Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 28/7/2009 21:50'(GMT+7)

Đông Á-nơi khởi đầu của sự phục hồi

Những công-ten-nơ hàng chờ xuất khẩu từ cảng Bu-xan của Hàn Quốc, nơi các chỉ số xuất khẩu đã vượt chỉ số nhập khẩu từ tháng 6-2009. Ảnh: AFP

Những công-ten-nơ hàng chờ xuất khẩu từ cảng Bu-xan của Hàn Quốc, nơi các chỉ số xuất khẩu đã vượt chỉ số nhập khẩu từ tháng 6-2009. Ảnh: AFP


Mới đây nhất, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pa-xcan La-my cho biết, tốc độ sụt giảm thương mại do ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng thế giới đã bắt đầu chậm lại, đặc biệt là kinh tế khu vực châu Á, với sự phục hồi mạnh mẽ của các đầu tàu như Hàn Quốc, Trung Quốc... đã cho thấy, nơi khởi đầu của sự phục hồi đến từ khu vực Đông Á.

Nhận định trên của Tổng giám đốc WTO cũng trùng với báo cáo định kỳ 6 tháng công bố ngày 24-7 đánh giá về tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra. Theo báo cáo của ADB, Đông Á đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ suy thoái tới phục hồi và quá trình này có thể diễn ra theo hình chữ V, trong đó tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) chủ yếu nhờ vào tác dụng của các gói kích thích kinh tế trong nước hơn là nhu cầu tiêu dùng từ bên ngoài.

Cụ thể, kinh tế Trung Quốc trong quý II đạt mức tăng trưởng 7,9% so với 6,1% trong quý I, trong khi đó kinh tế Xin-ga-po cũng được dự đoán chỉ giảm 3,7%, so với mức giảm 10,1% trong quý trước. Tại Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam... tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng có nhiều dấu hiệu tích cực. Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng ở nhiều nước trong khu vực Đông Á nói chung đã tăng đều trong 3 tháng quý II-2009.

Theo báo cáo trên, tăng trưởng kinh tế ở Đông Á đã giảm mạnh trong quý I-2009, nhưng đến quý II tốc độ giảm đã chậm lại rõ rệt. Cụ thể, GDP của những nền kinh tế mới nổi chính ở Đông Á trong 3 tháng đầu năm 2009 chỉ giảm 1,2%, so với mức giảm 2,6% trong quý IV-2008 và trái ngược hoàn toàn với mức tăng 8,5% trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, quý II năm nay tình hình đã khả quan hơn nhiều. Các số liệu kinh tế chủ chốt cho thấy, sự sụt giảm của kinh tế Đông Á đang chậm lại và có thể đã vượt qua "điểm đáy".

Theo nhận định của ADB, nhiều biện pháp quyết liệt nhằm làm chậm lại tốc độ lạm phát trong toàn khu vực của chính phủ các nước đã giúp chính phủ các nước Đông Á tiếp tục nới lỏng các chính sách tài chính và tiền tệ. Ví dụ, trong nửa đầu năm 2009, giá cả ở Trung Quốc giảm trung bình 1,5%; tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam trong tháng 6 giảm xuống còn 3,9% so với mức đỉnh 28,3% hồi tháng 8-2008. Nhờ đó, ngân hàng trung ương các nước đã có thể áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như áp dụng một loạt các biện pháp tài chính khác để làm tăng khả năng thanh toán bằng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng và khuyến khích các ngân hàng mở rộng cho vay.

Trong khi Mỹ và các nền kinh tế trong khu vực EU vẫn đang chìm trong khó khăn do ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới thì Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực ASEAN... đang cho thấy sức mạnh thực sự của khu vực Đông Á với 3 đầu tàu lớn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thành viên khác của ASEAN. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc cho biết, với nền tảng tăng trưởng như trong quý II-2009, chắc chắn Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 8% trong cả năm nay. Giới phân tích đánh giá các chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay của Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu điều chỉnh cơ cấu kinh tế dài hạn và bền vững. Triển vọng trên đang được củng cố bởi những tín hiệu tích cực trong việc thu hút đầu tư khi có tới 240 công ty đa quốc gia được hỏi nói rằng Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đứng trên cả Mỹ, Ấn Độ, Bra-xin và Nga.

Còn tại Nhật Bản, lần đầu tiên đánh dấu mức tăng trở lại của thặng dư thương mại sau hơn 20 tháng liên tiếp suy giảm. Trong tháng 6-2009, thặng dư thương mại của Nhật Bản đạt 508 tỉ yên (tương đương 5,4 tỉ USD), tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước, mở ra triển vọng phục hồi cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Hàn Quốc cũng "thi đua" với hai người hàng xóm trong khu vực khi GDP quý II-2009 tăng 2,3% so với quý I-2009. Chỉ số chứng khoán Kospi tăng 34% kể từ đầu năm 2009, chi tiêu dùng cũng tăng 3,3% so với quý trước, mức cao nhất trong gần bảy năm qua. Xuất khẩu tăng 14,7%, cũng là con số tăng lớn nhất trong gần sáu năm qua. Đây là quý tăng trưởng nhanh nhất kể từ khi kinh tế Hàn Quốc tăng 2,6% trong quý IV-2003.

Giải thích nguyên nhân của sự phục hồi này, hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, hài hòa thị trường trong nước và khu vực chính là chỗ dựa vững chắc để các nền kinh tế Đông Á "thoát hiểm" và tiếp tục tăng trưởng./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất