(TG) - Sự kiện ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đã mở đầu cho huyền thoại về một vĩ nhân trong lịch sử dân tộc Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - Hồ Chí Minh.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người đã gắn liền với thắng lợi vẻ vang nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX; sau 110 năm, kể từ ngày Bác Hồ rời bến Nhà Rồng, tìm hiểu động cơ đi tìm đường cứu nước của Người chúng ta lại càng thấy rõ trí tuệ mẫn tiệp, tính nhân văn sâu sắc và tầm nhìn vượt thời đại của một vĩ nhân.
Động lực đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh được hội tụ ở lòng yêu nước, ý thức dân tộc, tình yêu thương con người, sự khát khao giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động thoát khỏi áp bức bóc lột, bất công, đưa con người vươn tới cuộc sống tốt đẹp, “tự do, bình đẳng, bác ái”. Cụ thể, động lực ấy xuất phát từ những nội dung chủ yếu sau:
Một là, chủ nghĩa yêu nước chân chính động cơ bao trùm, định hướng thúc đẩy Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu lòng nhân ái, có tinh thần yêu nước sâu đậm. Từ lúc thiếu thời đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Tất Thành đã nhận được sự giáo dục và nuôi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống nhân ái của dân tộc: thương người, thương dân, khát vọng có cuộc sống tự do, no ấm, hạnh phúc. Chính lòng yêu nước, ý thức dân tộc đã đưa Nguyễn Tất Thành đi sang Pháp và các nước phương Tây để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, bị áp bức, bóc lột.
Ngay từ ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước và quá trình bôn ba ở nước ngoài, từ khi là Nguyễn Tất Thành rồi đến Nguyễn Ái Quốc và trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn luôn hướng về Tổ quốc, day dứt nỗi đau mất nước; luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, lấy đó làm động lực vượt qua mọi khó khăn thử thách để tìm ra con đường cách mạng đúng đắn. Người có một nỗi khát khao tột bậc, làm sao cho nước nhà được độc lập, nhân dân được sống tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, cũng được học hành. Nỗi khát khao đó chính là động lực tinh thần thôi thúc Người quyết chí ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc.
Từ ngày 5 tháng 6 năm 1911, rời bến cảng Nhà Rồng đi sang nước Pháp cho đến lúc đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin; từ việc đi ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm cách mạng Mỹ, Pháp, Trung Hoa,… đến việc tin theo V.I.Lênin, tin theo Quốc tế III đều xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước. Chính chủ nghĩa yêu nước đã giúp Nguyễn Ái Quốc đến với Quốc tế III, ủng hộ nước Nga Xô-viết. Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, Người đã sáng tỏ nhiều điều về con đường để giải phóng dân tộc Việt Nam. Người cho rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản; vấn đề độc lập dân tộc ở Việt Nam phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(1).
Từ bản khi nghiên cứu Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.LLênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới theo lập trường của giai cấp công nhân, trong đó có cách mạng Việt Nam. Niềm tin ấy là ngọn cờ tư tưởng để Nguyễn Ái Quốc vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin. Quyết tâm đi theo con đường của V.I.Lênin đã vạch, Nguyễn Ái Quốc xin gia nhập Uỷ ban Quốc tế III. Sau này, hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt là những năm ở Mát-xcơ-va, trong Quốc tế III, chủ nghĩa yêu nước chân chính vẫn là mục tiêu là động lực xuyên suốt trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, gần 40 năm sau, trong bài viết Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, đăng trên Báo Nhân dân, số 2226, ngày 22-4-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(2).
Như vậy, từ năm 1911 đến năm 1920, là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc khảo sát, nghiên cứu để lựa chọn con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Như vậy, sau năm 1920 đã đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người: Từ lòng yêu nước nồng nàn, ý thức dân tộc sâu sắc, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhắc lại sự kiện này, Hồ Chí Minh đã viết: “Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”(3).
Thứ hai, tìm hiểu thực chất “tự do, bình đẳng, bác ái” của các nước phương Tây, là động lực tinh thần trực tiếp thúc đẩy Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Sự thất bại của các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục của cuộc vận động Duy Tân và phong trào chống thuế ở các tỉnh Trung Kỳ đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành hướng về các nước phương Tây, mong muốn được đến tìm hiểu xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”? Trả lời câu hỏi đó, trong tác phẩm Chính sách thuộc địa (Theo báo cáo của mật thám Pháp ngày 13-12-1920, đây là bài báo Nguyễn Ái Quốc viết cho báo Nhân đạo (L’ Humanité)) Người đã sớm đưa ra câu trả lời “Nước Pháp thì, núp sau lá cờ ba sắc tự do, bình đẳng, bác ái, đang đưa vào các thuộc địa của nó rượu, thuốc phiện, mại dâm và gieo rắc nghèo đói, lụn bại và chết chóc cho dân bản xứ bên cạnh sự giàu sang kiếm được bằng cách bất lương của nó”(4).
Quyết tâm đi ra nước ngoài để “xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào” nhằm mục đích cao cả là tìm con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khắc phục sự hạn chế của các phong trào yêu nước bị thất bại của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã khẳng định tư duy “vượt thời đại” của Người so với nhân sĩ, trí thức yêu nước ở Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, sớm thông tuệ đạo Thánh hiền, “lấy đức trị quốc”, nhưng Nguyễn Tất Thành đã vượt qua phương thức chống giặc ngoại xâm theo lập trường của phong kiến, không đi theo con đường cứu nước của Nho giáo. Vượt qua tư tưởng Tôn Quân, Nguyễn Tất Thành phê phán tất cả các phong trào yêu nước “nặng cốt cách phong kiến” dù cốt cách đó có chiều dày hàng ngàn năm lịch sử. Người cũng đã vượt qua lập trường dân chủ tư sản và tiểu tư sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam; đồng thời phê phán tính không triệt để của nó; thấy được lập trường dân chủ tư sản, tiểu tư sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến chưa đủ sức tập hợp lực lượng để chống lại chủ nghĩa thực dân, tất yếu sẽ bị thất bại, bị thực dân Pháp đàn áp dã man.
Nguyễn Tất Thành luôn khát khao vươn tới đỉnh cao văn minh, trí tuệ nhân loại, không muốn tìm câu trả lời có sẵn, mặc dù những điều đã có là truyền thống dân tộc. Nói về mục đích ra đi của Nguyễn Tất Thành, trong bài viết Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc của nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam, đã dẫn lại lời của Người rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”(5). Một lần khác trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(6).
Từ những động lực tinh thần mạnh mẽ, lý tưởng khát khao vươn tới đỉnh cao văn minh, trí tuệ của nhân loại, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc để đi đến các nước: Pháp, Anh, Mỹ, I-ta-li-a, Thụy Sĩ, Đức, Toà thánh Vaticăng, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan và các nước châu Phi... Người đi nhiều nơi trên thế giới, chiêm nghiệm nhiều và chứng kiến biết bao cảnh người dân lao động bị áp bức, bóc lột trên thế giới; Người tự lao động để sống, để học tập, để hoạt động cách mạng, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tích lũy được rất nhiều bài học kinh nghiệm để lãnh đạo cách mạng sau này.
Từ bản lĩnh vượt lên chính mình cho thấy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một con người vừa có tâm, vừa có tầm và vừa trí, nặng lòng lòng yêu nước, thương dân. Người biết nhìn xa, trông rộng, thấy được xu thế phát triển của thời đại, thấu suốt tình hình thế giới, trong nước; thấy được lợi ích căn bản của dân tộc và lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam. Người là hiện thân của nghị lực vượt mọi khó khăn để vươn lên, tinh thần học hỏi cầu tiến bộ, biết vứt bỏ các thiên kiến cũ để có được sự chỉ dẫn bởi tri thức của Nhân dân, học hỏi được tinh hoa văn hoá nhân loại, nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin để nâng tầm bản thân, đưa dân tộc ta vươn tầm thời đại.
Ba là, khát vọng giải phóng dân tộc, vì ấm no, tự do và hạnh phúc thực sự của Nhân dân là động lực tinh thần trực tiếp thúc đẩy Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước
Đi từ miền Trung đến miền Nam, Nguyễn Tất Thành hiểu rõ: dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Nam Kỳ, cũng chẳng khác gì dưới chế độ bảo hộ ở Trung Kỳ và dưới chế độ nửa thuộc địa, nửa bảo hộ ở Bắc Kỳ. Ở đâu nhân dân cũng bị áp bức, bóc lột, đồng bào cũng bị đọa đày, khổ nhục. Điều đó càng thôi thúc Nguyễn Tất Thành đi sang các nước phương Tây để xem nhân dân các nước ấy làm như thế nào mà trở nên độc lập, hùng cường, rồi sẽ trở về “giúp đỡ đồng bào” đánh đuổi thực dân Pháp. Động lực tinh thần ấy đã dẫn Người từng bước đi tìm một phương hướng mới để cứu nước, cứu nhân dân ta thoát khỏi cảnh bị áp bức, lầm than.
Quá trình tìm đường cứu nước, văn minh phương Tây đã đem lại những giá trị mới mang tính cách mạng và khoa học trong tư tưởng cứu nước của Nguyễn Tất Thành mà ở phương Đông lúc bấy giờ chưa có. Đó là những khái niệm: tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền, dân quyền, pháp quyền, dân chủ, cách mạng xã hội, đặc biệt là chủ nghĩa cộng sản và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo Luận cương của V.I.Lênin. Từ thực tiễn tìm hiểu con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã học được rất nhiều về các mô hình tổ chức đời sống nhà nước và đời sống xã hội theo hình thức chính thể cộng hoà, dân chủ. Những giá trị tiến bộ của phương Tây đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến tư tưởng của Người. Những tư tưởng tiến bộ và cách mạng của thế giới được Nguyễn Áí Quốc áp dụng vào quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng xã hội mới ở Việt Nam sau này.
Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945, Người viết: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(7) Những giá trị mà theo Hồ Chí Minh là quý nhất như “độc lập”, “tự do” là “quyền tự nhiên”, không có trong các chế độ phong kiến chuyên chế phương Đông và ở các nước thuộc địa. Đây là những giá trị của văn minh nhân loại, phản ánh những quyền cơ bản của con người, của các dân tộc. Bất kỳ một lực lượng cách mạng nào, một nhà nước nào muốn tập hợp nhân dân, muốn đoàn kết nhân dân, trước hết phải thực hiện những quyền cơ bản đó.
Như vậy, nhờ có động lực tinh thần đúng đắn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc cho dân tộc ta. Thay cho lời kết, chúng tôi xin nhắc lại bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Báo Dranma, Cu Ba: “Một con người đã tập trung vào mình tất cả những đặc điểm cao nhất không những của một dân tộc đặc biệt mà của cả một lớp nhân loại khác thường: đó là lớp nhân loại biết sống mãi mãi một cuộc sống tươi trẻ và không vụ lợi, một lớp nhân loại biết nuôi dưỡng và thúc đẩy trí tuệ của cách mạng, làm cho cách mạng phát triển một cách chắc chắn,…”(8)./.
TS. Hà Sơn Thái
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
ThS. Nguyễn Văn Sương
Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk
-------------------------------------------
Chú thích:
(1) (2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, tr.562; tr.563; tr.740.
(4) (5) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, tr.31; 461.
(6) Báo Nhân dân, ngày 18/5/1965.
(7) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, tr. 1.
(8) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, tr. 49.
(9) Trần Văn Giầu: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam (Tái bản), Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự Thật, H, 2011, tr. 441.