Thứ Sáu, 20/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Năm, 10/8/2017 15:8'(GMT+7)

Đồng Tháp: Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế


 Đồng chí Lê Minh Hoan, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì Hội nghị.

Đại biểu dự Hội nghị được nghe đồng chí Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập kinh tế quốc tế giới thiệu chuyên đề “Tình hình hội nhập kinh tế quốc tế trong và ngoài nước; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Theo đó, cơ hội của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đó là: Cải thiện cơ cấu thị trường xuất khẩu; mở thêm thị trường cho hàng hóa Việt Nam; tham gia các chuỗi sản xuất khu vực và thế giới; tạo thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; tham gia sâu hơn vào mạng lưới khu vực và quốc tế; phải nhanh để thu hút đầu tư và tiếp cận các thị trường lớn... Do đó, để đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, Việt Nam cần phải quan tâm thực hiện tốt các nội dung sau:

Đối với cơ quan quản lý: Thường xuyên cập nhật tư duy quản lý trong tình hình mới, chuyển từ chọn – cho dần sang chọn – bỏ; nắm vững các cam kết quốc tế và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn và kiến thức về hội nhập quốc tế, đặc biệt là kinh tế quốc tế; tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi; chủ động xây dựng kế hoạch hành động, xác định các giải pháp tận dụng cơ hội, đối phó với thách thức; tăng cường công tác tuyên truyền...

Đối với doanh nghiệp: Hiện nay, mức độ sẵn sàng trong hội nhập của các doanh nghiệp chưa cao. Do đó, các doanh nghiệp cần phải chủ động đánh giá được các tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần phải: Tìm hiểu kỹ và theo dõi các biến động trên thị trường khu vực và thế giới; đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp để mở rộng quy mô, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ; tự đổi mới công nghệ và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài để hiện đại hóa công nghiệp trong nước nhằm sản xuất sản phẩm chất lượng cao, chi phí hợp lý, đồng thời quan tâm phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng...

Đối với địa phương: là cầu nối, xúc tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp để chuyển tải, đẩy mạnh thông tin đến doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, đào tạo, thông tin; quy hoạch, định hướng, giúp doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất để phù hợp với môi trường kinh doanh đang biến đổi bởi các FTA; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp...

Giới thiệu chuyên đề về “Nông nghiệp – Nhìn từ góc độ các Hiệp định Thương mại tự do: Cơ hội và thách thức với sản phẩm nông sản, lâm sản và thủy sản đối với xuất khẩu nông sản – Liên hệ với tỉnh Đồng Tháp”, Tiến sĩ Lê Thanh Hòa – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có nhiều cơ hội, lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn: cơ chế giải quyết các vấn đề kỹ thuật nhanh hơn; tiếp tục duy trì thị trường xuất khẩu vào các nước ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu với nhiều sản phẩm; đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau; tận dụng cơ hội hỗ trợ kỹ thuật từ các nước phát triển; hài hòa lợi ích trong thương mại giữa Việt Nam với các đối tác. Song, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bởi vì, thị trường tại các nước thành viên WTO, khu vực ASEAN và các nước có FTA với Việt Nam đòi hỏi: chất lượng sản phẩm thường rất cao, kiểm soát nhập khẩu thông qua chuỗi, có xu thế bảo hộ nên các quy định về SPS rất nghiêm ngặt, đòi hỏi có quy trình giám sát an toàn thực phẩm (ATTP), truy xuất nguồn gốc và triệu hồi sản phẩm mất ATTP.

Để duy trì và phát triển thị trường trong nước và quốc tế, Việt Nam cần phải có những giải pháp đồng bộ:

Đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: lập kế hoạch tổ chức sản xuất và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, gia súc, gia cầm, thủy sản có chất lượng; đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về ATTP; xây dựng chương trình quản lý chất lượng an toàn sản phẩm; áp dụng các quy trình sản xuất hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường; tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi bảo đảm giám sát được các mối nguy đến ATTP; đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao.

Đối với việc bảo quản và chế biến sản phẩm: Kiện toàn và nâng cao các nhà máy chế biến đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về ATTP; xây dựng nhà máy chế biến có công nghệ cao, giúp đảm bảo và nâng cao chất lượng cho sản phẩm và kho bảo quản đáp ứng yêu cầu cho chuỗi cung ứng; xây dựng hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu cho bảo quản sản phẩm; đào tạo cán bộ quản lý và kỹ thuật có kỹ năng quản lý, điều hành sản xuất và giám sát ATTP.

Đối với thương mại nông sản thực phẩm: Nâng cao năng lực và nhận thức của doanh nghiệp trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS; nâng cao nhận thức của người sản xuất vì lợi ích cộng đồng; thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý với doanh nghiệp và người sản xuất; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị sản phẩm...

Theo Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, tỉnh Đồng Tháp có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi cho phát triển trồng trọt và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Đồng Tháp đã có kế hoạch tổng thể sản xuất các sản phẩm chất lượng và định hướng sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng như: lúa gạo, cây ăn quả, hoa tươi, cá tra...; quan tâm đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật cho cán bộ quản lý và kỹ thuật; đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, áp dụng các quy trình chế biến, thu hoạch đảm bảo chất lượng và ATTP... Để tiến tới tiêu chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp cần phải đa dạng hóa các loại sản phẩm, kết hợp với tiến bộ kỹ thuật nhằm đảm bảo tính bền vững và thu nhập của người dân. Đầu tư dây chuyền chế biến và bảo quản nông sản thực phẩm đáp ứng quy trình thị trường. Liên doanh, liên kết để đa phương hóa và đa dạng hóa thị trường...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ cho biết: Việt Nam đang trên bờ vực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, nếu người dân và doanh nghiệp không thay đổi cách thức sản xuất và không liên kết với nhau sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Chúng ta phải khởi động ngay từ bây giờ để phát triển các ngành hàng nông sản của Tỉnh; phải hợp tác trong sản xuất để giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và lợi nhuận. 

Đồng chí Lê Minh Hoan đề nghị: Đối với các cấp ủy, chính quyền, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh phải tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nội dung các chuyên đề nêu trên trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chi hội, tổ hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để người dân nhận thức đúng, thay đổi nhận thức và tham gia hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đối với cộng đồng các doanh nghiệp phải mạnh dạn thay đổi trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ mới; có trách nhiệm trong hành động; phải nâng cao sự cạnh tranh để dẫn dắt nền kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững trong thời gian tới./.

Minh Phú 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất