Các ý kiến tham luận còn cho rằng, Luật Báo
chí cần phân biệt giữa người cung cấp thông tin và cung cấp nguồn tin,
có cơ chế bảo vệ người cung cấp nguồn tin, nhất là trong đấu tranh
phòng, chống tiêu cực, thực hiện quản lý hậu kiểm.
Ngày 21/8, tại hội thảo: Góp ý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) được tổ chức ở Thanh Hóa, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan thông tấn, báo chí đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung chính của dự thảo Luật như: Phạm vi điều chỉnh; phân định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản; chuẩn hóa đội ngũ, lãnh đạo cơ quan báo chí; Cơ chế tài chính tự chủ, ổn định định biên; thắt chặt điều kiện thành lập cơ quan báo chí, văn phòng đại diện ở các địa phương, quản lý phóng viên thường trú... Các ý kiến tham luận còn cho rằng, Luật Báo chí cần phân biệt giữa người cung cấp thông tin và cung cấp nguồn tin, có cơ chế bảo vệ người cung cấp nguồn tin, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, thực hiện quản lý hậu kiểm.
Đồng ý với quan điểm không phát triển báo chí tràn lan, các ý kiến bày tỏ quan điểm cần quan tâm, có chế tài bảo đảm chống lãng phí trong sử dụng kinh phí nhà nước cho hoạt động báo chí. Một số ý kiến chia sẻ băn khoăn về thời hạn, đối tượng được cấp thẻ nhà báo, những quy định, nội dung bị nghiêm cấm thông tin trên báo chí, quỹ hỗ trợ phát triển báo chí....
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) thay thế Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015 để thông qua vào kỳ họp tháng 3/2016. Theo đó, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) bao gồm 6 chương, 58 điều quy định về tổ chức và hoạt động báo chí, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt báo chí, quản lý nhà nước về báo chí; trong đó có 35 điều mới và 23 điều có sửa đổi, bổ sung so với Luật Báo chí hiện hành. Khi dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí./.
Theo TTXVN