Thứ Năm, 21/11/2024
Dân tộc - Tôn giáo
Thứ Tư, 15/11/2023 10:7'(GMT+7)

Phát triển văn hóa dân tộc thiểu số: Đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng

Mùa xuân biên cương. (Ảnh minh họa)

Mùa xuân biên cương. (Ảnh minh họa)

Xét về mặt văn hóa dân tộc, Việt Nam là đất nước đa văn hóa với 53 dân tộc thiểu số, trong đó mỗi dân tộc có nhiều ngành, nhóm địa phương khác nhau. Tính đa dạng về văn hóa không chỉ phổ biến ở các dân tộc mà còn phản ánh đậm nét ở các vùng, miền khác nhau. Sự đa dạng về địa hình và những giao lưu văn hóa là những yếu tố tạo nên tính đa dạng văn hóa, góp phần quan trọng làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Sự thống nhất trong đa dạng là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển, là tiềm năng, sức mạnh nội sinh, tính hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, đặc trưng đó cùng bản sắc văn hóa các dân tộc đang đối mặt với nhiều thách thức, có nguy cơ bị mai một, biến dạng. Vì thế, xử lý đúng đắn, hài hòa mối quan hệ giữa tính thống nhất và tính đa dạng của văn hóa Việt Nam là vấn đề cơ bản có ý nghĩa thực tiễn cấp bách.

Theo đó, trong xây dựng và thực thi chính sách, cần bảo đảm sự tôn trọng đa dạng văn hóa, chú ý tới đặc thù văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các dân tộc phải được bình đẳng, văn hóa của các dân tộc đều có giá trị như nhau, đều được tôn trọng ngang nhau. Không thể áp dụng các quan điểm ấu trĩ, tả khuynh; không thể cắt xén từng bộ phận, thành tố văn hóa để bảo tồn và phát huy. Khi nghiên cứu các yếu tố phát triển bền vững về văn hóa, cần có quan điểm toàn diện, chú trọng đến các yếu tố tự nhiên, chính trị, môi trường, kinh tế, xã hội của chủ thể văn hóa dân tộc, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả.

Theo các chuyên gia, xuất phát từ quan điểm về đa dạng văn hóa, về tính chỉnh thể, nguyên hợp trong văn hóa dân gian, về các yếu tố truyền thông xã hội…, cần rà soát lại các đạo luật và các chương trình mục tiêu, các thể chế, chính sách về văn hóa cho phù hợp với thực tiễn văn hóa vùng dân tộc thiểu số hiện nay. Cụ thể là:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Luật Di sản văn hóa. Cụ thể: 1) Cần mở rộng đối tượng được tôn vinh, đó là không chỉ tôn vinh nghệ nhân mà còn tôn vinh những người thực hành, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. 2) Cần bổ sung chính sách khuyến khích việc truyền dạy trực tiếp tại cộng đồng, chính sách nghệ nhân tham gia truyền dạy tại các cơ sở của ngành giáo dục, đưa nội dung di sản văn hóa phi vật thể vào giảng dạy tại các trường phổ thông, trường nghề, trường văn hóa - nghệ thuật. 3) Cần bổ sung chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nghệ nhân tham gia thực hành, sáng tạo văn hóa. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng theo hướng, bên cạnh việc tôn vinh bằng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, cần bổ sung đối tượng, hình thức tôn vinh, khen thưởng khác ở Điều 65 của Luật Thi đua khen thưởng. Việc bổ sung đối tượng, hình thức tôn vinh này cần thống nhất với Luật Di sản văn hóa.

Phụ nữ Dao Thanh Y ở xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) gói bánh chưng gù đón Tết. (Ảnh: Phạm Học)

Thứ hai, bổ sung một số nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình) cho phù hợp với đặc thù văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Chương trình đã có nhiều điểm phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên có một số điểm chưa thấm đẫm đặc trưng dân tộc, chưa thể hiện rõ sự tôn trọng cái riêng của các dân tộc trong lĩnh vực văn hóa…

Thứ ba, trong lĩnh vực tuyên truyền, vận động cần nghiên cứu, đổi mới một cách toàn diện, phù hợp hơn với bối cảnh của toàn cầu hóa, số hóa hiện nay, trong đó có nội dung đề cập đến những cơ hội và thách thức đặt ra từ sự phát triển của mạng xã hội đối với sự phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số, cũng như những giải pháp phù hợp để vượt qua thách thức, khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển.

Thứ tư, tăng đầu tư ngân sách cho văn hóa. Thực tế cho thấy, mức chi cho ngành văn hóa còn hạn chế khiến cho lĩnh vực này chậm phát triển, văn hóa chưa thực sự trở thành động lực của sự phát triển; nhiều địa phương chưa phát huy được lợi thế so sánh để phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn giúp tăng nhanh nguồn thu cho ngân sách. Vì thế, vấn đề cấp bách hiện nay là các địa phương cần đổi mới nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển, tránh tư tưởng coi nhẹ vai trò của văn hóa, xem văn hóa không phải là ngành sản xuất; khắc phục những hạn chế, bất cập, qua đó thúc đẩy văn hóa vùng dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Cần xác định, đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho nguồn lực con người./.

HOÀNG MINH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất