Thứ Sáu, 29/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 1/10/2008 19:57'(GMT+7)

Thôn công giáo nhớ ơn Bác Hồ

Bức tranh gốm Bác đứng nói chuyện với đồng bào Công giáo Thạch Bích tại Đền Thánh Antôn.

Bức tranh gốm Bác đứng nói chuyện với đồng bào Công giáo Thạch Bích tại Đền Thánh Antôn.

Vừa qua, bà con giáo dân cùng nhân dân địa phương xây nhà bia tưởng niệm Bác về thăm năm 1959. Cùng với việc này, linh mục xứ còn phối hợp với chính quyền địa phương mở con đường vào nhà thờ chính xứ thẳng hơn, to rộng hơn đáp ứng việc đi lại, sinh hoạt tôn giáo thuận lợi hơn.

Lãnh tụ tối cao mà sao gần dân đến thế !

Nỗi buồn lớn nhất đối với đồng bào Công giáo miền Bắc trong những năm năm mươi của thế kỷ trước là lòng đạo đức, sốt mến trong sáng của đồng bào bị các thế lực phản động lợi dụng, tung tin thất thiệt “Chúa vào Nam” khiến biết bao gia đình, dòng họ li tán… Biết được điều này, Bác muốn đến tận nơi để chia sẻ, động viên đồng bào. Ông Nguyễn Kim Côn, một người Công giáo, chuyên chụp ảnh cho Bác thuật lại:

Sáng 2-12-1959, tôi được đi cùng Bác Hồ đến thăm đồng bào Công giáo thôn Thạch Bích, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội). Dư âm cuộc di cư vào Nam năm 1954 còn khá nặng nề vì các cha đi Nam và “Chúa cũng đi Nam” mất rồi. Như vậy thì đời sống, đức tin và sinh hoạt tôn giáo sẽ ra sao?

Biết điều này, Bác muốn đến tận nơi để động viên bà con giáo dân và Bác chọn thôn Thạch Bích.

Được tin Bác đến, bà con giáo dân kéo về chật sân Đền Thánh Antôn. Sau khi thăm hỏi việc đồng áng, Bác đi thẳng vào vấn đề: “Chúa ở khắp mọi nơi, ở trên trời, dưới đất và cả hỏa ngục nữa – có đúng không?”.

Đúng ạ! Đúng ạ! Thưa Bác đúng ạ! Mọi người đồng thanh trả lời như học sinh trả lời cô giáo.

Bác lại hỏi:

- “Chúa ở khắp mọi nơi thì sao lại bảo Chúa đi Nam, có đúng không?”.

- Đúng ạ! Đúng ạ! Tiếng trả lời râm ran xen tiếng vỗ tay.

- Thế thì Đảng ta ngày đêm lo sao cho hợp tác xã có năng suất cao, sao cho các gia đình giáo dân được no ấm, các cháu đến tuổi đi học được cắp sách đến trường, người lớn chưa được biết chữ thì học bình dân học vụ. Sớm, tối chuông nhà thờ vẫn ngân vang để bà con bình an thờ phụng Chúa. Đảng ta làm như vậy có đúng không…?

Không nén nổi xúc động bởi lãnh tụ tối cao mà sao gần gũi dân đến thế, tiếng vỗ tay rộ lên xen tiếng hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”.

Bác phải giơ hai tay ra hiệu để bà con im lặng rồi nói tiếp: “Nếu Chúa còn sống đến bây giờ thì Chúa cũng làm cộng sản (ý là lo cho nhân loại được hạnh phúc)…

Khơi dậy niềm tự hào đối với bà con Công giáo

Kể từ đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Bích Hòa (mà thôn Công giáo toàn tòng Thạch Bích chiếm chủ yếu về dân số) đã luôn phấn đấu lao động, sản xuất, xây dựng địa phương. Nhớ ơn Người, trong sâu thẳm tình cảm bà con nhân dân rất muốn làm một công trình gì đó thật ý nghĩa, nhưng hiềm nỗi, khó có thể thống nhất là đặt tại đâu. Cũng có ý kiến nói là phải đưa về khuôn viên UBND xã, nơi có ao cá Bác Hồ, nhưng đồng bào Công giáo lại rất muốn phải đặt đúng nơi Người về tức Đền Thánh Antôn. Ông Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sửu thuộc Giáo họ nhà xứ Thạch Bích, sinh năm 1920, một lão thành cách mạng, 60 năm tuổi Đảng, nói: “Đặt nhà lưu niệm Bác tại khuôn viên Đền Thánh Antôn là vì, vừa tôn trọng lịch sử, vừa có ý nghĩa giáo dục, khơi dậy niềm tự hào đối với bà con Công giáo không riêng gì chỉ ở Thạch Bích”…

Cuối cùng, kỳ họp thứ 6, HĐND xã năm 2004 – 2006 đã đi đến quyết định là đặt trên khuôn viên Đền Thánh Antôn và một phần Trường tiểu học Bích Hòa cạnh đó. Tên công trình được đặt là: “Địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đảng bộ và nhân dân xã Bích Hòa”. Chủ đầu tư là UBND xã Bích Hòa với tổng kinh phí 1 tỷ 795 triệu đồng, gồm hai phần nhà bia và nhà tiếp khách. Nhà bia theo kiểu dáng kiến trúc truyền thống của dân tộc (42,25 m2), hai tầng, tám mái - chồng giường giá chiêng, cột lim, móng gạch chỉ và đổ bê tông. Bia ốp bốn mặt. Mặt chính diện nhìn từ ngoài vào là bức tranh gốm do nghệ nhân Trần Độ – Bát Tràng vẽ, nung (tranh này được sử dụng nguyên mẫu ảnh chụp Bác đứng nói chuyện với đồng bào Công giáo Thạch Bích, tại Đền Thánh Antôn, năm 1959). Mặt bên tay phải khi đi vào là khẩu hiệu: “Cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Bích Hòa luôn đoàn kết lương giáo, sống tốt đời đẹp đạo”... Noi theo lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Bích Hòa luôn quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước.

Theo HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất