Chủ Nhật, 12/5/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 27/8/2019 10:0'(GMT+7)

Đồng Nai “về đích” sớm thu hút FDI năm 2019

Đồng Nai vẫn là điểm đến hấp dẫn

7 tháng của năm 2019, lượng vốn FDI đổ vào Đồng Nai đạt con số hơn gần 1,2 tỷ USD, vượt kế hoạch 1 tỷ USD. Trong đó, có 55 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký trên 537 triệu USD và 64 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm gần 605 triệu USD.

Các dự án FDI vào Đồng Nai vẫn tiếp tục phù hợp với chủ trương của tỉnh là thu hút có chọn lọc, ưu tiên dự án công nghệ cao, dự án thân thiện với môi trường, thu hút lao động có tay nghề, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… vẫn là những quốc gia có nhiều dự án FDI tại Đồng Nai. Có thể kể đến một số dự án cấp mới có vốn đầu tư lớn như: dự án Công ty Otsuka Techno Việt Nam của Nhật Bản đăng ký vốn đầu tư 72 triệu USD; dự án nhà máy Công ty Kenstone Việt Nam đăng ký 20 triệu USD, dự án nhà máy Optima Power Tools Việt Nam của Hong Kong đăng ký 20 triệu USD… Ngoài ra còn nhiều dự án tăng vốn từ vài triệu đến hàng chục triệu USD.

Đến nay, các doanh nghiệp đến đầu tư tại Đồng Nai vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư tại đây. Ông Yoshida Mizuho – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) cho biết, ông hoàn toàn hài lòng khi chọn đặt nhà máy tại Đồng Nai. “Đến Đồng Nai đầu tư, chúng tôi hầu như không gặp phải khó khăn gì, đồng thời được hỗ trợ rất tốt, từ vấn đề nhà xưởng, nguồn cung cấp điện, nước, gas… đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp cơ khí chính xác”, ông Yoshida Mizuho khẳng định.

Đáng chú ý, việc thu hút FDI ở Đồng Nai không chỉ “đẹp” ở con số đăng ký mới hoặc đăng ký tăng vốn, mà việc giải ngân cũng đạt kết quả rất cao. 7 tháng qua, các dự án FDI ở Đồng Nai giải ngân được gần 900 triệu USD, lớn hơn kế hoạch cả năm đặt ra là 800 triệu USD. Con số này cho thấy sau khi được cấp phép, nhà đầu tư nhanh chóng rót vốn, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, máy móc nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động.


Hiệu quả từ hướng đi phù hợp

Năm 2019 không phải là năm đầu tiên thu hút FDI của Đồng Nai “về đích” sớm. Thực tế là trong vài năm trở lại đây, mỗi năm Đồng Nai đặt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD và năm nào cũng hoàn thành vượt chi tiêu.

Có được những kết quả ấn tượng này, theo ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đồng Nai, là nhờ tỉnh có những lợi thế lớn như vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật, giao thông có sẵn và đang dần hoàn thiện. “Có thể khẳng định Đồng Nai vẫn là tỉnh có sức hút rất tốt về thu hút đầu tư. Chúng tôi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang hoàn thiện, đặc biệt là có nhiều tuyến cao tốc huyết mạch chạy qua, và tương lai sẽ là Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhờ đó có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng chọn Đồng Nai làm điểm đến”, ông Hồ Văn Hà cho biết. 

Bên cạnh đó không thể không nhắc tới những nỗ lực mang tính chủ động của Đồng Nai, đó là việc cải cách mạnh mẽ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp thuận lợi khi đến đầu tư; đó là thái độ, sự nhiệt thành của những người, những cơ quan có trách nhiệm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mỗi khi họ gặp vướng mắc, khó khăn. Đồng Nai tổ chức thực hiện việc xúc tiến đầu tư tại chỗ, mọi vấn đề, vướng mắc phát sinh của nhà đầu tư đều được giải quyết, từ các vấn đề cụ thể cho tới các đề xuất về mặt chính sách. Tại bộ phần một cửa của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, thời gian giải quyết hồ sơ tại đây được thực hiện rút gọn trung bình chỉ bằng khoảng 60 – 70% thời gian theo quy định. Do đó Đồng Nai tạo được ấn tượng tốt, giúp nhà đầu tư yên tâm khi đặt mang đồng vốn của mình đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 1.804 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư gần 33 tỷ USD. Đồng Nai hiện tỉnh hiện có 35 khu công nghiệp, trong đó 32 khu công nghiệp đã cho thuê đất với tỷ lệ lấp đầy đạt 78,5%.

Với các lợi thế của mình, Đồng Nai còn nhiều dư địa để có thể tiếp tục thu hút FDI một cách mạnh mẽ, thì con số 1 tỷ USD FDI mỗi năm có thể là ít so với khả năng của Đồng Nai. Về vấn đề này, ông Mai Văn Nhơn, Phó Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho rằng, ở thời điểm hiện tại con số giá trị thu hút không còn có ý nghĩa để đánh giá thành tích, mà quan trọng là tính hiệu quả và phù hợp của các dự án. Chúng tôi thu hút FDI có chọn lọc, mà chọn lọc như vậy thì không thể đặt giá trị càng lớn càng tốt mà phải là càng hiệu quả càng tốt, càng sạch càng tốt v.v… Các tiêu chí của chọn lọc đưa ra không tương đồng với giá trị tổng thu hút. Do đó con số chúng tôi đặt ra mang tính chất là không tạo áp lực, mà cái chính là phải đi theo đúng định hướng đã đề ra”, ông Nhơn phân tích.

Những chính sách thu hút của Đồng Nai đang cho thấy hiệu quả, bằng chứng là số vốn đầu tư FDI cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ hiện chiếm khoảng 40% tổng vốn đăng ký mới; kinh nghiệm quản lý của các quốc gia tiên tiến cũng dần được chuyển giao cho người Việt. Nếu như trước đây, phần lớn quản lý ở các doanh nghiệp FDI là người nước ngoài, thì nay nhiều doanh nghiệp có quản lý, giám đốc, tổng giám đốc là người Việt. Và cũng không ít trong số này tách ra thành lập doanh nghiệp độc lập và trở thành đối tác của chính doanh nghiệp nước ngoài mà họ đã từng làm việc trước đó.

Cũng theo ông Nhơn, chính sách thu hút của Đồng Nai cũng giúp vấn đề thâm dụng lao động giảm xuống. Nếu như trước đây mỗi năm các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Đồng Nai (mà chủ yếu là doanh nghiệp FDI) cần khoảng 30.000 lao động mới, thì hiện nay giảm xuống còn khoảng 12.000 đến 15.000. Trong đó khoảng 2/3 là dành cho các doanh nghiệp cũ mở rộng sản xuất, còn lại là cho doanh nghiệp mới đăng ký. Đầu tư mới lớn hơn đầu tư mở rộng nhưng lại cần ít lao động hơn, điều này cho thấy các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư trong lĩnh vực sử dụng ít lao động, đồng nghĩa với hàm lượng công nghệ phải tăng lên./.

Xuân Lượng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất