Thứ Năm, 22/8/2013 17:48'(GMT+7)
Đồn Biên phòng Nà Bủng - Điểm tựa vững chắc trong lòng dân
(TG)- Đồn Biên phòng Nà Bủng (huyện Nậm Pồ), với nhiệm vụ quản lý 36 km đường biên, 14 mốc giới, giáp với huyện Phong Xa Ly (CHDCND Lào). Làm theo lời Bác dạy, vượt lên muôn ngàn gian khó, tập thể cán bộ chiến sỹ gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc, cùng chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ biên cương thân yêu của Tổ quốc.
Thiếu tá, Chính trị viên phó Đào Xuân Thuận - người gắn bó với Đồn Nà Bủng từ khi thành lập tháng 7/2011 anh cho biết: Địa bàn đơn vị phụ trách là 2 biên giới: Nà Bủng và Vàng Đán đặc biệt khó khăn. Với diện tích trên 16.000 ha, gần 1.200 hộ, trên 7.000 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. 11/15 bản ở cách trung tâm xã đi bộ từ 2 đến 5 giờ đồng hồ. Hơn nửa số dân theo đạo: Thiên chúa và Tin Lành. Ngược dòng thời gian tháng 5/2011, một số hộ dân nhẹ dạ cả tin về Bản Huổi Khon (xã Nậm Kè) để "đón đợi vua Mông, cùng được bay lên trời, lên đến trời thì vô cùng sung sướng". Không đón được "vua", bởi sự lừa phỉnh, từ Huổi Khon về, họ chỉ còn hai bàn tay trắng, cùng sự hoang mang tột độ về sinh kế, bởi nhà cửa, trâu bò, thóc, ngô... họ đã bán đổ, bán tháo trước lúc ra đi. Để ổn định bước đầu cho các hộ trở về, Đồn cùng địa phương vận động nhân dân giúp đỡ thóc ngô, quần áo, chăn màn, trâu bò, giống lúa để họ dần ổn định tư tưởng, tiếp tục lao động sản xuất.
Công tác ở vùng dân tộc phải nói được tiếng dân tộc và nắm được phong tục tập quán, đời sống văn hoá của đồng bào để tuyên truyền vận động có hiệu quả là yêu cầu cần thiết. Vì vậy, đơn vị đã tổ chức lớp học tiếng Mông cho cán bộ chiến sỹ. Phối hợp cùng già bản, trưởng dòng họ người có uy tín cùng làm công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức học: Luật Biên giới, Quy chế khu vực biên giới, Luật phòng chống ma tuý trong nhân dân và tiến hành chiếu băng hình “Bình yên Nà Bủng” cho đồng bào xem. Nội dung phóng sự là lời tự thú về sự sai lầm, nhẹ dạ cả tin của 16 đối tượng bị kích động do Giàng A Dinh cầm đầu. Đồng thời chính họ đã kể lại những ngày khốn khổ ở Huổi Khon, lên tiếng tố cáo, vạch trần thủ đoạn của các lực lượng phản động bên ngoài đã lôi kéo xúi dục họ.
Thực hiện “3 bám, 4 cùng” bằng việc làm cụ thể, đơn vị đã phân công 23 đội trưởng, đội phó, đảng viên xuống phụ trách trực tiếp giúp đỡ đồng bào ở 15 bản. Để nhân dân dần từng bước thoát nghèo, người lính quân hàm xanh sát cánh hướng dẫn đồng bào cách khai hoang làm ruộng bậc thang trồng lúa nước, cách chăn nuôi trâu bò, sử dụng giống mới lúa, ngô, đậu tương. Từ đó để đồng bào định canh, định cư, hạn chế việc đốt phá rừng làm nương trái phép. Đồn đề nghị Bộ chỉ huy Bộ độ Biên phòng tỉnh cấp 10 con bò giống cho 10 hộ khó khăn nhất để chăn nuôi. Sau khi bò mẹ sinh nghé thì chuyển giao cho các hộ gia đình khác nuôi để sinh sản. Đơn vị chủ động cùng các đoàn thể: Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu Chiến binh, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Trạm Khuyến nông Khuyến lâm, vay vốn ngân hàng mua cây, con giống và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Vì vậy mỗi năm toàn xã giảm được 4 - 5% hộ nghèo. Vận động các doanh nghiệp giúp xã làm đường ống nước sạch phục vụ sinh hoạt dài 1 km và làm nhà 6 gian cho trường Tiểu học số 1. Chăm lo bảo vệ sức khoẻ cho đồng bào, cán bộ quân y của Đồn thường xuyên phối kết hợp với Trạm quân dân y Phúc An và Trạm Y tế xã khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh bệnh, vệ sinh thôn bản, ốm đau dùng thuốc, không tin thầy mo, thày cúng. Vận động phụ nữ Mông khi sinh ra trạm xá...
Cùng với nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo phát triển kinh tế - xã hội, Đồn cùng cấp uỷ, chính quyền xã đã xây dựng chương trình công tác, quy chế hoạt động, duy trì nền nếp giao ban của Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; Chọn cử 65 đoàn viên ưu tú học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng để tạo nguồn cho công tác cán bộ; Phát triển 25 đảng viên mới ở những thôn bản chưa có đảng viên. Hướng dẫn, tổ chức các đoàn thể đi vào hoạt động thường xuyên hiệu quả và kết nạp 256 đoàn viên thanh niên...
Với nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ đường biên mốc giới,cấp uỷ, chỉ huy Đồn phối hợp với cấp uỷ chính quyền, giáo dục nhân dân ý thức bảo vệ chủ quyền đường biên mốc giới quốc gia. Xây dựng, duy trì hoạt động 30 tổ bảo vệ đường biên mốc giới và tổ an ninh thôn bản. Nhân dân tự nguyện đăng ký tham gia cùng Đồn bảo vệ mốc giới, đường biên. Đồng thời phát hiện, cung cấp cho đơn vị nhiều nguồn tin về an ninh trật tự và tội phạm về buôn bán ma tuý... Làm theo lời Bác Hồ dạy, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nà Bủng đã vượt lên muôn vàn gian khó, hoàn thành nhiệm vụ. Hình ảnh anh bộ đội biên phòng đã toả sáng nơi biên cương, trở thành điểm tựa vững chắc trong lòng dân./.
Đỗ Quang Khải