Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 13 điểm cầu cấp huyện, thị xã, thành phố và Trường chính trị tỉnh vào sáng ngày 5/6. Đồng chí Nguyễn Tôn Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì Hội nghị.
Mở đầu cho chuyên đề “Thực trạng và giải pháp khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay”, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Thị Ngọc Đào chia sẻ một đoạn phim ngắn giới thiệu những thanh niên Đồng Tháp khởi nghiệp từ sản vật quê hương, gặt hái thành công bước đầu. “Năm 2016 được Chính phủ xác định là Năm Khởi nghiệp” - hưởng ứng phong trào này, đồng thời khơi dậy tiềm năng, thế mạnh địa phương, Đồng Tháp chú trọng khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp. Cuối tháng 3/2018, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp đã được thành lập với mục đích làm đầu mối giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư liên hệ các cơ quan hành chính giải đáp thủ tục, hồ sơ; kết nối các chuyên gia, kênh phân phối; tổ chức những buổi tập huấn kỹ năng, truyền cảm hứng. Về phương hướng hỗ trợ khởi nghiệp thời gian tới, các đơn vị chuyên môn tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; kết nối đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng nhiều hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm khởi nghiệp...
Chuyên đề “Thực trạng và giải pháp xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” do đồng chí Nguyễn Hữu Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình bày, nêu rõ, hiện toàn tỉnh hiện có 117 lễ hội (03 lễ hội cấp tỉnh, 05 lễ hội cấp huyện và 105 lễ hội cấp xã). Hầu hết các lễ hội diễn ra đúng pháp luật, trang nghiêm, tiết kiệm, hiệu quả. Nét mới của lễ hội ở Đồng Tháp là được tổ chức gắn với hoạt động du lịch, góp phần làm cho lễ hội hấp dẫn, thu hút. Việc cưới, việc tang cơ bản đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sử dụng âm thanh công suất lớn trong đám tiệc; một số nơi dựng rạp tổ chức đám cưới, đám tang lấn chiếm lòng đường, lề đường; ban nhạc lễ, tụng kinh âm thanh lớn... Để chấn chỉnh tình trạng trên, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa ra một số giải pháp, đó là: tăng cường công tác quản lý Nhà nước và sự phối hợp của các cơ quan hữu quan; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời khen thưởng những gương điển hình thực hiện tốt nếp sống văn minh; tổ chức lễ hội gắn với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân...
Phát biểu chỉ đạo định hướng tại Hội nghị, đồng chí Kiều Thế Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đề nghị các cấp uỷ đảng, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần tập trung tuyên truyền khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong nhân dân, nhất là lực lượng thanh niên; bồi dưỡng, vun đắp ước mơ, hoài bão nghề nghiệp chính đáng cho thế hệ trẻ; các ngành, các cấp và đơn vị liên quan tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh.
Đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, cần đảm bảo vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; tránh phô trương, lãng phí, thương mại hoá trong việc tổ chức; chú trọng đề cao tính gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện vấn đề này.
Mỹ Hiền - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp