DNNVV (Bộ KH&ĐT): Thiếu vốn khó tiếp cận đất đai, mặt bằng, công nghệ lạc hậu, quản trị DN yếu kém, thị trường nhỏ và một loạt các khó khăn khách quan khác là những nguyên nhân khiến các DNNVV gặp phải không ít khốn đốn trong tình hình hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Tô Hoài Nam (Bộ KH &ĐT) đã dùng chữ “bơi” trong “bão” để chỉ thực trạng này.
Theo ông Nam, trong khi DNNVV rất cần ngân hàng làm đòn bẩy để khôi phục sản xuất thì dường như đối tượng này lại quay lưng với họ. Vấn đề này được nhìn nhận ở cả 2 phía “cầu vốn” và “cung vốn”. Trong đó, thiếu tài sản thế chấp đã là trở ngại lớn nhất làm các DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Thậm chí với định kiến sẵn có của ngân hàng, mỗi khi họ vay thường phải trải qua qui trình phức tạp, nghiêm ngặt với lãi suất cao, kỳ hạn ngắn. Đặc biệt, trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua, xuất khẩu gặp khó, đã khiến nhiều DNNVV lao đao.
Lý do này được ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội - chi nhánh Đà Nẵng (MB Đà Nẵng) phân trần: “Năm 2008, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngân hàng vì thế cũng hạn chế cho vay để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát khiến các DNNVV khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Hơn nữa, về phía các DNNVV hiện nay, do phát triển quá nhanh nên có nhiều khó khăn như thiếu chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, ít vốn, nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ. Còn về phía ngân hàng, do là lĩnh vực hoạt động nhạy cảm vừa chứa đựng nhiều rủi ro nên ngân hàng có những quy định chặt chẽ, thận trọng cung cấp dịch vụ nhằm kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng.
Bên cạnh đó, lãi suất huy động đầu vào của ngân hàng thời gian qua khá cao, nên khi lãi suất huy động giảm, ngân hàng cũng chưa thể giảm ngay tức thì cho DN mà phải bù đắp chi phí lúc lãi huy động cao, tránh thua lỗ, do vậy việc tiếp cận vốn lãi suất ưu đãi thấp của các DNNVV bị hạn chế... Điều này khiến cho DNNVV và ngân hàng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để gỡ khó cho cả hai bên.
Thực tế này được ông Nam nhận định như một “cái vòng luẩn quẩn” vây lấy các DNNVV, cụ thể: Thiếu tài chính dẫn đến khó khăn trong tiếp cận đất đai, mặt bằng để sản xuất kinh doanh, từ đó kéo theo công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh kém, thiếu thông tin và khả năng tiếp cận thông tin và đây cũng chính là lý do không đủ sức thuyết phục ngân hàng để có thể tăng tiềm lực tài chính, mở rộng kinh doanh.
Tạo “đòn bẩy” từ ngân hàng
Vấn đề then chốt nhất với các DNNVV trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay vẫn là có vốn để duy trì và mở mang sản xuất, sau đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì thế, theo ông Tô Hoài Nam, để tự cứu mình, các DNNVV phải tìm các giải pháp từ chính “phía cầu” và “phía cung” với các ngân hàng. Muốn thế, các doanh nghiệp này cần tìm hiểu các nguồn tài chính khác ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đồng thời cần đưa ra các kế hoạch kinh doanh tốt.
Đây là những việc cần thiết để chủ động nguồn vốn sản xuất. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần phải coi DNNVV là khách hàng quan trọng, đơn giản hoá quy trình cho vay, cung các các dịch vụ đào tạo cho đối tượng này. Mặt khác, việc lập quĩ phát triển DNNVV cũng rất cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Đông cho rằng, về lâu dài cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải nâng cao năng lực hoạt động của mình về vốn. Để huy động được tiềm lực tài chính, trước mắt ngân hàng và doanh nghiệp phải luôn chia sẻ, bàn bạc những thuận lợi và khó khăn trong từng phương án và ý tưởng kinh doanh; đặc biệt, phải đề cao tính minh bạch về tài chính, hoạt động kinh doanh, trung thực và chuyên nghiệp trong hoạt động để tạo uy tín cho đối tác; công tác chủ động dự báo, phân tích chuẩn bị cho các kế hoạch là vô cùng quan trọng đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Ông Đông nhấn mạnh: Đơn vị này tiếp tục tăng cường quan hệ khách hàng, đảm bảo thanh khoản, mạnh dạn hợp tác với các DNNVV. Dự kiến năm 2009, MB sẽ dành thêm 2.000 tỷ đồng cho các DNNVV vay, chiếm 35% tổng dư nợ tín dụng của MB, nhằm tạo sự chuyển biến cho các doanh nghiệp trước những thách thức mới.
Hiện có trên 350.000 DNNVV với tổng số vốn khoảng 85 tỷ USD, hàng năm đóng góp hơn 40% cho GDP, tạo ra 50% việc làm mới, 78% mức bán lẻ, 33% giá trị sản lượng công nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của DN này là nguồn tài chính thiếu. |
Nguyễn Huy (Báo Tiền Phong)