Uy tín, thương hiệu của một cơ sở giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục và đào tạo đại học nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chất lượng giáo dục và đào tạo được coi là lực hấp dẫn nhất để thu hút người học và tạo sức lan tỏa trong xã hội.
Muốn tồn tại, phát triển bền vững, các trường đại học luôn mong muốn có một tấm “thẻ căn cước” để khẳng định vị thế của mình - đó chính là giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt động.
Sau một thời gian thẩm định, mới đây, có hai cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở nước ta được trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, đó là Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Giao thông vận tải. Được biết, để được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, hai trường đại học trên phải bảo đảm hàng chục tiêu chí liên quan đến toàn bộ hoạt động của cơ sở đào tạo đại học như: Sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu, chương trình đào tạo, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, quản lý tài chính, hợp tác quốc tế…
Việc kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những bước tiến quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở nước ta. Đây cũng là bước đi đầu tiên để chuẩn bị cho việc xếp hạng của các trường đại học. Nhờ việc kiểm định chất lượng giáo dục đã giúp các cơ sở giáo dục đại học thấy được những ưu điểm, khuyết điểm và cả những bất cập của mình để có phương hướng phấn đấu tốt hơn. Thông qua việc kiểm định này còn nhằm cung cấp thông tin cho xã hội và người học biết được chất lượng, uy tín của các trường đại học. Khi chỉ số uy tín càng cao, sức hút người học và vị thế xã hội của các trường đại học càng lớn, và ngược lại.
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, đến nay, trung tâm này đã nhận được đăng ký của 30 cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu kiểm định chất lượng. Đây là tín hiệu đáng mừng, vì các trường đại học đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kiểm định cũng như muốn biết thực lực của trường hiện ra sao, vị trí xếp hạng của trường ở đâu và uy tín, tầm ảnh hưởng xã hội của trường đến mức độ nào. Điều đó cũng cho thấy, nhiều trường đại học giờ đây không còn tư duy bao cấp, cách làm khép kín như trước, mà đang nỗ lực chủ động vượt ra khỏi “bức tường rào bao quanh” của nhà trường để từng bước tiếp cận với những tiêu chí, chuẩn mực chất lượng giáo dục hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Kiểm định chất lượng giáo dục thực chất là quá trình xem xét, đánh giá khả năng, năng lực thực tế của các trường đại học. Kết quả đánh giá này có chính xác hay không phụ thuộc rất lớn vào trình độ, năng lực thẩm định của 4 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Trong khi ở nước ta chưa có đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục độc lập như nhiều nước trên thế giới, thì đòi hỏi các trung tâm trên phải hoạt động thực sự chuyên nghiệp, bảo đảm trung thực, công tâm, khách quan khi xem xét, đánh giá chất lượng giáo dục của các trường đại học. Trong công tác kiểm định, cần phải tránh được cả hai hiện tượng là chủ thể kiểm định cả nể, du di, thiếu thực chất và các trường đại học thì chạy theo thành tích, cố tìm mọi cách để có được tấm giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Nếu việc tổ chức kiểm định không đến nơi đến chốn, thì tự thân các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ giảm sút uy tín, còn các trường đại học cũng không hiểu rõ thực lực của chính mình.
Cần thống nhất nhận thức rằng, đối với các cơ sở giáo dục đại học, dù đã được kiểm định, hay đang chờ kiểm định, thì vấn đề mấu chốt là phải luôn nỗ lực tìm mọi giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để hướng tới mục tiêu cao nhất là tạo sức hút mạnh mẽ với người học, có sức cạnh tranh cao; đồng thời không bị lạc hậu, lép vế trong hội nhập quốc tế./.
Thiện Văn (QĐND)