Thứ Bảy, 27/7/2024
Lý Luận
Thứ Hai, 5/9/2022 16:18'(GMT+7)

Đồng chí Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (1912 - 2022), nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, người chiến sĩ cách mạng tiền bối, kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An, người cộng sản trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tiếp tục tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có: Đồng chí GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban, Ngành của Trung ương; Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các ban, ngành trực thuộc của tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo các tỉnh thành gắn liền với hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Lê Hồng Phong, cùng các đại biểu, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương; các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và tỉnh Nghệ An. 

 

Đồng chí Lê Hồng Phong, tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Kế thừa truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương xứ Nghệ, người thanh niên giàu nhiệt huyết, bản lĩnh kiên cường đã tiếp bước truyền thống của lớp lớp cha anh dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân.

Năm 1924, Lê Hồng Phong sang Quảng Châu (Trung Quốc) và tham gia tổ chức Tâm Tâm xã - một tổ chức của những người Việt Nam yêu nước. Đầu năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cải tổ Tâm Tâm xã, chọn Lê Hồng Phong cùng một số thanh niên ưu tú để thành lập nhóm Cộng sản Đoàn, nòng cốt cho sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6-1925) - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Được sự giới thiệu, giúp đỡ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong những năm 1926-1931, đồng chí Lê Hồng Phong đã tham dự nhiều trường đào tạo, huấn luyện ở Trung Quốc và Liên Xô: Trường Quân sự Hoàng Phố; Trường Hàng không Quảng Châu; Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát; Trường Đào tạo phi công quân sự số 2 ở thành phố Bôrítxgơlépxcơ và đặc biệt là Trường Đại học Phương Đông (KYTB).

Năm 1931, sau khi Cao trào cách mạng 1930-1931 bị khủng bố trắng, hệ thống tổ chức Đảng bị tan vỡ, phong trào cách mạng nước ta lâm vào thoái trào, đồng chí Lê Hồng Phong được Quốc tế Cộng sản cử về nước chỉ đạo khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng (3-1934), đồng chí được bầu làm Thư ký Ban. Tháng 3-1935, tại Đại hội lần thứ I của Đảng, đồng chí được bầu là Tổng Thư ký (Tổng Bí thư) Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 7 đến tháng 8-1935, đồng chí được cử là Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản và được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Tháng 7-1936, tại Hội nghị đại diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Chỉ huy ở ngoài, đồng chí được cử phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng.

Tháng 11-1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về hoạt động ở Sài Gòn. Ngày 22-6-1939, đồng chí bị mật thám Pháp bắt, bị trục xuất khỏi Nam Kỳ và đưa về quê nhà Nghệ An quản thúc, rồi bị bắt trở lại sau khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, bị đày ra Côn Đảo. Ngày 6-9-1942, đồng chí hy sinh tại Côn Đảo.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, đại diện các cơ quan và các nhà khoa học ở các ban, ngành Trung ương: Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tỉnh Nghệ An - quê hương của đồng chí Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những địa phương đồng chí Lê Hồng Phong từng hoạt động cách mạng,…

Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Lê Hồng Phong trên những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, ảnh hưởng của quê hương giàu truyền thống yêu nước, bất khuất góp phần hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, nhiệt huyết, hình thành chí khí cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong. Đó là nền tảng ban đầu hết sức quan trọng đưa đồng chí từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, đã sớm giác ngộ lý tưởng, hình thành ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công và trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tài năng đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Thứ hai, đồng chí Lê Hồng Phong - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Tháng 11-1931, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Lê Hồng Phong đã được Quốc tế Cộng sản cử về tái lập Ban Chấp hành Trung ương, hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng Đông Dương. Vượt qua nhiều gian khổ, nguy hiểm, thách thức, đồng chí đã chắp nối, gây dựng cơ sở và tổ chức hiện thực hóa bản Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời tháng 6-1932 vào phong trào cách mạng trong nước. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, tháng 3-1934, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được thành lập do đồng chí đứng đầu. Đây là cơ quan đóng vai trò như là Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, để tổ chức chắp mối liên lạc, khôi phục lại Ban Chấp hành Trung ương, hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng từ Trung ương đến các địa phương. Dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, tháng 6-1934, tại Ma Cao (Trung Quốc), Ban Chỉ huy ở ngoài đã triệu tập Hội nghị với đại diện các tổ chức đảng ở trong nước và đề ra nhiệm vụ trước mắt là phải nhanh chóng khôi phục tổ chức đảng các cấp, củng cố các tổ chức đảng đã có, xây dựng tổ chức mới ở những địa bàn quan trọng, tăng cường thành phần vô sản vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, Hội nghị đã ra nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ huy ở ngoài, với vai trò là cơ quan “chỉ đạo đường lối chính trị chung của Trung ương Đảng”; nghị quyết về yêu cầu đến tháng 1-1935 phải thành lập xong tất cả các xứ ủy và cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng lần thứ nhất vào mùa Xuân năm 1935... 

Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Ban Chỉ huy ở ngoài, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo từng bước xây dựng, khôi phục phong trào cách mạng trong nước. Đến cuối năm 1934, hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước đã từng bước được khôi phục, lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng. Đại hội lần thứ I của Đảng (3-1935) tái lập Ban Chấp hành Trung ương và khôi phục hệ thống tổ chức Đảng chính là nhân tố quyết định để đưa cách mạng Việt Nam phát triển vượt bậc trong giai đoạn mới. Đồng chí Lê Hồng Phong dù vắng mặt do được cử tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, nhưng vẫn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho thấy uy tín cao và sự ghi nhận, khẳng định những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí đối với phong trào cách mạng nước ta.

Trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Tổng Bí thư của Đảng, ngày 26-7-1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong đã triệu tập và chủ trì Hội nghị đại diện Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng để vận dụng đường lối của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể nước ta, hoạch định “Chiến sách mới” của cách mạng. 

Trên các cương vị phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, rồi Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng Trung ương Đảng chỉ đạo từng bước hoàn thiện chủ trương, đường lối, biện pháp đấu tranh mới và công tác tổ chức xây dựng Đảng cho phù hợp với tình hình cụ thể của cách mạng; lãnh đạo phong trào dân chủ, tích cực đấu tranh trên mặt trận báo chí công khai, làm nên những thành tựu to lớn trong Cao trào Dân chủ những năm 1936-1939, đưa phong trào cách mạng tiến lên. Đặc biệt, những bài viết của đồng chí đã thể hiện tinh thần đấu tranh thẳng thắn với những quan điểm, nhận thức lệch lạc của một số đảng viên, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng; phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các phần tử tờrốtkít. 

PGS. TS. Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tham luận "Đồng chí Lê Hồng Phong với Đảng bộ và phong trào cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh" tại Hội thảo.

Thứ ba, đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản quốc tế.

Thời gian học tập và rèn luyện tại Trung Quốc, Lê Hồng Phong hăng hái tham gia chiến đấu trong quân đội của Chính phủ cách mạng Quảng Châu do Tôn Trung Sơn đứng đầu để bảo vệ vùng căn cứ cách mạng, chống lại các thế lực quân phiệt, các lực lượng phản động ở Trung Quốc khi đó. Đồng chí tích cực hoạt động, ủng hộ, bảo vệ cách mạng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tham gia Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức - tổ chức cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số nhà cách mạng các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Malaixia, Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia thành lập năm 1925. Đồng chí cũng hăng hái tham gia trong tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ (MOPR) do Quốc tế Cộng sản thành lập, nhằm giúp đỡ, bảo vệ những chính trị phạm, chống lại sự đàn áp, khủng bố của chính quyền đế quốc thực dân. Với những nỗ lực, cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong đối với phong trào cách mạng Trung Quốc, năm 1926, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong những năm học tập tại Liên Xô, đồng chí Lê Hồng Phong đã đóng vai trò là cầu nối giữa Quốc tế Cộng sản và cách mạng Việt Nam, giúp Quốc tế Cộng sản những ý kiến quý báu về phong trào cách mạng Đông Dương. Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1929) và được Đại hội VII Quốc tế Cộng sản bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản về sự kết hợp tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.

Thứ tư, khẳng định, đồng chí Lê Hồng Phong là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Tinh thần, bản lĩnh, phẩm chất người cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong là tài sản vô giá của Đảng và cách mạng Việt Nam, có giá trị trường tồn, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.

PGS. TS. Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại Hội thảo.

PGS. TS. Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tham luận "Đồng chí Lê Hồng Phong - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng" tại Hội thảo.

Thứ năm, tập trung luận giải và làm rõ đồng chí Lê Hồng Phong là người con ưu tú của quê hương Nghệ An. Truyền thống tốt đẹp của quê hương, của dân tộc là môi trường nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên biết bao người con ưu tú của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong - một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, của phong trào cộng sản quốc tế. Và chính đồng chí Lê Hồng Phong, với tài năng và nhân cách ngời sáng của mình, đã để lại dấu ấn sâu đậm cho sự phát triển của phong trào cách mạng địa phương, là nguồn động lực để Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phấn đấu giành được những thành quả to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước qua các thời kỳ cách mạng. Đảng bộ và nhân dân Nghệ An mãi mãi tự hào, tri ân sâu sắc những đóng góp của đồng chí với quê hương, đất nước; ra sức học tập và noi theo tấm gương sáng ngời, mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản Lê Hồng Phong, xây dựng và phát triển quê hương Nghệ An ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”, được tổ chức trong không khí nhân dân cả nước đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thi đua lập thành tích chào mừng 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9). Hội thảo khoa học về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức của đồng chí Lê Hồng Phong, nhà lãnh đạo tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - do đó càng có thêm ý nghĩa thiết thực. Tấm gương đạo đức tiêu biểu của đồng chí Lê Hồng Phong mãi là niềm tự hào, là nguồn động viên to lớn cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo.

Quý Trọng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất