Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 20/7/2008 22:54'(GMT+7)

Nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên lý luận

Trước hết, người giảng viên lý luận phải có phẩm chất chính trị tốát. Phẩm chất đó thể hiện ởâ sự trung thành tuyệt đối với mục tiêu và con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam mà Đảng ta, dân tộc ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đó là sự trung thành và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, thách thức mới để kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới, trong nước đang có những diễn biến rất phức tạp, hơn lúc nào hết người giảng viên lý luận phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và kiên định. Kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Phẩm chất chính trị đó còn thể hiện ở việc người giảng viên lý luận phải luôn có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực và trung thực. Đối với người giảng viên lý luận, đạo đức đó vừa là sự thể hiện ở bản lĩnh, vừa là ý thức tự giác trong việc tu dưỡng và rèn luyện, giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội; đề cao tính tổ chức, kỷ luật; thực hiện nghiêm các quy chế, quy định.

Cùng với ý thức tự giác rèn luyện của cá nhân, vai trò của tổ chức cũng rất quan trọng. Như chúng ta đã biết, ý thức đạo đức được hình thành và phát triển thông qua các hình thức giáo dục trực tiếp và giáo dục gián tiếp, thông qua quá trình kết hợp chặt chẽ giữa chủ thể (những người có trách nhiệm) với tự giáo dục của cá nhân, trong đó chủ thể giáo dục là điều kiện, là tiền đề cho tự giáo dục. Bởi vậy về phía tổ chức, cần phải coi việc giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, ý thức đạo đức cho đội ngũ cán bộ giảng dạy là một công việc thường xuyên và thực hiện có hệ thống; phải kịp thời phát hiện và xử lý những hiện tượng tiêu cực, chú trọng công tác quản lý cán bộ, tạo mọi điều kiện cần thiết cho cán bộ phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện.

Nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên có thể coi là nhiệm vụ hàng đầu, là điều kiện có tính quyết định cho sự tồn tại và phát triển của hệ thống nhà trường. Để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, ngoài việc nắm vững, trang bị và cập nhật những kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành theo chiều sâu, người giảng viên còn phải đồng thời với việc trang bị những kiến thức liên ngành để có tầm hiểu biết rộng, đủ sức luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Mặt khác, mỗi cán bộ, giảng viên còn phải không ngừng nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, phải thực sự tâm huyết trong việc nghiên cứu, giảng dạy, phải tự vươn lên để khẳng định vị thế của mình, khắc phục mọi biểu hiện thoả mãn, tự kiêu, thiếu tích cực, thiếu nhạy bén...

Năng lực chuyên môn của người giảng viên còn được thể hiện bởi phương pháp sư phạm của họ. Người giảng viên (người thầy) cần phải được trang bị một cách có hệ thống những kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cách tiếp cận thực tiễn và cách thu phục các đối tượng cảm thụ (học viên, sinh viên). Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương đổi mới trong công tác giáo dục-đào tạo, người giảng viên không giảng lại toàn bộ trên lớp những gì đã có trong giáo trình mà yêu cầu người học tự đọc, tự nghiên cứu. Đây là phương pháp giảng dạy đòi hỏi tính tích cực từ cả hai phía: người dạy và người học. Đặc biệt đối với người dạy phải biết lựa chọn phần trọng tâm, phải chọn giảng những nội dung cơ bản nhất, phải biết nêu vấn đề để người học suy nghĩ và tìm cách luận giải. Như vậy, người thầy dạy giỏi là người không chỉ truyền thụ kiến thức cho người học mà còn là người luôn biết khơi dậy và phát huy trí tuệ của người học. Stéc-béc, một nhà khoa học người Đức đưa ra nhận xét rất có lý rằng: giảng dạy bình thường là người thầy giáo đem chân lý đến cho học sinh, giảng dạy giỏi là người thầy giáo hướng dẫn cho học sinh tự tìm ra chân lý.

Để góp phần nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên, về phía tổ chức (nhà trường) cũng cần thiết phải có sự đầu tư, quan tâm thoả đáng.

Một là, cần có sự đánh giá đúng thực trạng, trên cơ sở đó có kế hoạch xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn giỏi và coi đó là một trong những nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, trong đó có cả việc chuẩn hoá đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện cần thiết, kể cả việc trang bị những phương tiện hiện đại cho giảng dạy và nghiên cứu để họ có thể đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.

Hai là, phải thường xuyên theo dõi, đánh giá đúng thực chất và năng lực chuyên môn của từng giảng viên để trên cơ sở đó có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Thông qua chất lượng bài giảng, chất lượng các công trình nghiên cứu để đánh giá một cách nghiêm túc về năng lực thực tế của giảng viên. Thực tế cho thấy, để đánh giá được một cách khách quan, chính xác, kích thích được tính tích cực của giảng viên, về phía tổ chức, lãnh đạo cần phải có một cơ chế chặt chẽ, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể và cần phải được thực hiện thường xuyên, có nề nếp.

Ba là, có cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển tài năng nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, cũng như làm gia tăng tính tích cực, sáng tạo tinh thần hăng hái, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, nhất là trong điều kiện hiện nay. Chính sách khuyến khích đó có thể thực hiện bằng hình thức vật chất hoặc tinh thần, hoặc bằng nêu gương, biểu dương kịp thời những giảng viên có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu, có tiến bộ nhanh trong việc nghiên cứu, giảng dạy, đặc biệt là đối với những giảng viên.

Bốn là, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, hợp tác khoa học, tạo điều kiện cho giảng viên vừa phát huy nội lực, vừa tận dụng được ngoại lực để phát triển chuyên môn. Tăng cường công tác thông tin, nhất là những thông tin mới, cập nhật. Có kế hoạch cho giảng viên đi thực tế trong nước, ngoài nước nhằm mở rộng tầm hiểu biết và nhận thức.

Năm là, thực hiện tốt chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ”, thu hút những sinh viên giỏi (trong, ngoài nhà trường) phù hợp nhu cầu về chuyên ngành, những cán bộ đã qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý có triển vọng và khả năng làm công tác giảng dạy tốt. Rút ngắn sự gián đoạn giữa các thế hệ khoa học (bởi phần đông giảng viên có học hàm, học vị thì tuổi đã trên dưới 50, trong đó phần đông các cán bộ tuổi trên dưới 40 thì hoặc là đang học cao học, hoặc bị coi là “quá trẻ” chưa đủ kinh nghiệm thực tiễn.

Sáu là, đầu tư kinh phí thoả đáng cho các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy; hiện đại hoá các phương tiện và những điều kiện cần thiết cho giảng dạy và nghiên cứu. Coi trọng công tác thông tin tư liệu. Nâng cấp trang thiết bị cho hệ thống thư viện (khoa, trường) đáp ứng nhu cầu người đọc.

Tóm lại, nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên, trong đó có đội ngũ giảng viên lý luận là nhiệm vụ mang tính chiến lược, có ý nghĩa vừa cấp bách vừa lâu dài đối với hệ thống các trường chính trị nói chung và các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học nói riêng. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trên, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực phấn đấu rất cao của mỗi giảng viên, đồng thời cũng đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư thích đáng của các cấp lãnh đạo. Qua đó tạo ra những chuyển biến mới, tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới./.

 

       .   PGS, TS. Nguyễn Quốc Bảo
            Phó trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất