Ngôi nhà số 11 đường Jean de Beauvais Quận 5 (Paris) có một vị trí quan trọng trong phong trào đấu tranh của Việt kiều yêu nước. Đây là nơi hội họp thường xuyên của Hội Ái hữu người Việt Nam tại Pháp (Amicale des Annamites en France). Có thể coi nơi đây là cái nôi của phong trào Việt kiều ủng hộ kháng chiến chống Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ có sự đóng góp lặng thầm của Hội Ái hữu người Việt Nam tại Pháp.
Chính từ cái nôi này mà nhiều thanh niên, trí thức Việt kiều dù đã thành danh trong khoa học, đã có địa vị tại Pháp nhưng do lòng yêu nước đã từ bỏ tất cả để trở về tham gia kháng chiến, không ngần ngại khó khăn gian khổ. Hoạt động yêu nước của đồng bào tại Pháp không chỉ tập trung vào vùng Paris và ngoại ô, mà trên toàn nước Pháp, tỉnh thành nào có cộng đồng người Việt là nơi đó có chi hội. Ông Bùi Thanh Tùng, nguyên Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp cho biết, Hội đã có một số đóng góp đáng kể trong phong trào yêu nước của kiều bào. Năm 2009 Hội người Việt Nam tại Pháp đã phát hành quyển sách ảnh “Hội người VN tại Pháp – 90 năm một con đường”, ghi lại bằng hình ảnh nhiều hoạt động của Hội qua các thời kỳ, với những đóng góp thiết thực, cụ thể để cùng với nhân dân trong nước tiến tới thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngoài việc truyền bá tư tưởng ủng hộ Việt Nam giành độc lập cho người dân Pháp, bà con kiều bào tại Pháp thời kỳ này đã có sự giúp đỡ rất toàn diện về nước từ thuốc men, thiết bị y tế đến tài liệu khoa học, giáo dục mà trong nước đang rất thiếu thốn.
Cũng thời kỳ kháng chiến gian khổ này, phong trào chống Pháp đòi độc lập dân tộc của bà con người Việt ở Thái Lan cũng triển khai khá rầm rộ. Bà Nguyễn Thị Toái, sinh năm 1917, quê ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình, sang Thái từ lúc mới lên 2. Bà vẫn còn nhớ, với truyền thống cách mạng trong gia đình, từ khi mới 13 tuổi, bà đã được anh trai dạy hát những bài hát mong cho đất nước sớm thoát khỏi cảnh lầm than. Bài hát có đoạn “Ngán thay cái bước lầm than, tình máu mủ ai mà yên tâm. Vậy nên chúng ta hết lòng, cứu anh em trong cơn hoạn nạn, cứu cho khỏi cái bước cơ hàn. ấy là bổn phận tất cả chúng ta”. Ông Nguyễn Đình Kỳ, Chủ tịch Hội Thân nhân kiều bào Lào- Thái Lan tỉnh Phú Thọ nhớ lại “Thời gian trước khi có Chiến thắng Điện Biên Phủ, chính quyền Thái Lan lúc đó bắt bớ Việt kiều rất dữ để họ không ủng hộ cách mạng. Toàn bộ thanh niên Việt kiều Thái Lan sang chiến đấu ở Lào. Nguồn gốc Việt kiều Lào- Thái Lan là thế”. Thiếu thốn, gian khổ trăm bề, nhưng bà con kiều bào Lào- Thái Lan vẫn một lòng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc bằng việc tụ họp lại thành các hội đoàn, xây dựng cơ sở kháng chiến để dễ bề hoạt động, tranh đấu. Ông Hoàng Hữu Lễ, kiều bào ở Lào cũng trưởng thành từ chính môi trường như thế. Ông đã được tặng nhiều huân huy chương của Nhà nước Việt Nam cũng như Nhà nước Lào. Ông nhớ lại thời kỳ đầu tham gia kháng chiến của ông là thời điểm diễn ra phong trào biểu tình sau cái chết của anh Trần Văn Ơn - người học sinh đã tham gia các phong trào học sinh viên, sinh viên chống thực dân Pháp và chính quyền thân Pháp ở Sài Gòn. Đến giờ, ông lấy làm hạnh phúc và tự hào vì tuy ở xa quê, nhưng cũng đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong công cuộc kháng chiến chống Pháp.
Bà con người Việt ta ở nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành nên phong trào Việt kiều yêu nước kháng Pháp. Vào những ngày tháng 5 kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ này, ngôi nhà số 11 đường Jean de Beauvais Quận 5 (Paris) lại cần được nhắc đến một cách trân trọng bởi vì cùng với sự trường kỳ kháng chiến của quân và dân trong nước, chiến thắng Điện Biên Phủ có sự đóng góp một cách âm thầm, lặng lẽ của kiều bào- những người Việt Nam yêu nước./
Theo Đại đoàn kết