Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Bùi Văn Duân - giáo dân họ giáo thôn Lập Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội-rất tự hào khi trò chuyện với chúng tôi:
- Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ đã được chúng tôi triển khai nhiều năm qua. Đặc biệt, gần hai năm nay, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng tôi càng có điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Thôn Lập Trí có 720 hộ dân, trong đó hơn 60% hộ theo đạo Thiên Chúa. Toàn chi bộ có 35 đảng viên thì 14 đồng chí là người công giáo. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhiều năm nay Lập Trí đã xây dựng quy ước rất cụ thể dành cho hai hàng giáp (giáp lương và giáp giáo) đó là: “Tất cả các ngày lễ, tết… diễn ra trong năm của cả hai bên, nhân dân hai giáp đều có trách nhiệm tham gia”. Ví dụ, ngày lễ Nô-en, mọi người giáp lương đều có mặt để tham dự. Ngược lại, giáp lương tổ chức lễ vu lan hay rằm ba, tết bảy, bà con giáo dân cũng tham gia rất đông. Hoặc khi mỗi giáp gặp khó khăn, hoạn nạn dưới sự lãnh đạo của chi bộ, từng bên đều có trách nhiệm tham gia hỗ trợ lẫn nhau. Hằng năm, các vị chức sắc và người đứng đầu của hai hàng giáp thường xuyên gặp gỡ bàn bạc, bổ sung, hoàn chỉnh quy ước của thôn, nhất là trong phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, xóa đói giảm nghèo.Bí thư chi bộ Bùi Văn Duân tâm sự:
- Lập Trí là thôn nghèo, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Làm thế nào để giàu lên từ đất? Câu hỏi đó khiến đội ngũ đảng viên trong chi bộ hết sức băn khoăn. Đó không chỉ vì miếng cơm, manh áo, học hành của con cái trong mỗi gia đình, mà là của gần 5.000 con người vừa lương, vừa giáo. Tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, chi bộ bắt đầu từ sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên.
Bản thân bí thư Duân nhận đấu thầu 5 sào ruộng của hợp tác xã cùng 5 sào ruộng của gia đình, quy hoạch thành khu chuyên canh trồng rau màu và cấy lúa. Ngày nào cũng vậy, mới sáng sớm tinh mơ, người dân Lập Trí đã thấy anh có mặt ở ngoài đồng chăm sóc rau màu. Anh nói: “Tranh thủ lúc sáng sớm làm việc đồng, đến khi mặt trời lên còn phải về nhà để kịp làm việc công”.
Đất chẳng phụ công người, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ sản phẩm rau màu tăng gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi gia súc, gia cầm nên đời sống của gia đình ngày càng được cải thiện. Học tập tấm gương Bí thư Bùi Văn Duân, hơn 30 đảng viên trong chi bộ Lập Trí đã kiên trì “một nắng hai sương”, bắt đồng đất bạc màu làm ra tiền, ra gạo… Thấy đảng viên làm được, bà con cả lương và giáo cũng thi đua làm theo. Giờ đây Lập Trí đã trở thành vựa rau của cả một vùng phía tây Sóc Sơn. Tương lai không xa, thương hiệu rau sạch Lập Trí sẽ khẳng định vị trí trên thị trường.
Trong số những hộ làm ăn khá ở Lập Trí có giáo dân Nguyễn Văn Dương (hiện ông Dương là Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Trí). Ngoài việc vận động hội viên trong xã tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình trang trại trồng rau thương phẩm... ông còn thành lập công ty chuyên sản xuất nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt và xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho 12 lao động. Doanh thu của công ty ông Dương bình quân đạt 300 triệu đồng/năm. Cũng như ông Dương, đảng viên – CCB Nguyễn Quốc Phong với mô hình trang trại, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng...
Đời sống kinh tế phát triển, bộ mặt của thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay, gần 90% số hộ ở Lập Trí xây được nhà kiên cố. 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia. 95% gia đình mua sắm được xe máy. 100% hộ có phương tiện nghe nhìn. Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện quyên góp mua nguyên vật liệu đổ bê tông 12km đường làng, xây dựng một trường mầm non và một nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng…
Rời Lập Trí, điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi là những đảng viên gương mẫu, “miệng nói tay làm” như anh Duân, ông Dương, anh Phong và cả bà con lương, giáo, luôn hướng tới cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”; “kính Chúa, yêu nước” vì xóm đạo bình yên.
Báo QĐND