Thứ Tư, 25/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 8/1/2011 16:12'(GMT+7)

Đồng chí Tô Huy Rứa: Bám sát thực tiễn để tập trung nghiên cứu những vấn đề cuộc sống đã và đang đặt ra

PGS, TS Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Ảnh tư liệu

PGS, TS Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Ảnh tư liệu

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình KX.04/06-10 đã dự và phát biểu chỉ đạo.


Sau 3 năm rưỡi thực hiện, Chương trình KX.04/06-10 đã hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra. 32/32 đề tài đã được bảo vệ cấp nhà nước, trong đó 27 đề tài đạt xuất sắc, 5 đề tài đạt loại khá. Các đề tài thuộc Chương trình đã tập trung nghiên cứu 12 cụm vấn đề lớn: Cương lĩnh của Đảng- Những vấn đề lý luận và thực tiễn; Những vấn đề về thời đại, tình hình thế giới hiện nay và xu hướng trong những năm tới, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế; Lý luận về xã hội xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; Quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Phát triển văn hóa- xã hội- con người ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển; Những quan điểm và giải pháp mới về tăng cường sức mạnh quốc phòng và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; An ninh quốc gia, an toàn xã hội và những quan điểm giải pháp mới về an ninh nội bộ, phòng chống tội phạm trong tình hình mới; Phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, những vấn đề về đại đoàn kết dân tộc; Đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Quan điểm lý luận và giải pháp về phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Các đề tài trong Chương trình đã bám sát mục tiêu, nội dung nghiên cứu, bám sát thực tế trong nước và thế giới đang diễn ra để bổ sung kịp thời những vấn đề cần tập trung nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của công tác lý luận và tổng kết thực tiễn. Chương trình đã nghiên cứu và cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho nhiệm vụ tổng kết lý luận, thực tiễn để bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991; cụ thể hóa Văn kiện Đại hội X của Đảng; soạn thảo dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và một số hội nghị Trung ương ra nghị quyết về: tam nông; giai cấp công nhân; trí thức; công tác lý luận của Đảng.


Định hướng chương trình nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015 nhằm góp phần tổng kết những vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới, chỉ rõ thành tựu, hạn chế, yếu kém, đề xuất quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp để đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục giành những thành tựu to lớn hơn trong một vài thập kỷ tới (tầm nhìn tới 2030 và 2045). Chương trình g óp phần cụ thể hóa và triển khai thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Báo cáo chính trị tại Đại hội XI. Chương trình cung cấp cơ sở lý luận - thực tiễn phục vụ soạn thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.


Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Tô Huy Rứa chúc mừng và đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của 32 đề tài thuộc Chương trình. Nhiều kết quả nghiên cứu đã cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, làm cơ sở cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng và nhà nước. Nhiều kiến nghị có giá trị cả trước mắt và lâu dài. Việc tổ chức thực hiện nghiên cứu Chương trình đã có nhiều bài học quý trên các phương diện: lựa chọn đề tài, tổ chức “đấu thầu” chọn Chủ nhiệm đề tài, cơ quan chủ trì đề tài, kiểm tra, đôn đốc, nghiệm thu, chắt lọc kết quả nghiên cứu; huy động các nhà khoa học tham gia nghiên cứu các đề tài; lựa chọn các chuyên đề trong mỗi đề tài; khảo sát trong nước và quốc tế, v.v..


Đề cập về phương hướng sắp tới, đồng chí Tô Huy Rứa nêu rõ : Ban Bí thư đã cho ý kiến bước đầu vào định hướng nghiên cứu của chương trình “Nghiên cứu về lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015” trên cơ sở chuẩn bị của Ban Chủ nhiệm chương trình, và ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng xác định: tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, khắc phục một số mặt lạc hậu, yếu kém của công tác nghiên cứu lý luận; Tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của tập thể và cá nhân trong nghiên cứu lý luận; Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận, cải tiến tổ chức nghiên cứu lý luận phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn. Tổng kết 30 đổi mới đất nước.


Đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh tới đây, chương trình cần bám sát vào các văn kiện Đại hội XI, nhất là Cương lĩnh (bổ sung, phát triển), chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng, bám sát thực tiễn cuộc sống để tập trung nghiên cứu những vấn đề cuộc sống đã và đang đặt ra, đòi hỏi có sự trả lời thỏa đáng./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất