Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 25/7/2008 22:47'(GMT+7)

Đồng Tháp thực hiện chế độ Bí thư các cấp ủy Đảng đối thoại trực tiếp với dân

Biểu diễn máy gặt đập liên hợp cho nông dân Đồng Tháp

Biểu diễn máy gặt đập liên hợp cho nông dân Đồng Tháp

(TCTG) Trực tiếp đối thoại với dân là một phương thức quan trọng thể hiện mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Thông qua đối thoại cấp ủy lắng nghe được những bức xúc, kiến nghị thật của dân. Trên cơ sở đó, cấp ủy có cơ sở tự đổi mới, hoàn thiện sự lãnh đạo của chính mình. Nhận thức rõ tầm quan trọng của phương thức này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã xác định chủ trương Bí thư cấp ủy Đảng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, đây là một nội dung quan trọng trong Chương trình hành động của Tỉnh uỷ.

Thực hiện chủ trương trên, đến giữa tháng 6 năm 2008 ở Đồng Tháp đã có 9/11 huyện, thị, thành tổ chức 14 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Hình thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại cấp huyện khá đa dạng. Một số huyện như Hồng Ngự, Cao Lãnh, Lấp Vò tổ chức theo cụm xã; những huyện còn lại thì tổ chức tiếp xúc từng xã trên địa bàn huyện (ưu tiên cho những xã còn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc; tiếp xúc, đối thoại với đồng chí bí thư huyện ủy trước). Đối với cấp cơ sở, hiện nay đã có 77/142 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện và nhận được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của nhân dân. Tâm trạng cán bộ, đảng viên hết sức phấn khởi, biểu thị sự đồng tình cao với chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Có thể khẳng định rằng, có được thành công đó là do cấp ủy đảng các cấp đã làm tốt công tác chuẩn bị cho buổi tiếp xúc, đối thoại; phân công trách nhiệm cụ thể và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Chủ đề tiếp xúc, đối thoại được lựa chọn phù hợp, phản ánh đúng các vấn đề bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chính vì thế nên dân tham gia nhiệt tình, có nhiều ý kiến phát biểu, đóng góp. Trong đó, tập trung nhiều nhất là tình hình đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên, về công tác cải cách hành chính, ô nhiễm môi trường, xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng cầu, đường nông thôn... Bí thư cấp ủy các cấp chủ trì, xử lý vấn đề nhân dân đặt ra khá rõ ràng, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết từng vấn đề cụ thể, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Thời gian và địa điểm tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Công tác giữ gìn an ninh, trật tự được thực hiện tốt, chưa xuất hiện những vấn đề tiêu cực trong các buổi tiếp xúc. Hệ thống truyền thanh thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau các buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của bí thư cấp ủy với nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số đơn vị chọn chủ đề buổi tiếp xúc, đối thoại chưa phù hợp, chưa đáp ứng được những vấn đề người dân quan tâm; số lượng người dân tham gia còn ít; một số vấn đề chưa được đồng chí bí thư trả lời đúng trọng tâm, chưa mạnh dạn chỉ đạo giải quyết trực tiếp; sau buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp có những vấn đề nhân dân đặt ra thuộc thẩm quyền giải quyết được đồng chí bí thư ghi nhận nhưng kết quả giải quyết còn chậm, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Qua thực tiễn tổ chức chế độ bí thư cấp ủy các cấp tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, các cấp uỷ phải xác định chế độ bí thư tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân là một kênh thông tin nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ với nhân dân, do vậy phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; tổ chức định kỳ, ban hành quy chế và thực hiện theo quy chế. Xây dựng kế hoạch chu đáo, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Thứ hai, cần xác định chủ đề của buổi tiếp xúc, đối thoại phù hợp với những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm nhất, những vấn đề cần giải quyết để giải toả bức xúc trong nhân dân. Muốn vậy, phải nắm được dư luận xã hội trước khi tiếp xúc để lựa chọn đúng chủ đề; dự báo các tình huống có thể xảy ra trong buổi tiếp xúc; nội dung báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của đồng chí bí thư cần ngắn gọn, hướng vào chủ đề của buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp.

Thứ ba, số lượng nhân dân tham dự không hạn chế, thông báo rộng rãi qua hệ thống phát thanh của huyện và truyền thanh cơ sở trước nhiều ngày (kể cả nội dung chủ đề buổi tiếp xúc, đối thoại) để nhân dân biết và chuẩn bị ý kiến. Đồng thời, cấp uỷ đảng cơ sở phải xây dựng lực lượng nòng cốt để sử dụng trong buổi tiếp xúc. Đầu buổi tiếp xúc, đối thoại cần sinh hoạt những vấn đề thuộc về nguyên tắc, nội quy làm việc như: câu hỏi ngắn gọn, có tính xây dựng, đảm bảo số lượng dự từ đầu đến hết buổi tiếp xúc...

Thứ tư, lựa chọn thời gian, địa điểm các buổi tiếp xúc cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương. Địa điểm tiếp xúc cần bố trí trang trọng, tạo không khí thân thiện, gần gũi khi người dân tiếp xúc, đối thoại với bí thư. Giữ định kỳ hàng tháng hoặc ba tháng một lần bí thư tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; trường hợp đột xuất, bất thường thì bí thư cần tiếp xúc trực tiếp ngay với dân để nghe phản ánh hoặc chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh thuộc quyền hạn và trách nhiệm của mình.

Thứ năm, trong đối thoại, đồng chí bí thư phải nắm chắc tình hình địa phương, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, ứng xử linh hoạt tùy theo từng câu hỏi của nhân dân, vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương nhằm giải thích, tuyên truyền cho nhân dân.

Thứ sáu, trong buổi tiếp xúc, đối thoại phải sử dụng ngôn ngữ phổ thông, thái độ ân cần, gần gũi, tác phong giản dị; giải quyết dứt điểm hoặc chỉ đạo giải quyết trực tiếp các câu hỏi để tạo lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp uỷ ở cơ sở, giúp cho các cuộc tiếp xúc sau đạt yêu cầu cao hơn. Hạn chế việc đối thoại một chiều, bí thư có thể hỏi lại nhân dân hoặc trao đổi những vấn đề cấp uỷ cơ sở quan tâm với nhân dân. Những câu hỏi ghi ra giấy nếu còn thời gian thì nghiên cứu trả lời, nếu không thì cuối buổi nhắc lại câu hỏi và định rõ thời gian, đơn vị và hình thức trả lời cho nhân dân. Trong khi tiếp xúc, nếu có câu hỏi ngoài chủ đề thì đồng chí bí thư cấp uỷ vẫn tiếp nhận, ứng xử linh hoạt.

Thứ bảy, việc rút kinh nghiệm sau các buổi tiếp xúc rất quan trọng, trong đó cần khẳng định những mặt được, vạch rõ các tồn tại và nguyên nhân của tồn tại để có hướng khắc phục ở những lần tiếp xúc tiếp theo. Ban Tuyên giáo nắm bắt dư luận xã hội về thái độ, nhận xét của nhân dân qua buổi tiếp xúc, đối thoại để tham mưu giúp đồng chí bí thư chỉ đạo các ngành chức năng có hướng điều chỉnh và giải quyết các vấn đề phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Chế độ bí thư cấp ủy các cấp tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân ở Đồng Tháp, đã tạo ra một môi trường chính trị dân chủ, các ý kiến chính đáng của nhân dân được đáp ứng. Lòng tin của nhân dân với Đảng với chính quyền được nâng cao. Qua các cuộc tiếp xúc cấp ủy nắm được tâm tư nguyện vọng của dân, gần gũi với dân, từ đó giúp cho cấp ủy đổi mới phương thức làm việc, đề ra những giải pháp phù hợp với nguyện vọng của nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Tỉnh đảng bộ đã đề ra. Từ tháng 5-2008 Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tất cả các cấp ủy huyện, thị, và xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân ./.
 

    . Nguyễn Viết Anh
      Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất