Thứ Bảy, 27/7/2024
Hướng dẫn chỉ đạo
Thứ Tư, 6/6/2012 15:13'(GMT+7)

Đồng chí Phạm Hùng - Tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long phát biểu đề dẫn tại Hội thảo

Đồng chí Phạm Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, là một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của dân tộc và là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh (bên phải) cùng các đại biểu trao đổi một số tư liệu về đồng chí Phạm Hùng với quê hương Vĩnh Long. Ảnh TV

Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, được sinh ra trong một gia đình nông dân ở ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nơi có vùng đất nông nghiệp màu mỡ, và giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.

Năm 1928, mới 16 tuổi đồng chí đã tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó làm bí thư chi bộ trường học. Năm 1931, đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách làm Bí thư tỉnh ủy Mỹ Tho. Lúc này, phong trào cách mạng của nhân dân địa phương chống chính quyền thực dân Pháp đã phát triển rộng khắp và tháng 6 năm 1931 thì bị địch bắt, sau đó bị kết án tử hình cùng với các ®ång chÝ Lê Văn Lương, Lý Tự Trọng, Lê Quang Sung... trong “vụ án những người cộng sản” nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Do phong trào đấu tranh của nhân dân ta và các lực lượng tiến bộ Pháp đòi ân xá tù chính trị, đồng chí được giảm án tử hình xuống chung thân khổ sai và bị đày ra nhà tù Côn Đảo.

Trong suốt thời gian 15 năm bị giam cầm, tra tấn, đày ải ở các nhà tù của đế quốc, đồng chí luôn nêu cao tinh thần bất khuất, hiên ngang của người cộng sản. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng đón từ Côn Đảo về tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ và được bầu giữ chức Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ.

Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Một năm sau, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay cho Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí được chỉ định làm Ủy viên, sau đó làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Phân liên khu Đông Nam bộ. Năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ và Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế tại Sài Gòn. Năm 1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, sau đó được giao giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Trong các năm 1958-1960, đồng chí là Bí thư Trung ương Đảng. Từ tháng 4/1958, đồng chí là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1967, đồng chí được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam, làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam thay cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh do đột ngột qua đời. Năm 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí là Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, đã góp phần lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, thứ V và thứ VI của Đảng (tức là từ 1976-1986) đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ (từ năm 1981 đổi thành Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) và kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tức Bộ Công an ngày nay. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (6/1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được xem như Thủ tướng đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, VI, VII, VIII.

Đồng chí Phạm Hùng mất ngày 10/3/1988 khi đang chỉ đạo công tác tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng vô cùng phong phú và sôi nổi, gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi oanh liệt, hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí là nhà lãnh đạo, nhà tổ chức tài năng, là cán bộ sâu sát với quần chúng, lời nói luôn đi đôi với hành động, tinh thần trách nhiệm cao, sự nghiêm túc, mẫu mực, luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đem hết trí tuệ và sức lực hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng và nhân dân giao phó. Sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí trên nhiều lĩnh vực, nhiều thời kỳ, gắn liền với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, được thể hiện rõ trong các nội dung cơ bản sau đây:

Đồng chí Phạm Hùng - người cộng sản kiên cường, bất khuất

Là một người cộng sản trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng và của dân tộc ta, đồng chí Phạm Hùng luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn hiên ngang, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những ngày trong xà lim án chém ở Khám Lớn Sài Gòn, đối mặt với kẻ thù, luôn cận kề với cái chết, nhưng tinh thần cách mạng kiên cường của người cộng sản, ý chí cách mạng và niềm tin chiến thắng của đồng chí Phạm Hùng vẫn luôn luôn tỏa sáng, làm kẻ thù phải nể sợ.

Mười lăm năm sống dưới chế độ nhà tù vô cùng nghiệt ngã trong đó có 11 năm ở địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng tỏ rõ tinh thần gang thép của một đảng viên cộng sản. Đồng chí đã tham gia lãnh đạo Chi bộ Đảng tại nhà tù, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt để giành lấy sự sống cho tù nhân, đòi giảm nhẹ chế độ khổ sai, đòi cải thiện chế độ nhà tù. Thực hiện khẩu hiệu: “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, nhiều năm trên cương vị là Bí thư Đảo ủy, đồng chí Phạm Hùng đã cùng Chi ủy tại nhà tù duy trì tổ chức tuyên truyền, học tập lý luận cách mạng, nâng cao trình độ, nhận thức của tù chính trị, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ trung thành, mẫn cán cho Đảng.

Hình ảnh anh Hai Phạm Hùng trong xà lim tử tù và nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, là biểu tượng của tinh thần thép về ý chí và nghị lực cách mạng phi thường của một thế hệ thanh niên yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng.

Đồng chí Phạm Hùng - nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước

Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỉ XX. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, đồng chí được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước. Trên bất cứ cương vị nào, lĩnh vực công tác nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Năm 1945, sau khi ra khỏi nhà tù đế quốc, không một ngày nghỉ ngơi, đồng chí Phạm Hùng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam và được bầu vào Xứ uỷ lâm thời Nam Bộ. Đầu năm 1946, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy và Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc. Sự tham gia của đồng chí Phạm Hùng và các cựu tù chính trị Côn Đảo đã kịp thời củng cố và tăng cường cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Nam Bộ, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến đang vào thời kỳ khó khăn, gay go nhất.

Với tư cách là Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, đồng chí Phạm Hùng trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng công an cách mạng ở Nam Bộ. Đây là một nhiệm vụ rất khẩn trương và quan trọng. Tính chất phức tạp trong nội bộ các lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ xuất hiện từ sau Cách mạng tháng Tám, đòi hỏi cần phải có một lực lượng công an trung thành với Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân, đồng thời loại trừ các phần tử cả mật thám, phản động trà trộn hoạt động phá hoại, gây nghi kỵ trong nhân dân và tổn thất cho Đảng.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí Phạm Hùng đã cùng tập thể Xứ ủy giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trong nội bộ cơ quan, trước hết là xóa bỏ thành kiến giữa “Việt Minh cũ - Việt Minh mới”. Những cố gắng của đồng chí đã góp phần quan trọng xây dựng, củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ Nam Bộ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đánh giá cao tài năng và những cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí Phạm Hùng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và tham gia lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể ở Nam Bộ, đề ra chủ trương, đường lối phù hợp với thực tiễn: mở rộng chiến tranh nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn, (tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân cày nghèo); chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sỹ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng đã tích cực tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo «Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam» làm cơ sở cho Nghị quyết Hội Nghị Trung ương lần thứ 15, và sau đó tham gia hoạch định và chỉ đạo thực hiện đường lối cách mạng Việt Nam, được Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng thông qua.

Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời điểm vô cùng gay go, ác liệt, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam. Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, đồng chí đã cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân ta nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, «một tấc không đi, một ly không rời», với tinh thần gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, luôn tìm tòi sáng tạo từng bước đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ; chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại hội nghị Pari và rút quân về nước. Có thể nói, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt muôn vàn thử thách ác liệt, cùng nhân dân cả nước thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ và khát khao của dân tộc: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sau khi đất nước hòa bình, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều cương vị: Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với những trọng trách lớn lao, trong những điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, đồng chí Phạm hùng đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm chiến lược, giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. Trên các cương vị công tác, đặc biệt trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đầu tiên trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta - đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm của một người cán bộ giàu bản lĩnh, một nhà lãnh đạo tài năng trong các quyết định và triển khai các quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Đồng chí Phạm Hùng - Tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Trong suốt quá trình liên tục sáu mươi năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng không quản gian nan, nguy hiểm, dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào đồng chí luôn luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Với tinh thần trách nhiệm cao, kiên định, sáng tạo, nghị lực phi thường, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình vì sự nghiệp giành độc lập tự do, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trong những năm lao tù, đồng chí luôn thể hiện tính kiên trung, bất khuất, dù kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, mọi cực hình tra tấn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, nêu gương sáng của người Cộng sản đồng thời còn tham gia lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh cải thiện chế độ nhà tù, giáo dục, bồi dưỡng về chính trị, văn hóa cho các chiến sĩ cách mạng và tù nhân khác.

Trong công tác kể cả trong thời chiến cũng như thời bình, đồng chí thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tầm chiến lược, luôn rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch, tỉ mỉ, chu đáo, giữ vững nguyên tắc, nhưng linh hoạt, không máy móc.

Trong sinh hoạt, đồng chí luôn thể hiện tác phong bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, dân chủ và rộng lượng với mọi người nhưng lại rất nghiêm khắc với mình. Đồng chí là người có nếp sống thanh cao, tiết kiệm, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, không ham muốn quyền lợi cho riêng mình, không khoa trương, ghét thói bợ đỡ, công khai tự phê bình và sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý cho mình. Không chỉ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức bản thân, mà trên cương vị của người cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đồng chí Phạm Hùng luôn quan tâm, giành nhiều tâm lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng các thế hệ cách mạng kế cận có năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Đồng chí luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, phấn đấu không mệt mỏi cho khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng chí không chỉ quan tâm, giáo dục, giác ngộ mà còn gần gũi học hỏi nhân dân, lo từ cái ăn, chỗ ở, việc học hành của dân, bảo vệ lợi ích và tài sản của dân. Đặc biệt, yêu thương con người là phẩm chất bao trùm ở đồng chí Phạm Hùng. Tình yêu thương con người của Đồng chí được gắn quyện với tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước đã tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cộng sản. Đối với đồng chí, đồng đội, dù ở cương vị nào, đồng chí luôn chân thành, thẳng thắn, trọng lẽ phải, quý trọng và hòa hợp với mọi người. Đồng chí là một nhà lãnh đạo có đức, có tài, có lối sống tình nghĩa, cởi mở, rộng lượng bao dung, vị tha và cao đẹp.

Lo cái chung của đất nước, của dân tộc, nhưng Đồng chí Phạm Hùng vẫn không quên trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình. Đồng chí là người chồng thủy chung, người cha mẫu mực, hết lòng thương yêu con cháu. Trong thời gian công tác tại chiến trường miền Nam, mặc dù thời gian rất hiếm hoi, nhưng khi có cơ hội, đồng chí vẫn giành cho vợ con, bạn bè ở miền Bắc những tình cảm nồng ấm, yêu thương qua những dòng thư ngắn ngủi mà xiết bao mong đợi và hy vọng vào thắng lợi cuối cùng.

Đồng chí Phạm Hùng là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước mà tài đức vẹn toàn, có phong cách sống và làm việc thể hiện rõ phong cách của một người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản trung kiên, bất khuất, suốt đời hy sinh phấn đấu phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước và xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta với các dân tộc và bạn bè trên thế giới.

Đồng chí Phạm Hùng - người con kiên trung của quê hương Vĩnh Long

Đồng chí Phạm Hùng sinh trưởng tại quê hương Vĩnh Long - mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Trải qua hàng trăm năm khai hoang, mở đất, con người nơi đây đã hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp: Cần cù, chịu thương, chịu khó, tương thân tương ái, hào hiệp. Mỗi người dân Vĩnh Long luôn luôn tỏ rõ ý chí phấn đấu, vượt lên số phận, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, không chịu lùi bước trước khó khăn, thách thức. Con người Vĩnh Long trọng nghĩa, thẳng thắn, cương trực, sẵn sàng chống lại bất công và cường quyền xã hội để bảo vệ lẽ phải, chân lý; sẵn sàng xả thân chống ngoại xâm giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc. Chính từ tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương, tinh thần yêu nước, cách mạng, những phẩm chất quý báu của vùng đất và con người Vĩnh Long là môi trường nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên một nhân cách lớn, một người con kiên trung của quê hương - nhà cách mạng Phạm Hùng. Đồng thời, chính tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí Phạm Hùng đã góp phần bồi đắp, tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương Vĩnh Long.

Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “một vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”; đồng thời, tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long” góp phần khẳng định và tôn vinh những cống hiến to lớn đối với Đảng, đối với dân tộc của đồng chí Phạm Hùng - một tấm gương cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, người con ưu tú của dân tộc và của quê hương Vĩnh Long, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm có ý nghĩa thiết thực. Tấm gương cao đẹp của nhà cách mạng, người cộng sản Phạm Hùng sẽ củng cố thêm niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng, đồng thời góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng, tư tưởng và đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.


Khu tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh TV.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất