1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức học tập, quán triệt chuyên đề nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả:
Thực hiện Chỉ thị 05, Tỉnh ủy, các cấp ủy xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Vì thế, việc xây dựng kế hoạch, triển khai học tập, nghiên cứu và tuyên truyền, thực hiện được chỉ đạo cụ thể, toàn diện, đồng bộ, hiệu lực, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, các quy định về nêu gương; hướng vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc của từng cơ quan, đơn vị, Nhân dân; trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với tình hình chính trị của tỉnh nhà.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành hơn 20 văn bản; cấp huyện ban hành hơn 870 văn bản, cấp xã ban hành hơn 356.380 văn bản. Nhờ đó, việc tổ chức học tập, quán triệt chuyên đề toàn khóa, hằng năm được triển khai nghiêm túc, chủ động, sáng tạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được sâu rộng, kịp thời; chủ động, linh hoạt gắn với các ngày lễ, ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị trọng đại; đảm bảo nội dung, tiến độ quy định, đạt trên 97%, tỷ lệ tập thể, cá nhân viết thu hoạch và cam kết đạt 98%, đã nâng cao nhận thức và hành động của cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.
2. Đổi mới cách xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình hành động, kế hoạch làm theo Bác
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa nội dung thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW vào chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy toàn khóa, hằng năm; chủ động, linh hoạt vận dụng sáng tạo 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trong đó, xác định những nhiệm vụ cần làm ngay, thường xuyên và giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị tham mưu thực hiện theo lộ trình; trong đó, nổi bật là: (1) Tập trung thực hiện cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, minh bạch, tạo môi trường thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”, từ việc xem doanh nghiệp là “đối tượng quản lý” sang là “đối tượng phục vụ” (trong 05 năm qua, chỉ số PCI của Quảng Nam thuộc tốp 10/63 tỉnh, thành phố). (2) Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,9% năm 2015 xuống còn 5,37% năm 2020). (3) Tổ chức rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (giảm 22 đầu mối cấp phòng, 55 cán bộ lãnh đạo cấp phòng, tinh giảm 402 biên chế, giảm 3 đơn vị xã, 479 thôn), bổ sung hoàn chỉnh các quy định khung về tiêu chuẩn cán bộ; phát hiện, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ. (3) Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường, xác định đây là vấn đề cấp bách, bức xúc của cả hệ thống chính trị nên tập trung giải quyết. (4) Tăng cường quản lý đất đai, quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. (5) Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, diện mạo nông thôn đổi mới mang tính toàn diện (đến cuối năm 2020 có 116 xã/200 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 58%, thu nhập dầu người khu vực nông thôn đạt 40,5tr/người/năm).
Việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch làm theo gắn với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực, như: Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” , cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hoặc gắn với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”… Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020 đến nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, các cấp, các ngành tích cực vận động, kêu gọi ủng hộ để kịp thời chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
3. Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ, văn hóa chính trị, chấn chỉnh lề lối, tác phong của cán bộ, đảng viên:
Thường trực Tỉnh ủy công khai hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo; duy trì, thực hiện tốt việc đối thoại với nhân dân định kỳ, đột xuất, chuyên đề; duy trì chuyên mục tiếp nhận, trả lời, giải đáp những vấn đề người dân thắc mắc. Cấp ủy các cấp, lãnh đạo các địa phương, đơn vị chỉ đạo, tổ chức thực hiện rà soát, xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhân dân; bổ sung, xây dựng quy chế làm việc, xây dựng bộ quy tắc ứng xử theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, quy định rõ thái độ, trách nhiệm thực hiện văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở... Qua đó, đã chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo được những chuyển biến khá rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới phong cách gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh “thành tích”, bệnh “hình thức”; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhũng nhiễu, tiêu cực; nâng cao tinh thần trách nhiệm, “nói đi đôi với làm”. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện, tổ chức thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm, hình thành tác phong, lề lối làm việc văn minh, lịch sự, thân thiện... được nhân dân đánh giá cao.
4. Đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ định kỳ và sinh hoạt chuyên đề gắn với cam kết, đăng ký làm theo của tập thể, cá nhân là nội dung quan trọng trong công tác sinh hoạt Đảng:
Đối với Bản tin sinh hoạt chi bộ phát hành trên toàn tỉnh, ngoài tài liệu chuyên đề hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo định kỳ hằng tháng lựa chọn những nội dung, mẩu chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những câu nói, bài viết, tác phẩm của Bác để đưa vào nội dung định hướng trong trong sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Từng tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên tự liên hệ xây dựng kế hoạch phấn đấu và đăng ký nội dung làm theo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với chức trách, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được giao, tập trung vào việc giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; hướng vào giải quyết những vấn đề liên quan đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đổi mới lề lối làm việc, phong cách, ứng xử; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xóa đói giảm nghèo; cải cách hành chính...để góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch,vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức.
5. Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW với việc tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII:
Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, công tác tự phê bình và phê bình là giải pháp trọng yếu, liên tục, thường xuyên cần phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả. Trong đợt kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hàng năm, cấp ủy các cấp đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng tiến độ và chất lượng; cấp ủy cấp trên đã chủ động gợi ý kiểm điểm đối với cấp ủy cấp dưới, đơn vị có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều nơi đã chú trọng khâu nhận diện và xác định rõ những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo 27 biểu hiện tại Nghị quyết Trung ương 4, từng bước khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, phát huy tinh thần đấu tranh kiên quyết bảo vệ cái đúng, phản bác, loại trừ cái sai, biểu hiện lệch lạc. Do đó, công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình từng bước thực chất hơn, hiệu quả hơn.
6. Đề cao, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị:
Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tích cực tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW, Quy định số 55-QĐ/TW, Quy định số 101-QĐ/TW, trực tiếp, thường xuyên, cụ thể theo Quy định 1224-QĐi/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vấn đề nêu gương.
Qua đó, hầu hết cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tự soi, tự sửa; khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII; đẩy mạnh xây dựng đoàn kết nội bộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tỵ với công việc được giao. Nhiều cơ quan, đơn vị thiết lập đường dây nóng qua các số điện thoại của lãnh đạo để lắng nghe người dân phản ánh thông tin mang tính nổi cộm, bức xúc để kịp thời giải quyết. Từng đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành cấp tỉnh, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch nêu gương, tu dưỡng rèn luyện, báo cáo trước chi bộ đang sinh hoạt, trước ban thường vụ cấp ủy.
Việc xây dựng bản chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ có nội dung sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá. Nhờ đó, đã dần hình thành văn hóa công vụ; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính; gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân; chống bệnh “thành tích”, bệnh “hình thức”; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhũng nhiễu, tiêu cực; nâng cao tinh thần trách nhiệm, “nói đi đôi với làm”… góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương.
7. Tập trung xây dựng các mô hình hay, sáng tạo và nhân rộng đã tạo sư lan tỏa trong toàn tỉnh:
Qua 5 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, tỉnh Quảng Nam chú trọng xây dựng, nhân rộng các gương điển hình, mô hình tiêu biểu với phương châm “lấy cái đẹp đè bẹp cái xấu”; nhờ đó, đã tạo sự lan tỏa thực chất, hiệu ứng tích cực, xuất hiện hàng trăm mô hình, cách làm sáng tạo có hiệu quả được các cấp, các ngành ghi nhận, duy trì, phát triển và nhân rộng điển hình. Bên cạnh những mô hình hay, sáng tạo, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh, trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng Đảng; trong lực lượng vũ trang... rất đáng để trân trọng, tôn vinh. Để thông tin, giới thiệu, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, mô hình, cách làm hay, hiệu quả, những tấm lòng vì cộng đồng đến tận cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai biên soạn Tập sách “Quảng Nam - Những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2016 - 2020)”.
8. Công tác thông tin, tuyên truyền và biểu dương, khen thưởng được thực hiện thường xuyên, hiệu quả đã đưa Chỉ thị 05 vào cuộc sống, bám rễ trong đời sống xã hội:
Căn cứ kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền của Trung ương, Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng nhiều hình thức đa dạng. Các cơ quan báo, đài, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, các ngành lấy thông tin, tuyên truyền về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và nội dung các chuyên đề là nhiệm vụ trọng tâm. Các Trang, Cổng thông tin điện tử trên toàn tỉnh đều mở chuyên mục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức các cuộc thi; sân khấu hoá các tác phẩm văn học - nghệ thuật viết về Bác; sinh hoạt chuyên đề về Bác; đăng tải các bài viết, phóng sự về gương “người tốt, việc tốt”; những mô hình hay, cách làm sáng tạo (qua 5 năm, có hơn 3.500 bản tin, bài viết, phim tư liệu, hình ảnh tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh, cấp huyện).
Công tác biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, tiên tiến được cấp uỷ các cấp quan tâm, trở thành thi đua chuyên đề và thường xuyên…đã cổ vũ, động viên mọi người tích cực làm theo. Để biểu dương, tôn vinh, hằng năm, các cấp ủy đã tổ chức gặp mặt, giao lưu hoặc lồng ghép trong hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời tôn vinh, tạo ra sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội (Trong 5 năm, đã xét chọn 36 tập thể, cá nhân để tham gia triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Trung ương tổ chức, toàn tỉnh đã khen thưởng 534 tập thể, cá nhân tiêu biểu ). Định kỳ dịp 19/5 hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với UBND tỉnh tổ chức chương trình giao lưu các điển hình …với tính chân thật, sâu sắc, xúc động, gây ấn tượng, truyền cảm hứng, tạo sức lan tỏa từ các tập thể, cá nhân điển hình ra toàn xã hội.
9. Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW được thực hiện lực, hiệu quả, sát thực: Theo chương trình toàn khóa, định kỳ hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 là nội dung trọng tâm; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan chuyên tổ chức kiểm tra, giám sát theo chức năng một cách nghiêm túc, hiệu quả. Đã đổi mới, chú trọng về chất lượng, nội dung kiểm tra theo hướng trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, gắn kiểm tra, giám sát tổ chức đảng với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra, giám sát đã đánh giá đúng ưu điểm, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm của các cấp ủy, tổ chức đảng; bổ sung, khắc phục những bất cập, chồng chéo trong quy định, cơ chế.
Nguyễn Hữu Thiên
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam