Thứ Năm, 28/11/2024
Môi trường
Thứ Hai, 28/2/2011 21:44'(GMT+7)

Đông Nam Á thiệt hại 6,7% GDP vì biến đổi khí hậu

 

Thông báo này được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo về các công cụ chính sách phát triển nền kinh tế Xanh do Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.

Hội thảo đã giới thiệu các công cụ chính sách thúc đẩy tăng trưởng Xanh, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm thiết lập cơ sở phối hợp và thực hiện chiến lược tăng trưởng Xanh, ứng dụng phù hợp với nhu cầu hiện tại và tương lai của mỗi nước.

Giám đốc về phát triển và môi trường của UNESCAP Rae Kwon Chung cho rằng tăng trưởng Xanh cung cấp cơ sở hợp lý cho mô hình phát triển mới, trong đó tập trung khuyến khích và thúc đẩy thay đổi hệ thống kinh tế thông qua “Xanh hóa” các hệ thống kinh tế thông thường nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Do đó, các nước Đông Nam Á cần tận dụng cơ hội để thay đổi các mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay và UNESCAP sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ cần thiết.

Tổng Thư ký Ủy ban Phát triển xã hội và kinh tế của Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho rằng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, các nước Đông Nam Á cần hợp tác quốc tế hiệu quả hơn, thực hiện các chiến lược và chính sách tăng trưởng mới, trong đó khuyến khích lối sống và hành vi tiêu dùng mới, xây dựng các đô thị đồng thời với khu vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn xanh hơn, môi trường lành mạnh hơn.

Trong khi đó, gần đây, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường rất thường xuyên được đề cập tại các nước phát triển. Phát triển bền vững không còn là một khái niệm mơ hồ như cách đây vài năm. Các vấn đề liên quan đến khí hậu, đa dạng sinh học, sức khỏe cộng đồng… đã dần được các chính phủ đưa vào thực tế bằng các quy tắc ứng xử mới trong hệ thống luật quốc tế thông qua các hiệp đinh thư hay công ước liên quan đến bảo vệ môi trường trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc và được các doanh nghiệp biến thành các giá trị kinh tế cụ thể.

Theo thống kê, chỉ riêng ở nước Pháp, từ nay đến năm 2020, doanh thu của nền Kinh tế xanh sẽ là 3.000 tỷ euro, từ năm 2020 đến 2050 sẽ là 10.000 tỷ euro (theo số liệu của l’Expansion). Còn tại Đức, nền Kinh tế xanh đã tạo ra hơn 1,6 triệu việc làm mới. Ngành nào sẽ là mũi nhọn của nền kinh tế xanh?

Trước tiên là ngành xây dựng, các toà nhà của ngày mai sẽ được xây dựng với các vật liệu ít gây ô nhiễm hơn, tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình sử dụng và có thể tự chế tạo nhiên liệu…

Sau đó sẽ là các ngành sản phẩm sinh học (thức ăn, mỹ phẩm, quần áo, giày dép…), nhiên liệu thiên nhiên tái sử dụng, nghành chống ô nhiễm môi trường (hệ thống xử lý nước thải, môi trường đất, rác…), ngành giao thông vận tải (các loại xe tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng các nhiên liệu thiên nhiên…)…

Bằng chứng cụ thể về sự tin tưởng vào tiềm năng của nền Kinh tế xanh là sự tham gia rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây của các tập đoàn kinh tế, tài chính lớn như L’Oréal, HSBC…

Theo các chuyên gia, sự phát triển kinh tế trong những năm sắp tới sẽ là sự phát triển của Kinh tế xanh. Nhờ nền kinh tế này, các thành phần kinh tế còn lại sẽ được tiếp tục duy trì phát triển và sẽ dần chuyển hướng theo mục đích bảo vệ môi trường trước các bắt buộc pháp lý.


Theo TTXVN/Bộ Tài nguyên và môi trường
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất