Thứ Hai, 25/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 8/10/2016 18:13'(GMT+7)

“30 năm đổi mới: Thành tựu, bài học và triển vọng”

PGS.TS Phạm Quang Minh phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Phạm Quang Minh phát biểu tại Hội thảo

Sáng 8/10, tại Hà Nội, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp với Quỹ Kondrad Adenauer tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “30 năm đổi mới: Thành tựu, bài học và triển vọng”. Tham dự hội thảo có Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV; TS. Stefan Kaufmann, Nghị sĩ Quốc hội Đức; ông Peter Girke, đại diện quỹ KAS; và nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: 30 năm trước, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã thông qua chính sách đổi mới, mở ra một chương mới trong lịch sử Việt Nam. Quá trình cải cách được tiến hành sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, chuyển nền kinh tế sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình đổi mới đã đạt được những thành tựu lớn trên mọi mặt, dân chủ hóa các hoạt động chính trị, kinh tế phát triển, xóa đói giảm nghèo... Lĩnh vực ngoại giao đạt thành tựu to lớn, đa dạng hóa, đa phương hóa các chính sách ngoại giao.

Theo PGS.TS Phạm Quang Minh, Hội thảo khoa học quốc tế lần này với sự tham dự của các học giả nước ngoài sẽ mang đến một cái nhìn từ bên ngoài về quá trình đổi mới của Việt Nam trên cả những thành tựu cũng như hạn chế còn tồn tại.

Tham dự Hội thảo, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Việt Nam đã ưu tiên đổi mới kinh tế đi đôi với từng bước đổi mới về chính trị. Quá trình đổi mới dựa trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa của nhân loại và áp dụng phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Bên cạnh đó, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng nhắc tới thành quả trong việc đổi mới mang tính đồng bộ, từ mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp. Và quá trình đổi mới đã luôn dựa trên nguyên tắc lấy dân làm gốc.

Bởi vậy, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có sự chuyển mình ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Năm 2015, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, với việc tham gia Tổ chức thương mại thế giới WTO, là thành viên của Cộng đồng ASEAN, tham gia đàm phán và kí kết nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng như TPP.

 
 Toàn cảnh Hội thảo

Các tham luận tại hội thảo như “Hội nhập quốc tế của Việt Nam – Đôi điều so sánh cùng các nước trong khu vực” của GS. Vũ Dương Ninh; “Hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng: 30 năm nhìn lại” của PGS.TS Nguyễn Hồng Quân; “Thành tựu 30 năm đổi mới văn hóa ở Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thu Hằng…. đã đánh giá những thành tựu của Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, hội nhập kinh tế, văn hóa, xã hội sau 30 năm đổi mới, từ 1986. Đồng thời, hội thảo cũng chỉ ra những bài học kinh nghiệm, những triển vọng và những thách thức mà Việt Nam gặp phải, cần giải quyết như thế nào để thúc đẩy quá trình đổi mới phát triển hơn, đạt được những thành tựu toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng chỉ ra nhiều thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt như: thách thức từ nợ công, bội chi ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế không đạt, thách thức trong vấn đề về an ninh Biển Đông hay nguy cơ tụt hậu...

Theo GS. Vũ Dương Ninh, ba mươi năm đổi mới đã qua với nhiều thành tựu đối nội và đối ngoại. Đời sống nhân dân đã có nhiều thay đổi đáng kể, vị thế quốc tế của đất nước cũng được nâng cao, đánh dấu một bước tiến lớn. Song, nếu so với với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách đáng kể. Vào thời điểm này, một sự đổi mới của đổi mới là nhu cầu khách quan và cấp thiết. Việt Nam đứng những thách thức cần vượt qua và cũng là một thời cơ cần nắm bắt.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất